Thanh lọc lễ hội

Thanh lọc lễ hội
TP - Chỉ một lễ hội Ném Thượng chém lợn mà dẹp không nổi. Chém vẫn tiếp tục chém, cho dù kín đáo hơn. Dân địa phương không muốn mất đi tục lệ xưa, khách thập phương cũng có nhiều người muốn duy trì một trò vui bởi với họ, dẹp đi thì họ cũng chẳng được gì, lại không có gì để xem.

Thêm vài ý kiến của các nhà nghiên cứu “tầm chương trích cú”, giọng điệu đầy kinh viện với tinh thần “bảo vệ văn hóa truyền thống”. Và những lợi ích vật chất dành cho những người tổ chức, địa phương nơi có lễ hội.

Nhưng bảo tồn văn hóa truyền thống không có nghĩa là phải bảo tồn mọi thứ xưa cũ, nếu nó không còn hợp thời, không còn phù hợp. Có dạo, một vài nhà báo viết bài than khóc cho cái nón lá, chiếc lược bí cùng sự mai một của vài làng nghề. Nhưng với đời sống hiện đại, còn bao nhiêu chỗ cho nón, lấy đâu ra thị trường cho lược bí? Cứ than khóc đấy nhưng làng Chuông làng Vác làm nón, làng Đọi Tam làm trống cũng phải tự mình xoay xở, tìm hướng đi mới bởi sản phẩm truyền thống của mình giờ đã không còn nhiều chỗ đứng trong cuộc sống. Nếu họ cứ ôm khư khư lấy quá khứ để không chịu đổi mới, thay đổi cho phù hợp thì chính họ là người chịu hậu quả trước tiên chứ không phải là mấy ông bà lên báo than khóc cho “những nét truyền thống đang mai một”.

Với gần 8.000 lễ hội na ná giống nhau ở khắp mọi miền, tổ chức quanh năm, có thể nói xã hội đã tiêu tốn không chỉ lượng vật chất mà cả thời gian rất lớn vào đây. Trong đó, có không ít những lễ hội hoặc mang tính bạo lực (chọi trâu, cướp phết, chém lợn) hoặc đã bị biến tướng thành những trò buôn thần bán thánh. Lễ hội nào cũng đông nghẹt người, quay cuồng với nhiều trò, lễ mang tính mê tín dị đoan, là nơi thói tham lam quá đáng của con người được dịp tha hồ “phát tiết”.

Đã đến lúc cần phải có một cuộc “thanh lọc” các loại lễ hội và việc bàn thảo, chọn ra một vài lễ hội tiêu biểu cho hồn cốt dân tộc, mang tính nhân văn và trí tuệ để giữ gìn và phát triển bản sắc mới là việc quan trọng của giới nghiên cứu văn hóa chứ không phải cái gì xưa cũ cũng hô hào bảo tồn. “Thanh lọc” lễ hội nói riêng hay bất cứ việc gì trong xã hội cũng cần được cân nhắc theo hướng bảo đảm lợi ích đa số. Chắc chắn người dân cả nước sẽ được lợi khi chúng ta tiết kiệm được tài sản vật chất và thời gian để dành cho các hoạt động khác có ích hơn.

Hơn ai hết, ngành văn hóa và các nhà nghiên cứu văn hóa cần vào cuộc quyết liệt.

MỚI - NÓNG