Cận chiến với COVID-19: Chạy đua với tử thần

0:00 / 0:00
0:00
Một tháng "ôm" taxi cấp cứu, ông Mỹ chưa một lần về nhà thăm gia đình
Một tháng "ôm" taxi cấp cứu, ông Mỹ chưa một lần về nhà thăm gia đình
TP - Ðang ngồi ngả lưng trên ghế lái chiếc taxi 7 chỗ, thấy hai nhân viên y tế lom khom dìu một F0 bị suy hô hấp từ trong nhà bước ra, ông Mỹ vội bật dậy mở cửa xe, đỡ bệnh nhân lên ghế sau rồi nổ máy, bật đèn khẩn cấp. Chiếc xe lao vút qua những con hẻm chật hẹp, quanh co, tiến thẳng đến bệnh viện.

Giúp đời

Kết thúc chuyến xe chở F0 cấp cứu sau gần hai giờ đồng hồ căng thẳng tìm bệnh viện tiếp nhận, ông Nguyễn Văn Mỹ (52 tuổi, tài xế taxi MaiLinh) cởi bỏ bộ đồ bảo hộ, thay chiếc áo ướt sũng mồ hôi, ăn vội phần cơm trưa rồi ngả lưng trên chiếc giường dã chiến. Chưa kịp nghỉ ngơi ông lại bật dậy khoác đồ bảo hộ, nổ máy xe đợi sẵn khi nhân viên y tế báo có ca F0 trở nặng cần cấp cứu.

Chiếc taxi 7 chỗ được hoán cải, lắp thêm lớp màng ngăn ghế tài với hàng ghế sau để chở F0 của ông Mỹ nhanh chóng rời khỏi Trung tâm cách ly F0 không triệu chứng tại một trường học ở quận 4, TPHCM, len lỏi qua các con đường ngoằn ngoèo rồi lao thẳng vào con hẻm nhỏ theo hướng chỉ tay của nhân viên y tế tổ COVID-19 cộng đồng. Đến con hẻm nhỏ, xe không thể vào sâu thêm, ông Mỹ dừng xe, mở cốp phụ vác bình ô xy chạy bộ vào trong, đến trước nhà bệnh nhân, ông Mỹ đưa bình ô xy cho nhân viên y tế rồi trở ra xe đợi.

Ông Mỹ kể, ông được giao nhiệm vụ đơn thuần là lái taxi chở nhân viên y tế từ điểm tập kết đến nhà bệnh nhân và chở bệnh nhân từ nhà đến các cơ sở y tế. Thế nhưng, mỗi lần thấy nhân viên y tế, khệ nệ ôm bình ô xy, vất vả khiêng người bệnh từ trong hẻm nhỏ đi ra thì ông lại xắn tay vào giúp. Khi bệnh nhân lên xe, ông luôn cố gắng tìm cung đường ngắn nhất, chạy nhanh nhất có thể đưa bệnh nhân đến bệnh viện kịp thời. “Có hôm bệnh viện quá tải, bệnh nhân nằm thở ô xy trên xe mà tôi chạy lòng vòng hai tiếng đồng hồ không chỗ nào nhận. Bí quá tôi “đạp” thẳng đến Bệnh viện Chợ Rẫy, may mắn đến đó bác sĩ cho nhập viện”, ông Mỹ nhớ lại.

Đến nay, gần tròn một tháng ông Mỹ cùng chiếc taxi của mình đồng hành lực lượng y tế trên những cung đường của quận 4 để cấp cứu F0 tại nhà, chở đến bệnh viện khi bệnh nhân chuyển nặng. Công việc tưởng chừng đơn giản nhưng lại đầy áp lực, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm khi phải tiếp xúc F0 với mật độ cao cả ngày lẫn đêm. Dù có đôi chút lo lắng nhưng chưa một lần ông Mỹ có ý định bỏ cuộc. “Hơn nửa thế kỷ sống trên đời này rồi, giúp được gì cho đời thì tôi giúp chứ còn gì mà sợ. Mình sợ ở nhà thì ai chở người đi cấp cứu?”, ông Mỹ quả quyết.

Ông Mỹ quyết định tham gia lái taxi cấp cứu F0 sau khi con trai của ông cũng là F0 nhưng gọi cầu cứu suốt 5 ngày mới được đưa đi cách ly điều trị. May mắn con trai ông cũng khỏi bệnh về nhà. Khi ông thông báo với gia đình sẽ đi chở F0 cấp cứu, ban đầu gia đình 4 người thì 3 người can ngăn, nhất quyết không cho ông đi. Nhưng rồi ông đã thuyết phục được họ. “Tôi nói với vợ con là hãy nhìn lại hoàn cảnh của mình, lúc con trai là F0, không được đi viện thì tâm lý mình như thế nào, lo lắng ra sao. Tôi không muốn những F0 khác giống như con tôi, hoang mang, lo lắng, cầu cứu không được”, ông Mỹ chia sẻ.

“Cướp giờ vàng”

Gần 1 giờ sáng một ngày giữa tháng 8/2021, khi đường phố trở nên vắng lặng, chỉ có những ánh đèn rọi xuống mặt đường hiu hắt, ông Phan Văn Sỹ, tài xế xe cứu thương của Bệnh viện Chợ Rẫy vừa hoàn thành chuyến xe chở bệnh nhân COVID-19 chuyển viện trở về. Khuôn mặt phờ phạc vì mệt mỏi sau một ngày dài chạy đua để “cướp giờ vàng” cho bệnh nhân.

Thay bộ đồ bảo hộ, uống vội chai nước trước khi tìm một góc khuất để ngả lưng trong lúc chờ chuyển bệnh nhân mới, ông Sỹ cho biết, 15 năm trong nghề tài xế lái xe cứu thương, từng chứng kiến, vận chuyển bệnh nhân của nhiều đợt dịch bệnh khác nhau nhưng chưa khi nào ông gặp áp lực như đợt dịch lần này bởi bệnh nhân chuyển nặng quá nhanh, đôi khi chưa kịp đến bệnh viện đã tử vong. Do đó, mỗi chuyến xe chở bệnh nhân ông luôn cố gắng tập trung tinh thần, tìm cung đường ngắn nhất, lái xe êm nhất có thể để giúp bệnh nhân chuyển viện kịp thời nhất.

Sau mỗi chuyến xe, lúc rảnh rỗi ngồi nghỉ ngơi cũng có những khi nghĩ lại hành trình của mình, ông Sỹ không khỏi lo lắng cho bản thân và gia đình. Tuy nhiên, khi nhận tin báo có bệnh nhân cần chuyển viện, ông lại bật dậy nổ máy, mọi lo toan đều gác lại, thay vào đó là suy nghĩ làm sao để chuyển bệnh nhân được nhanh nhất. “Cũng như các bệnh nhân cấp cứu khác, bệnh nhân COVID-19 cũng có khoảng “thời gian vàng” để được cứu sống. Nếu mình chuyển bệnh chậm, làm mất khoảng thời gian vàng, có thể dẫn đến nguy hiểm cho bệnh nhân. Vì vậy, mỗi lần nổ máy xe là tôi xác định phải chạy nhanh nhất, an toàn nhất để “cướp giờ vàng” cho bệnh nhân”, ông Sỹ nói.

Cận chiến với COVID-19: Chạy đua với tử thần ảnh 1
Trên taxi của ông Mỹ luôn có sẵn bình ô xy để cấp cứu F0 mọi lúc

Hơn 3 tháng qua, dịch bệnh ở TPHCM quá phức tạp, ông và các thành viên trong đội lái xe cứu thương luôn làm việc hết công suất, gần như dành toàn bộ thời gian để túc trực tại bệnh viện. Mỗi lúc mệt mỏi cần nghỉ ngơi, ông lại tìm một góc nào đó vắng vẻ trong khuôn viên bệnh viện ngồi tựa vào tường chợp mắt nghỉ ngơi. Hơn 3 tháng chạy đua chở bệnh nhân COVID-19 cấp cứu, ông Sỹ không nhớ mình đã chở bao nhiêu người, đến bao nhiêu bệnh viện khác nhau nhưng ông nhớ từng chi tiết liên quan đến bệnh nhân tử vong trên đường chuyển viện.

“Hơn nửa thế kỷ sống trên đời này rồi, giúp được gì cho đời thì tôi giúp chứ còn gì mà sợ. Mình mà sợ mà ở nhà thì ai chở người đi cấp cứu”.

Tài xế Nguyễn Văn Mỹ

Ông kể, hôm đó ông chở 4 bệnh nhân F0 từ Bệnh viện Chợ Rẫy đến Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 6 ở TP Thủ Đức. Dù đã cố gắng lái xe nhanh nhất có thể nhưng khi đến nơi, ông phát hiện một bệnh nhân hôn mê, các bác sĩ hồi sức cấp cứu tại đây đã cố hết sức nhưng cũng không cứu được bệnh nhân. “Cái nghề tài xế lái xe cấp cứu trong tâm luôn suy nghĩ làm sao cho bệnh nhân chuyển viện được nhanh nhất có thể để tính mạng của họ được bảo toàn. Thế nhưng cũng có những bệnh nhân ra đi quá đột ngột, mình không thể làm gì được. Khi đó chỉ biết cầu mong sao họ ra đi được thanh thản, nhẹ nhàng”, ông Sỹ ngậm ngùi.

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.