Phóng viên thường trú cấp... phường
Từ ngày 1/8, toàn phường Nại Hiên Đông thực hiện lệnh của Bí thư Thành ủy phong tỏa cứng “nội bất xuất, ngoại bất nhập” để cách ly y tế phòng chống dịch COVID-19.
Khu dân cư đông đúc ven biển này bỗng chốc bị giăng kín dây với hàng rào dựng lên khắp mọi ngả đường, góc phố, chung cư,... Chợ, siêu thị đã dừng hoạt động, người dân được yêu cầu ngồi yên trong nhà. Chỉ có người đi cấp cứu, người bị...cháy nhà mới có thể ra ngoài!
Với Chỉ thị 05 của TP Đà Nẵng về việc phòng chống dịch, nhà báo các khu vực khác vẫn được phép tác nghiệp, di chuyển qua các chốt. Riêng tại địa bàn phường Nại Hiên Đông, phóng viên chỉ được phép đi lại trong phường và không được đi ra khỏi chốt kiểm soát.
Ngày đầu tiên, anh em phóng viên xôn xao hỏi nhau chuyện đi ra bên ngoài, còn tôi báo cáo ngắn gọn với lãnh đạo: “Nại Hiên Đông đã bị khóa, nay làm phóng viên xin làm thường trú tại... phường”.
Ông Chủ tịch phường Cao Đình Hải vốn là chỗ quen biết với hầu hết mấy chục anh em phóng viên, nhà báo sống trên địa bàn. Lọ mọ lên phường hỏi ông về việc tác nghiệp, ông chủ tịch nói thẳng, rằng không phường nào ở Đà Nẵng đông anh em nhà báo như ở Nại Hiên Đông. Nếu ai cũng ra đường tác nghiệp thì phường rất khó kiểm soát, nhiều nguy cơ.
Tuy nhiên, ông cũng bỏ ngỏ, quy định, nếu anh em báo chí bên ngoài vào tác nghiệp thì phải trang bị bảo hộ kỹ càng. Còn anh em sống trong phường tác nghiệp không phải mặc đồ bảo hộ nhưng thực hiện nghiêm quy định về 5K.
Để thuận lợi cho các nhà báo của phường, ông Hải đề nghị anh em ngoài thẻ nhà báo cần có thêm giấy giới thiệu của cơ quan, trong đó ghi rõ là đăng ký tác nghiệp tại phường trong thời gian cách ly. Giấy giới thiệu cơ quan chỉ cần chụp, gửi hình ảnh qua Zalo để địa phương nắm, khi cần sẽ đưa hình ảnh ra cho anh em làm nhiệm vụ kiểm tra.
“Dịch bệnh khó đoán trước, anh em cần hết sức cẩn thận, không để lây nhiễm cho bản thân và cộng đồng. Lỡ không may sẽ rất phiền cho anh em và cho cả địa phương”, ông Hải căn dặn.
Với giấy giới thiệu được cơ quan cấp, tôi và một số anh em khác bỗng trở thành những phóng viên thường trú cấp...phường! Ca mắc tăng liên tục, hàng ngày, mỗi lần ra khỏi nhà để tác nghiệp anh em đều bảo hộ cẩn thận, tác nghiệp nhanh, giữ khoảng cách tối thiểu và luôn trong tâm thế đề phòng dịch bệnh cao nhất. Trong balo ai cũng sẵn bình dung dịch sát khuẩn, để khử khuẩn tay, máy móc sau mỗi lần tác nghiệp xong.
Về lại chung cư chấp nhận leo cầu thang bộ, không dùng chung thang máy. Việc đầu tiên trước khi vào nhà nhắc vợ con ở yên trong phòng ngủ, đóng cửa. Bản thân nhanh chóng vào cởi bỏ áo quần cho vào máy và giặt ngay. Tắm gội sạch sẽ rồi mới ngồi vào máy làm việc.
Có ngày tắm rửa đến 3 - 4 lượt. Đà Nẵng trải qua mấy lần dịch, những kỹ năng tối thiểu đảm bảo an toàn cho bản thân và gia đình, anh em đều thuần thục.
Tác nghiệp ở Nại Hiên Đông. Ảnh: Nguyễn Thành |
Kết nối và sẻ chia
Những ngày phường Nại Hiên Đông bị phong tỏa, vợ chồng Phan Chung (báo Đà Nẵng) và Diệu Quỳnh (VTV 8) là một trong số những phóng viên thường xuyên có mặt tại các địa điểm nóng trên địa bàn phường. Từ ngày dịch bùng phát trở lại, để hoàn thành nhiệm vụ, cả hai vợ chồng phải “điều” hẳn bà ngoại từ quận Thanh Khê qua trông 2 con nhỏ. Phường phải cách ly y tế, bà ngoại ở lại nhà để hai vợ chồng an tâm làm việc.
Phải cách ly y tế nên không có máy móc chuyên dụng, với chiếc điện thoại trên tay, Diệu Quỳnh vừa làm quay phim, phóng viên dẫn hiện trường, kiêm biên tập viên ngay tại chỗ để kịp gửi bản tin về cho đài phát sóng. Khi cần dẫn hiện trường, Chung trở thành trợ lý đắc lực, làm quay phim cho vợ hoàn thành các bản tin nóng hổi về tình hình dịch bệnh.
Từ tâm dịch Nại Hiên Đông, hàng trăm bản tin về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống dịch đã được phát đi, kịp thời đăng tải. Nhiều đồng nghiệp bên ngoài được anh em hỗ trợ hình ảnh và video từ bên trong.
Ngoài tác nghiệp, anh em còn kết nối tương tác với chính quyền để kịp thời giúp đỡ, hỗ trợ những trường hợp người dân gặp khó khăn, hoàn cảnh yếu thế. Gặp hoàn cảnh cần trợ giúp, anh em gửi hình ảnh, thông tin đến lãnh đạo phường và nhanh chóng được giúp đỡ ngay sau đó.
Nhà báo Nguyễn Hữu Quý - Trưởng đại diện báo Thể thao Văn hóa là người yêu văn nghệ, đặc sắc với những “món” thổi sáo điêu luyện. Những ngày cách ly anh chấp hành việc ở nhà chống dịch và xử lý biên tập tin bài cho anh em phóng viên.
Những khi rảnh rỗi anh Quý mang sáo ra thổi. Tiếng sáo đồng du dương những điệu nhạc quê hương tha thiết như món ăn tinh thần cho bà con phố chung cư, xua tan không khí nặng nề những ngày cách ly, phong tỏa.
Anh Quý còn kết nối với mạnh thường quân bên ngoài, hỗ trợ giúp đỡ bà con khó khăn, tiếp sức tổ COVID-19 cộng đồng ngay trong chung cư. Hay tin ai cùng vui mừng phấn khởi. “Phải vui tươi, lạc quan ngày dài mới chóng qua. Mỗi người một tay, kết nối, sẽ chia yêu thương là chúng ta đang góp sức bé nhỏ cùng thành phố chung tay nhanh chóng chiến thắng COVID-19”, anh Quý nói.
Ngoài tác nghiệp, anh em còn kết nối tương tác với chính quyền để kịp thời giúp đỡ, hỗ trợ những trường hợp người dân gặp khó khăn, hoàn cảnh yếu thế. Gặp hoàn cảnh cần trợ giúp, anh em gửi hình ảnh, thông tin đến lãnh đạo phường và nhanh chóng được giúp đỡ ngay sau đó.
Cả phường cùng vui, khi Đà Nẵng thực hiện chính sách hỗ trợ tiền mặt cho toàn dân trong thời gian phải cách ly y tế.
Trong niềm vui đó, anh em phóng viên Nại Hiên Đông bàn nhau, đợt này sẽ cùng nhau quyên góp, kêu gọi thêm để giúp đỡ, chia sẻ với một số hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Cùng nhau chung tay và lan tỏa thông điệp yêu giúp địa phương nhanh chóng vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Không chỉ anh em phóng viên trong phường, anh em Câu lạc bộ bóng đá phóng viên Đà Nẵng (JFC Da Nang) bên ngoài hỗ trợ hết mình để kết nối yêu thương, gửi hàng chục phần quà vào trong Nại Hiên Đông để tiếp sức cho anh em làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát, bà con, anh em tại các khu chung cư. Giúp mọi người yên tâm hơn để cách ly, phong toả chống dịch cũng chính là giúp mình.