60 năm trước, ngày 1/10/1964, chuyến tàu màu xanh trắng bóng loáng lướt nhẹ qua khu đô thị rộng lớn của Tokyo. Đường ray trên cao đưa đoàn tàu về phía Nam hướng đến thành phố Osaka và trở thành dấu ấn lịch sử.
Đây là buổi sáng mở ra kỷ nguyên tàu cao tốc Nhật Bản. Đây cũng là biểu tượng cho sự phục hồi đáng kinh ngạc của đất nước mặt trời mọc sau Thế chiến II. Cùng với Thế vận hội Olympic Tokyo 1964, kỳ quan mang tên shinkansen thay đổi mãi mãi nước Nhật, đánh dấu vị thế hàng đầu của Nhật Bản trong ngành đường sắt toàn cầu.
Qua 6 thập kỷ, thuật ngữ Shinkansen - tuyến đường trục mới - trở thành biểu tượng chỉ những con tàu được quốc tế công nhận về tốc độ, hiệu quả di chuyển và tính hiện đại.
Ngoài biểu tượng của sự phục hồi, Shinkansen được xem là công cụ để Nhật Bản tiếp tục phát triển kinh tế, đồng thời là tác nhân thay đổi đất nước vốn bị mặc định là quốc gia truyền thống.
Tàu cao tốc giai đoạn sơ khai
Mạng lưới Shinkansen mở rộng quy mô từ khi tuyến Tokaido dài 320 dặm nối Tokyo và Shin-Osaka hoàn thành năm 1964. Tàu chạy với tốc độ lên tới 322 km/h trên các tuyến đường tỏa ra từ thủ đô - hướng về phía Bắc, Nam và phía Tây đến các thành phố như Kobe, Kyoto, Hiroshima và Nagano.
Sự phát triển của Shinkansen chịu nhiều ảnh hưởng từ lịch sử đường sắt ban đầu của Nhật Bản. Thay vì khổ đường sắt "chuẩn" 4ft 8.5in được sử dụng ở Bắc Mỹ và nhiều nơi ở châu Âu, Nhật Bản chọn hướng đi riêng, chọn khổ đường sắt hẹp hơn là 3ft 6. Mặc dù quy ước này rẻ và dễ xây dựng ở địa hình đồi núi, sức chứa của nó hạn chế, tốc độ chậm.
Những chuyến tàu với màu sắc trắng - xanh trở thành trở thành biểu tượng của Nhật Bản. |
Cho đến khi Shinkansen xuất hiện, ngành đường sắt Nhật Bản đối mặt thách thức khác. Địa hình đầy thách thức và khí hậu thay đổi liên tục (mùa đông lạnh giá ở phía Bắc cho đến khí hậu nhiệt đới ẩm ở phía Nam) thách thức các kỹ sư. Đó cũng là lý do các kỹ sư đường sắt Nhật Bản dẫn đầu thế giới trong việc tìm ra giải pháp mở rộng ranh giới của công nghệ đường sắt.
Ngoài ra, Nhật Bản là một trong những nơi có địa chất không ổn định nhất trên hành tinh, dễ xảy ra động đất và sóng thần, là nơi có khoảng 10% núi lửa trên thế giới. Điều này có thể được cho là gây nguy hiểm cho hoạt động đường sắt.
Tuy nhiên, Shinkansen - đoàn tàu hiện đại công nghệ cao lướt qua ngọn núi Phú Sĩ phủ đầy tuyết - bất chấp nguy hiểm. Ngành đường sắt Nhật Bản chưa ghi nhận trường hợp hành khách bị thương hay tử vong trên mạng lưới Shinkansen do trật bánh trong suốt chiều dài lịch sử.
Cuộc cách mạng đường sắt cao tốc của Nhật Bản
Hiện tại, Nhật Bản là quốc gia dẫn đầu thế giới về công nghệ đường sắt. Các tập đoàn lớn như Hitachi và Toshiba xuất khẩu hàng tỷ USD tàu hỏa và thiết bị trên toàn thế giới mỗi năm. Sau thành công của Shinkansen, thế hệ tàu cao tốc tiếp theo được gọi là ALFA-X đang được thử nghiệm ở tốc độ gần 400 km/giờ.
Đặc điểm nổi bật của những chuyến tàu Shinkansen này và những chuyến tàu khác gần đây là phần mũi dài. Thiết kế nhằm loại bỏ tiếng nổ siêu thanh do "hiệu ứng piston" khi tàu chạy vào đường hầm và đẩy sóng nén ra khỏi đầu bên kia ở tốc độ siêu thanh.
Trước đó, hiệu ứng piston khiến các kỹ sư đau đầu. Đây là vấn đề đặc biệt nghiêm trọng ở các khu vực đô thị đông dân, nơi tiếng ồn từ các tuyến tàu Shinkansen từ lâu gây ra nhiều khiếu nại.
Những tuyến đường sắt cao tốc thay đổi mãi mãi Nhật Bản. |
Tàu ALFA-X thử nghiệm cũng có công nghệ an toàn mới, bao gồm giảm độ rung và tiếng ồn cũng như giảm khả năng trật bánh khi xảy ra động đất lớn. Việc cải tiến đường sắt cao tốc hoàn toàn phù hợp với xu hướng sử dụng phương tiện công cộng đã phục vụ tổng hơn 10 tỷ hành khách.
Ngoài ra, Nhật Bản đã có tuyến tàu đệm từ thử nghiệm từ những năm 1970. Hiện, quốc gia này đang xây dựng tuyến tàu dài 178 dặm nối Tokyo và Nagoya, mở rộng đến Osaka. Tuyến đường sắt dự kiến đưa vào sử dụng năm 2034, rút ngắn thời gian di chuyển đến Osaka chỉ còn 67 phút.
Học giả người Anh Christopher P. Hood - tác giả của cuốn Shinkansen: Từ tàu cao tốc đến biểu tượng của Nhật Bản hiện đại - cho biết: “Rõ ràng Shinkansen không chỉ là một phương tiện giao thông. Đó là biểu tượng mạnh mẽ nhất của quá trình tái thiết sau chiến tranh và sức mạnh công nghiệp mới nổi của Nhật Bản và khi nó tiếp tục phát triển thì có thể sẽ vẫn như vậy trong nhiều năm tới”.
Mặc dù đoàn tàu 0-Series màu xanh - trắng mang tính biểu tượng của năm 1964 đã ngừng hoạt động từ lâu, nhưng chúng vẫn gợi lại hình ảnh về tàu cao tốc trong tâm trí nhiều người.
Đường sắt cao tốc trên toàn thế giới
Vào năm 2022, có hơn 295 triệu người đi tàu Shinkansen trên khắp Nhật Bản. Không có gì ngạc nhiên khi nhiều quốc gia noi theo Nhật Bản và xây dựng các tuyến đường sắt cao tốc mới trong bốn thập kỷ qua.
Quốc gia nổi tiếng nhất trong số này là Pháp - nơi đã khai thác tuyến tàu Train à Grand Vitesse (TGV) giữa Paris và Lyon kể từ năm 1981. Giống Nhật Bản, Pháp đã xuất khẩu thành công công nghệ này sang các nước khác, bao gồm mạng lưới đường sắt cao tốc dài nhất châu Âu tại Tây Ban Nha, cũng như Bỉ, Hàn Quốc, Anh và tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên của châu Phi tại Maroc.
Trung Quốc phát triển tuyến đường sắt cao tốc có tốc độ lên đến gần 650 km/giờ. |
Mạng lưới TGV của Pháp đạt thành công lớn, giúp rút ngắn thời gian di chuyển trên những quãng đường dài giữa các thành phố lớn, giúp việc di chuyển tốc độ cao trở nên dễ dàng với giá phải chăng, phù hợp với nhiều đối tượng.
Tiếp đó, Italy, Đức, Hà Lan, Đài Loan, Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia đều khai thác các tuyến tàu chuyên dụng nối liền các thành phố lớn, cạnh tranh trực tiếp với hãng hàng không nội địa và quốc tế. Trong khi đó, Ấn Độ và Thái Lan đang có kế hoạch xây dựng mạng lưới đường sắt cao tốc rộng lớn của riêng mình.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã “làm lu mờ phần còn lại của thế giới” khi tận dụng tiềm lực kinh tế tạo ra mạng lưới đường sắt cao tốc dài nhất thế giới. Theo đơn vị điều hành đường sắt quốc gia Trung Quốc, tính đến cuối năm 2023, tổng chiều dài của tuyến đường sắt này là gần 45.000 km.
Không chỉ là phương tiện di chuyển, những tuyến đường sắt cao tốc kết nối nhanh chóng đất nước, thúc đẩy phát triển kinh tế và củng cố sự hài hòa về chính trị và xã hội.
Ban đầu, Trung Quốc học hỏi công nghệ từ Nhật Bản và Tây Âu, sau đó phát triển theo hướng hiện đại và nhanh chóng trở thành một trong những quốc gia hàng đầu trong lĩnh vực đường sắt cao tốc. Sắp tới, Trung Quốc phát triển tàu đệm từ có khả năng chạy với tốc độ lên đến gần 650 km/giờ.