Đêm trắng ở tuyến đầu khốc liệt: Giành giật sự sống cho bệnh nhân COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
Điều dưỡng Trương Thị Kim Dung cẩn thận ghi chú lên chai thuốc
Điều dưỡng Trương Thị Kim Dung cẩn thận ghi chú lên chai thuốc
TP - Khi số lượng ca mắc COVID-19 ở TPHCM tăng cao cũng là lúc các bệnh viện quá tải, nhân viên y tế dần kiệt sức sau thời gian dài giành giật sự sống cho bệnh nhân nặng. Phóng viên Tiền Phong đã có mặt tại các điểm nóng điều trị COVID-19 từ khu cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến đến trung tâm hồi sức để ghi nhận những nỗ lực không biết mệt mỏi của các chiến binh áo trắng.

Ròng rã gần 3 tháng qua, Khu hồi sức bệnh nhân COVID-19 ở Bệnh viện Chợ Rẫy là tuyến đầu khốc liệt khi các bác sĩ, điều dưỡng phải cố hết sức để giúp người bệnh thoát khỏi lưỡi hái tử thần.

Ám ảnh

Một đêm đầu tháng 8, chúng tôi theo chân các điều dưỡng Bệnh viện Chợ Rẫy vào Khu hồi sức bệnh nhân COVID-19. Dù từng đến nhiều điểm nóng như Bệnh viện Dã chiến, Bệnh viện Hồi sức COVID-19, nhưng chúng tôi vẫn có cảm giác ngộp thở, ám ảnh bởi hàng trăm giường bệnh nằm san sát nhau, bởi âm thanh của cả trăm chiếc máy thở hòa lẫn mùi thuốc, mùi hóa chất khử khuẩn và tiếng vỗ lưng trợ thở cho bệnh nhân.

Đêm trắng ở tuyến đầu khốc liệt: Giành giật sự sống cho bệnh nhân COVID-19 ảnh 1

Bác sĩ đặt ống thở cho bệnh nhân nặng

Dáng mảnh khảnh, khoác bộ đồ bảo hộ y tế đã gần 3 tiếng, điều dưỡng Trương Thị Kim Dung, khoa Ngoại Thần Kinh, Bệnh viện Chợ Rẫy, lọt thỏm giữa hàng chục giường bệnh với những chiếc máy thở, ống truyền và bệnh nhân đang nằm thoi thóp. Cẩn thận theo dõi từng thông số trên máy thở, chỉnh từng bình truyền, bơm từng lọ thuốc cho bệnh nhân đang nằm bất động, từng hơi thở mệt nhọc hiện lên trên bụng theo nhịp của chiếc máy thở. Cứ thế, xong người này đến người khác, chỉ cần nghe tiếng máy trợ thở kêu khác thường, chị lại vội chạy đến kiểm tra, liên lạc với bác sĩ trưởng ca trực để trao đổi, xin y lệnh.

Chị cẩn thận ghi chú lên bình thuốc chuẩn bị truyền cho bệnh nhân, chỉnh lại tấm chăn mỏng che bớt những nơi nhạy cảm của người bệnh. Chị cho hay, biến chủng Delta khiến bệnh nhân diễn biến xấu quá nhanh, đôi khi đang bình thường nhưng quay đi quay lại đã suy hô hấp rồi qua đời ngay trước mắt. “Ca trực kéo dài 10 tiếng xuyên đêm, áp lực kinh hoàng lắm. Mình chỉ sơ sẩy một chút thôi là nguy cơ lây nhiễm cực cao. Có những bệnh nhân có thể đang tỉnh táo nhưng diễn biến nặng lên rồi không thở được, tử vong lúc nào không hay”, chị Dung nói.

“Có những bệnh nhân có thể đang tỉnh táo nhưng diễn biến nặng lên rồi không thở được, tử vong lúc nào không hay. Mình làm mà lỡ mình có sơ sẩy gì đó, lỡ mắc bệnh thì có khi không về nhà với gia đình được nữa”. Điều dưỡng Trương Thị Kim Dung

Chị Dung được điều động tăng cường cho khoa Bệnh Nhiệt đới để chăm sóc bệnh nhân COVID-19 nặng gần 3 tháng qua. Cũng chừng ấy thời gian chị phải sống xa gia đình, xa chồng và hai con nhỏ; chồng chị cũng là bác sĩ tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Xác định cuộc chiến chống COVID-19 kéo dài, vợ chồng chị gửi hai con nhỏ về quê cho ông bà trông từ giữa tháng 5. Nhắc đến chồng, đến con nhỏ, đôi mắt chị bỗng đỏ hoe. “Em gần 3 tháng rồi chưa gặp các con. Mỗi khi có chút thời gian rảnh lại gọi điện về hỏi thăm, động viên, nói ba mẹ trên này khỏe, tụi con ráng nghe lời ông bà rồi sau này hết dịch mẹ về mẹ thăm, mẹ rước lên”, chị nấc nghẹn.

Gần 3 tháng trực chiến, hằng ngày đối diện hàng trăm bệnh nhân đang nằm thoi thóp, dù cố gắng đến đâu thì cũng không thể cứu chữa được tất cả. Đã không ít lần chị Dung chứng kiến bệnh nhân xấu số ra đi ngay trước mắt. Hơn chục năm trong nghề, từng trải qua nhiều đợt dịch bệnh nhưng chị chưa bao giờ gặp đợt dịch nào khủng khiếp như hiện nay. Có những hôm mệt lả sau ca trực, ngồi chợp mắt trong phòng nghỉ nhưng chị Dung vẫn ám ảnh bởi tiếng thở hổn hển của bệnh nhân. “Còn gia đình, còn công việc, còn rất nhiều thứ. Con cái, gia đình, cha mẹ già ở nhà mà dịch bệnh như vậy không biết đến khi nào mới được về. Ở đây tụi em ráng làm, ráng chăm sóc các bệnh nhân, mong ngoài cộng đồng hết dịch bệnh, ở trong này bệnh nhân cũng mau khỏe để về với gia đình”, chị nói.

Phép màu

Gần 12 giờ đêm, khi các điều dưỡng vẫn đang lặng lẽ chăm sóc, thăm nom bệnh nhân, tiếng chuông cửa lại vang lên, một bệnh nhân nặng vừa được chuyển từ khoa Cấp cứu đến. Các bác sĩ, điều dưỡng lại cấp tập sắp xếp giường bệnh, lắp đặt ống thở, chuẩn bị thuốc men, giúp bệnh nhân hô hấp.

Công việc nối tiếp công việc, các điều dưỡng, bác sĩ, hộ lý không có thời gian nghỉ ngơi. Sự mệt mỏi hiện trên từng khuôn mặt, nhưng không ai chùn bước; họ hỗ trợ, quán xuyến công việc cho nhau một cách trọn vẹn, để không bệnh nhân nào thiếu sự chăm sóc.

Từng nhập viện trong tình trạng mắc COVID-19 nặng, 6 lần bất tỉnh, diễn viên đóng thế Lữ Đắc Long được các bác sĩ, điều dưỡng Bệnh viện Chợ Rẫy giành lấy từ lưỡi hái tử thần. Sau hơn 20 ngày điều trị, anh đã hồi phục và có thể xuất viện. “Đây là một phép màu, phép màu này là từ các bác sĩ, một đội ngũ hùng hậu đã giành giật cho mình từng phút, từng giây, từng hơi thở. Nếu mình nhớ không lầm thì mình 6 lần bất tỉnh trên giường chỉ vì thiếu hơi thở. Nếu không có bác sĩ thì coi như là phép màu không đến với mình”, anh Long chia sẻ.

Anh Long cùng vợ và hai con được phát hiện mắc COVID-19 từ hôm 20/6, đến ngày 13/7, anh trở nặng và được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu. Sau khi hồi phục, ngồi trên giường bệnh nhìn các điều dưỡng, bác sĩ tất bật chăm sóc bệnh nhân, anh tự hứa sau khi xuất viện sẽ trở lại làm một điều gì đó thật đặc biệt để tri ân các thầy thuốc. “Hầu như 24/24 giờ, mình không thấy bác sĩ ăn, không thấy bác sĩ ngồi nghỉ mệt. Nhất là về đêm, khi mà bệnh nhân được chuyển đến, hầu như bác sĩ chạy chứ không phải đi”, anh Long nói.

TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết, Khu hồi sức COVID-19 của bệnh viện có quy mô 300 giường với gần 200 nhân viên y tế thường trực. “Tôi nghĩ rằng tất cả nhân viên ở đây đã làm việc bằng ý chí, chứ không phải làm việc bằng sức lực thông thường nữa. Chúng tôi cố gắng hết sức, làm hết sức để có thể đạt mục tiêu chữa được càng nhiều người bệnh càng tốt”, bác sĩ Hùng nói.

MỚI - NÓNG