Cận chiến với COVID-19: Chiến binh tuổi 20 trên tuyến lửa

0:00 / 0:00
0:00
TP - TPHCM đang trải qua những ngày lịch sử khi số ca mắc COVID-19, bệnh nhân nặng và tử vong tăng cao gây áp lực lớn lên hệ thống y tế cũng như công tác phòng chống dịch toàn thành phố. Đội ngũ y bác sĩ, tình nguyện viên chống dịch đang ngày đêm vắt kiệt sức mình ở nơi tuyến lửa, chạy đua với thời gian để giảm thiểu số người tử vong cũng như lo hậu sự, đưa người xấu số về với người thân.
Cận chiến với COVID-19: Chiến binh tuổi 20 trên tuyến lửa ảnh 1

Sang và Minh trực tiếp cấp cứu F0 nguy kịch tại nhà

“Alo, đội taxi cấp cứu nghe! Tình trạng bệnh nhân thế nào? Chỉ số Spo2 bao nhiêu, mạch, huyết áp? Anh đọc địa chỉ, tụi em tới liền...”. Vừa dứt cuộc điện thoại, Sang cùng đồng đội tức tốc mặc đồ bảo hộ, vác bình ô xy, thiết bị y tế lao như bay xuống cầu thang, lên xe chạy tới nhà bệnh nhân F0 đang mang bầu, có con nhỏ đang khó thở vì COVID-19.

Giữa vòng xoáy…

Chiếc taxi vừa dừng lại trước số 93, đường Tôn Thất Thuyết (quận 4, TPHCM), Lê Tấn Sang và Nguyễn Ngọc Minh cầm máy đo huyết áp, nồng độ ô xy chạy thẳng vào căn phòng lụp xụp của một điểm bán vật liệu xây dựng. Phía trong, hai vợ chồng trẻ đang hốt hoảng vì đứa bé chừng 8 tuổi có tiền sử viêm phổi đang sốt cao. Cả bố lẫn mẹ đứa bé được xác định dương tính cách đó vài ngày, đứa bé chưa được xét nghiệm nên Ngọc Minh vội chạy trở ra xe, lấy dụng cụ xét nghiệm nhanh vào kiểm tra.

Cận chiến với COVID-19: Chiến binh tuổi 20 trên tuyến lửa ảnh 2

Điện thoại của Sang liên tục đổ chuông từ những cuộc gọi cầu cứu của F0

Thấy người lạ lại mặc bảo hộ kín mít như “người ngoài hành tinh”, đứa trẻ giãy dụa, khóc thét. Sang và Minh cố gắng trấn an, dỗ dành và nhờ người mẹ ôm chặt để lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả đứa trẻ dương tính nhưng chưa có triệu chứng nặng. Người mẹ đang mang thai cũng đang ổn định. Sau khi kiểm tra sức khỏe cả gia đình, Sang gọi đến Bệnh viện Nhi đồng 2 rồi chuyển cả hai mẹ con nhập viện. Nhưng chưa kịp đi, Sang đã nhận được lời cầu cứu từ một gia đình bệnh nhân ở nhà kế bên. Đó là người phụ nữ chừng 50 tuổi mắc COVID-19 đang nằm co ro trên giường, trong căn phòng chật hẹp hướng ra bờ kênh Tẻ. Khu nhà liền kề cũ nát có 6 gia đình, gần 30 nhân khẩu đều là F0 được yêu cầu tự theo dõi tại nhà. Khuôn mặt mỗi người hiện rõ sự mệt mỏi, lo âu sau nhiều ngày chiến đấu với COVID-19. Thăm khám, phát thuốc và hướng dẫn người dân các biện pháp tự chăm sóc tại nhà xong, Sang và Minh lên xe đưa bệnh nhân đến Bệnh viện Nhi đồng 2. Xong việc lúc đồng hồ điểm 12 giờ trưa.

“Nếu ai cũng sợ, cũng ở nhà thì ai sẽ cứu những bệnh nhân đang hấp hối, khi đó số người mất vì COVID-19 sẽ tăng, lương tâm, trách nhiệm của một sinh viên y khoa, một người dân Việt Nam không cho phép chúng em ở nhà trốn dịch”.

Lê Tấn Sang, sinh viên năm 3, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TPHCM

Đang ăn dở hộp cơm, điện thoại của Sang lại reo. Lần này, bệnh nhân cần cấp cứu là một người đàn ông 60 tuổi mắc COVID-19 bị đột quỵ trong phòng tắm. Cả đội liền bỏ hộp cơm xuống, ôm bình ô xy, máy đo huyết áp… lao ra xe nhưng tài xế đã chở một tổ khác đi. Tình huống cấp bách, bác sĩ Hải thuộc Trung tâm cấp cứu 115 đang trực phía trong vội chạy ra làm tài xế bất đắc dĩ. Chiếc taxi 7 chỗ được hoán cải làm xe cấp cứu chở bệnh nhân COVID-19 luồn lách qua các con đường đầy ổ gà, lô cốt đang thi công dang dở rồi dừng lại bên đường Tôn Đản, quận 4.

Sang vội bật cửa xe, mở cốp ôm bình ô xy chạy thẳng vào căn nhà cấp 4 theo hướng chỉ tay của nhân viên y tế địa phương. Bên trong căn nhà, người đàn ông 60 tuổi đang nằm sõng soài giữa gian bếp. Ông đột quỵ, ngất xỉu trong nhà tắm, người thân mất gần 20 phút phá cửa nhà tắm đưa ông ra rồi mới gọi cấp cứu. “Spo2 bao nhiêu, mạch, nhịp tim thế nào?”- Sang vừa ép tim cho bệnh nhân vừa hỏi trong khi Minh dùng thiết bị y tế kiểm tra sinh hiệu của bệnh nhân. “Mất mạch, huyết áp tụt quá sâu, Spo2 quá thấp, đồng tử giãn”-Minh trả lời. Sang và bác sĩ Hải tiếp tục ép tim, bình ô xy được vặn hết công suất nhưng dù cố gắng hết sức, mọi người cũng không cứu được bệnh nhân.

Tháo mặt nạ ô xy, kéo tấm chăn mỏng phủ lên bệnh nhân, tổ cấp cứu buồn bã thu dọn đồ nghề trở ra xe. Đây là lần đầu tiên trong gần một tháng Sang, Minh và các đồng đội phải chứng kiến một F0 qua đời tại nhà. Ngồi trên xe trở lại điểm tập kết, không ai nói với ai một lời, mỗi người nhìn về một hướng, trầm lặng.

Đương đầu thử thách

Sang và Minh năm nay vừa tròn 20 tuổi, đang là sinh viên năm 3, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Cuối tháng 7/2021, khi tình hình dịch bệnh trên địa bàn TPHCM diễn biến phức tạp, số lượng người chết vì COVID-19 bắt đầu tăng, cả hai xung phong ra tuyến đầu, tham gia các đội cấp cứu F0 tại nhà.

Gần 1 tháng trực chiến tại điểm nóng COVID-19 ở quận 4, chưa ngày nào Sang và các bạn ăn được bữa cơm nóng, ngủ một giấc trọn vẹn vì điện thoại liên tục reo. Bất kể ngày hay đêm, cứ có điện thoại, có cầu cứu là cả nhóm lại bật dậy xách đồ nghề lao đi. “Có ngày em không nhớ là cứu bao nhiêu người, chở bao nhiêu trường hợp đi bệnh viện, chỉ nhớ thức dậy đi từ 3 giờ sáng, đến tận khuya mới về. Vừa tắm rửa, nghỉ ngơi một lúc điện thoại lại reo, lại xách đồ nghề chạy đến với bệnh nhân”, Sang chia sẻ.

Về lý do tham gia cấp cứu F0, chàng trai vừa tròn 20 tuổi quả quyết: “Chúng em không đi thì ai đi? Nếu ai cũng sợ, cũng ở nhà thì ai sẽ cứu những bệnh nhân đang hấp hối, khi đó số người mất vì COVID-19 sẽ tăng, lương tâm, trách nhiệm của một sinh viên y khoa, một người dân Việt Nam không cho phép em ở nhà trốn dịch”.

Cùng tham gia đội cấp cứu F0 tại nhà với Sang từ ngày mới thành lập, Nguyễn Ngọc Minh, cô gái có dáng người nhỏ bé nhưng lại có tinh thần “thép”. Chưa một lần Minh có suy nghĩ rút lui dù đã đối mặt với những áp lực khủng khiếp mà rất ít sinh viên năm 3 có thể tưởng tượng. Minh kể, có hôm gặp ca cấp cứu trong hẻm nhỏ, ngoằn ngoèo dài hơn 300m, cả hai phải thay nhau vác bình ô xy chạy bộ vào cứu bệnh nhân.

Cũng có hôm bốn người hì hục khiêng một bệnh nhân nặng trên 70kg từ tầng 3 đi thang bộ xuống đất để đưa lên xe chở đi bệnh viện. Mỗi lần xuống được một tầng, tất cả lại dừng nghỉ, cho bệnh nhân thở ô xy để đạt ngưỡng cho phép rồi mới tiếp tục khiêng đi. Khi bệnh nhân được đưa lên xe, tất cả bủn rủn tay chân, thở không ra hơi…

Nhận định về hoạt động của các đội cấp cứu F0 tại nhà, TS.BS Võ Hoàng Nhân, đặc phái viên phụ trách các đội taxi cấp cứu F0 của Sở Y tế TPHCM nói, đây là đội cấp cứu sát người dân nhất, họ ở đầu tuyến lửa vì thường xuyên “cận chiến” COVID-19 cấp cứu, “ôm” F0 từ nhà, chạy ngược xuôi khắp các cơ sở y tế để tìm nơi tiếp nhận bệnh nhân trong bối cảnh các bệnh viện đang quá tải…

MỚI - NÓNG
Cứu tinh của Rap Việt
Cứu tinh của Rap Việt
TPO - Tiết mục đối đầu giữa Ngắn và Robber nhanh chóng vươn lên top 6 danh sách âm nhạc thịnh hành. Đây là ca khúc tạo ra hiệu ứng tốt nhất từ đầu Rap Việt mùa 4.