Cần tư duy lịch sử

Cần tư duy lịch sử
TP - Hôm 17/2, tại thành phố Cần Thơ, họp bàn phòng chống hạn và xâm nhập mặn ĐBSCL, một vị phát biểu xong, chúc Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng  Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát và các đại biểu “năm mới mạnh khỏe”.

Bộ trưởng Cao Đức Phát nói ngay: nghỉ Tết qua rồi, đề nghị không chúc năm mới nữa, chúng ta phải khẩn trương làm việc cùng người dân ứng phó với trận hạn và mặn lịch sử.

Hai từ “lịch sử” đã trở thành định danh cho trận hạn và mặn gay gắt hiện nay, trăm năm mới có một lần. Nhiều nhà khoa học khẳng định, hạn và mặn đã gây thiệt hại rất lớn tuy nhiên, tai họa khốc liệt còn ở phía trước. Bởi vì, so với trung bình nhiều năm, lượng mưa năm 2015 giảm 30-50%. Còn mực nước sông Mê Công chảy vào cửa ngõ ĐBSCL ở đầu mùa khô đã giảm 0,91 mét so với năm 2014, trong lúc mực nước Biển Hồ (Campuchia) chảy ra sông Mê Công lại giảm 1,22 mét, nghĩa là dòng Mê Công đang cạn kiệt. Phó giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, ông Tăng Văn Thắng, cho biết thêm, do các đập thủy điện của Trung Quốc ngăn dòng chính thượng nguồn sông Mê Công mà tác hại cuối mùa khô còn “khó lường”.

Dự báo, vụ lúa đông xuân 2015-2016 ở ĐBSCL có 21,9% tổng diện tích bị nhiễm mặn, thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng. Đặc biệt là nguồn nước ngọt phục vụ dân sinh. Mới đầu mùa khô mà hàng trăm nghìn hộ dân ven biển đã thiếu trầm trọng, nhiều nơi thiếu cả nước lợ.

Vấn đề lớn đặt ra cho ĐBSCL hiện nay như Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo: nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch sản xuất nông nghiệp, tái cơ cấu kinh tế phù hợp với điều kiện mới. Cần số vốn khổng lồ để đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Bộ trưởng Cao Đức Phát nói, nhu cầu khoảng 4 tỷ USD. Trong lúc, khả năng cân đối trước mắt từ các nguồn chỉ có 550 tỷ đồng; còn trong ngắn hạn 400-500 triệu USD, chủ yếu là vốn vay ODA.

Thiên tai lớn cũng lộ ra nhiều hạn chế trong đầu tư trước nay. Tỉnh Hậu Giang có dự án đắp đập ngăn mặn dài 70 km, vốn của trung ương, làm được 40 km thì dừng lại theo chủ trương giãn tiến độ. Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Nguyễn Văn Đồng kêu lên: “Năm nay bị nước mặn tập hậu”, nước mặn tràn vô đoạn chưa có đê gây thiệt hại hàng chục nghìn héc-ta lúa và hoa màu. Bí thư Tỉnh ủy Trần Công Chánh than: “Đất nhiễm mặn thì cây trồng cằn cỗi, dân sẽ nghèo 10 năm”. Nhiều nơi khác cũng có công trình đầu tư nửa vời tương tự.

Nên vốn đầu tư rất quan trọng nhưng quan trọng hơn là tư duy đầu tư, phải thật sự khoa học để đảm bảo đồng bộ, có hiệu quả. Đang nghèo, thiếu vốn lại phải chắt chiu từng đồng cho đầu tư phát triển. Số liệu của Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, vùng này trong năm 2015 và tháng 1/2016, đầu tư cho phát triển chiếm chưa tới 13% tổng chi. Nhiều nhà khoa học cho rằng, cần nâng cao hơn nữa tỷ lệ đầu tư cho phát triển, nhất là trong tình hình hiện nay, vùng nông nghiệp quốc gia không còn “làm chơi ăn thật” như hồi nào. Nhiều nhà quản lý kiến nghị, hạn chế đầu tư những công trình chưa cấp bách như tượng đài, khu lưu niệm, các lễ hội để dành vốn cho đầu tư phát triển ĐBSCL. Trước thiên tai “lịch sử” đang cần những thay đổi mạnh mẽ để thích ứng, cần một “tư duy lịch sử” cho ĐBSCL.

MỚI - NÓNG