Hội Gióng không bạo lực
Những ngày cuối năm, cánh báo chí vẫn sôi sục căn vặn BTC hội Gióng đền Sóc do lo ngại thanh niên trai tráng cầm gậy gộc ẩu đả, gây thương tích trong quá trình bảo vệ lễ phẩm, vật phẩm dâng Thánh. Ông Nguyễn Nam Nho, Giám đốc Trung tâm Quản lý Di tích đền Sóc nhắc lại, trong năm nhiều lần xuống làm việc với các xã, đề nghị không mang bát bửu, gậy gộc bảo vệ đoàn rước. “Lúc đầu các cụ cũng phản ứng dữ lắm, nhưng chúng tôi thuyết phục bà con ủng hộ chủ trương của BTC”, ông Nho nói.
Sau tiếng trống khai hội, bài văn tế sáng mùng sáu tháng Giêng (13/2) dân tám thôn trong khu vực huyện Sóc Sơn lần lượt dâng lễ phẩm: Giò hoa tre, ngựa sắt, voi chiến, trầu cau, ngà voi, cỏ voi, cầu húc, kiệu cô Tướng trước cửa đền Thượng. Không gian khu đền Sóc khá chật chội, từ đền Thượng xuống đền Hạ, đền Mẫu chỉ độ vài trăm mét mà chứa cả vạn người. Dứt bài văn tế của trưởng đoàn các thôn, kiệu rước lễ phẩm từ từ rời xuống các đền chờ phục lễ. Quãng đường ngắn so với nhiều đám rước khác ở các lễ hội, nhưng đòi hỏi hàng rào tình nguyện, hỗ trợ công an đến vài trăm người.
Giò hoa tre và trầu cau năm nào cũng “nóng”, bởi suy nghĩ ăn sâu vào tiềm thức người dân phải cướp được lộc mới mong may mắn cả năm. Giò hoa tre về đền Hạ phục lễ xong sẽ có lệnh cho cướp. Trầu cau về đến Mẫu hành lễ xong mới cho cướp, năm nay được xem là kỳ tích. “Ôi phá kỷ lục rồi”, nhiều người dân hô to khi đoàn rước gần tới cửa đền Mẫu. Những năm trước, chỉ cần kiệu lễ trầu cau vẫn ở sân đền Thượng đã tan tác.
“Năm nay chúng tôi đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân, nên cướp lộc diễn ra an toàn”, ông Đoàn Văn Sinh, Trưởng phòng Văn hóa huyện Sóc Sơn, đại diện BTC đánh giá. Mọi người đùa hội Gióng năm nay “cướp lộc đúng kịch bản”. Ông Sinh nói thêm, những năm trước do một số thanh niên không hiểu biết nên cướp lộc trước khi hành lễ, người trong đoàn bảo vệ cố ngăn cản nên dễ sinh xô xát. BTC năm nay không những thu hết đồ dễ thành vũ khí, còn quán triệt “để cho cướp thoải mái, không ngăn cản”. Giải pháp này ít nhiều có hiệu quả, dù đây đó trong lúc cướp lộc vẫn có một vài cú đấm vung lên, chủ yếu do va chạm, hoặc thanh niên quá khích đè đầu cưỡi cổ những người bảo vệ hòng mong cướp lộc.
Chém lợn kín
Hội khu phố Thượng nay nổi tiếng với tên gọi lễ hội chém lợn Ném Thượng diễn ra hai ngày mùng 5, mùng 6 Tết. Dân làng và du khách chỉ đổ dồn về đây trong sáng mùng 6 để khai hội, rước lợn quanh làng và chờ đến ngọ để trảm hai “ông ỉn”. Một thành viên BTC tiết lộ, đến đêm trước hôm chính hội vẫn phân vân phương án chém lợn. Trước Tết các cụ cao niên vẫn nhất mực muốn chém giữa sân đình, trong khi BTC chịu sức ép của các cấp quản lý buộc phải điều chỉnh. Khu vực làm cỗ ngọc tế thánh mọi năm căng bạt đơn giản, nay kín bưng che mắt người không phận sự.
Lợn tế thánh được chọn lựa kỹ càng từ tháng 8 dương lịch, nuôi theo phương pháp không tăng trọng. Đến ngày hành lễ, hai “ông ỉn” cũng nặng gần hai tạ, nằm im trong xe cũi màu hồng theo đoàn rước quanh làng. Ông đám, hai thủ đao sau giờ chém lợn vừa bước từ rạp ra được BTC gọi loa mời về giữa sân đình chụp ảnh lưu niệm. Cánh báo chí vây kín một thủ đao hỏi cảm giác, “chém trong rạp kín đáo, an toàn cao hơn”, ông trả lời rồi bị trưởng BTC lôi tuột đi.
Người dân năm nay vẫn chọn món đu cây, leo tường nhà để xem chém lợn. Khi sự đã rồi, bà Nguyễn Thị Lành bảo “không vui, đã chém phải chém giữa sân đình”. Xem ra cảnh đầu lìa máu chảy không làm người dân mảy may ghê rợn. Ông đám Nguyễn Đức Luận được giao trọng trách nuôi lợn tế cũng nói: “Làm thế dân không tán thành lắm, người ta bảo phải làm giữa sân đình mới là ngày hội, mới đẹp”. Hai thủ đao bước ra khỏi rạp sau khi trảm hai ông ỉn xong cũng là lúc người dân tản ra khỏi sân đình Thượng chật hẹp. Màn tế lễ sau đó với khay thịt khoanh năm từ hai con lợn này dâng lên hậu cung chẳng còn sức hút gì lắm với dân làng.
Trong cuộc họp cuối năm tại Sở VHTTDL tỉnh Bắc Ninh, lãnh đạo Sở không ngớt than khó khi nhắc đến hội Ném Thượng, nhắc lại cảnh năm trước lãnh đạo Sở không chen vào nổi để ngăn chém lợn giữa sân đình. Ông Trần Văn Đức, Trưởng BTC lễ hội sau một hồi từ chối trả lời cũng khẳng định: “Với quan điểm của BTC, lễ hội xuân duy trì quy chế lễ hội, truyền thống địa phương, mong muốn phát triển lễ hội truyền thống khu phố Thượng ngày càng phồn thịnh, đặc biệt phù hợp khách quan thực tế”. Ông nói thêm, địa phương triển khai tổ chức lễ hội từ 15/7/2015 theo sát sự chỉ đạo Bộ, Sở, thành phố và phường Khắc Niệm.
Ông Đức nói thêm, qua lễ hội để “các thế hệ trẻ ghi nhớ công lao của tiền nhân, giáo dục các thế hệ đoàn kết, xây dựng quê hương”. Lễ hội Ném Thượng bước đầu điều chỉnh bằng cách chém kín, nhưng vẫn cứ là chém.
Vẫn còn nỗi lo “Cướp phết”
Một số lễ hội đầu năm giữ được không khí yên ả, đông vui nhưng hội đả cầu cướp phết ở Vĩnh Phúc ngày 14/2 tiếp tục diễn ra trong cảnh hỗn loạn. Sự e ngại còn nguyên ở hội Cướp phết Hiền Quan (Tam Nông, Phú Thọ), diễn ra ngày 13 tháng Giêng tới. Để tranh giành những quả phết, quả chúi lấy may này, nhiều đám thanh niên sẵn sàng nhiều hành động dẫn đến đổ máu. Lễ hội để ôn lại truyền thống giữ nước, tưởng nhớ công lao của Thiều Hoa công chúa phò Hai Bà Trưng đánh giặc nay biến tướng thành ngày hội của tranh cướp, ẩu đả. Ông Nguyễn Ngọc Ân, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ cho biết, rút kinh nghiệm năm trước, Sở sớm có văn bản yêu cầu thực hiện đúng quy chế lễ hội. Dẫu vậy, lãnh đạo Sở cũng chỉ biết hy vọng mọi sự tốt đẹp, chứ chưa có giải pháp cụ thể.