Đà Nẵng

21 ngày sống ở 'tọa độ nóng' COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
Người dân phường Nại Hiên Đông nhận tiền hỗ trợ từ TP
Người dân phường Nại Hiên Đông nhận tiền hỗ trợ từ TP
TP - Tròn ba tuần, người dân phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) sống trong hàng rào cách ly y tế, phong tỏa. Bên cạnh những âu lo dịch bệnh, 33.000 dân được cấp tiền tiêu, được cán bộ đi chợ giùm cũng nhiều trải nghiệm thú vị.

“Họp chợ online”

Chung cư 12T2 nơi gia đình tôi và hơn 140 hộ dân (tổ 45 và 46) sinh sống được giăng kín dây khi dãy chung cư bên cạnh (12T5) phát hiện ca mắc COVID-19 và lây nhiễm ra cộng đồng bên trong.

Ngoài tổ trưởng, tổ phó và các tình nguyện viên, thì chỉ có người đi đổ rác, người đi đẻ, đi cấp cứu mới được ra khỏi chung cư. Những ngày đầu, tiếng còi xe cấp cứu chở bệnh nhân cả đêm làm mọi người giật mình tỉnh giấc, ló đầu ra ban công để nhìn. Mấy ngày sau đã thành quen, mỗi lần có xe tới mọi người chỉ thở dài, tặc lưỡi: “Lại có nhà bị bứng đi”…

Đêm, từ cửa sổ nhìn qua, có thể đếm được số nhà có ca mắc COVID-19 ở chung cư đối diện. Tuần đầu chỉ lác đác một vài nhà, hai tuần sau hơn chục căn hộ tối thui, nhà không ánh đèn. Công an, dân phòng tuần tra liên tục dưới sân.

21 ngày sống ở 'tọa độ nóng' COVID-19 ảnh 1
Cô Vân tổ trưởng tổ 38 phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) đánh kẻng thúc giục dân đi xét nghiệm

Những ngày cách ly, cư dân chung cư bỗng đoàn kết hẳn. Ngày thường, nhịp sống hối hả, vào thang máy sống cùng tòa nhà đụng trán nhau nhiều người không biết tên, không nói nửa câu.

Thế nhưng từ ngày chung cư bị giăng dây, cấm ai ra ngoài, nhóm zalo được lập. Ban đầu chỉ vài người trong tầng, sau lên đến cả mấy trăm người trong tòa nhà. Có gia đình cả vợ chồng, con cái cũng được thêm vào. Nhờ đó, cư dân lạ cũng thành quen, hỏi han, chia nhau cọng rau, sợi bún.

Trong nhóm chat zalo ấy, nội dung rôm rả nhất vẫn là chuyện chợ búa, chị em bàn tán sôi nổi. Người lạ bỗng thành quen, thân tình. Đơn hàng chị em nhắn liên tục, tin nhắn điện thoại đến 2-3h sáng vẫn còn, nhưng chẳng ai than phiền. Nhiều đơn tổ trưởng trả về vì nhà cung cấp không có hoặc giá đắt. Cứ nghĩ không mua được thế mà hôm sau lại thấy có người nhắn: “Hàng về. Bà con xuống sảnh nhận giùm”.

Riêng món săn hàng, tìm mối cung cấp thêm trong những ngày dịch dã phải ngả mũ trước chị em. Các ông chồng thi thoảng chỉ vào thả vài câu chọc vui: “Có mua bia được không?”, “Hôm nay có nước cay không mọi người”... Tưởng đùa cho vui, thế nhưng lại có thật, dù chỉ được thùng bia, mấy ông chia nhau. Chị em nhắn trịnh trọng “mời các quý ông xuống bê lên giùm”.

“Tiền về trao tay, bà con vui lắm, ai cũng phấn khởi. Dịch kéo dài triền miên, nhiều người thất nghiệp mấy tháng nay. Có trợ cấp bà con vơi đi nỗi lo, có tiền trang trải ăn uống hàng ngày cho cả gia đình”.

Cô Đinh Thị Hương (tổ trưởng tổ 45)

Hàng hóa từ các siêu thị, nhà cung cấp được lên đơn gửi qua mạng và chuyển tới chung cư bất kể thời gian. Từ sảnh, tình nguyện viên của chung cư và tổ trưởng nhận hàng, kiểm đếm rồi chuyển vào trong. Các tầng cử đại diện xuống nhận đưa mang lên. Có hôm, 21h cô hàng xóm trong bộ đồ ngủ, tay che ngực, gõ cửa: “Anh ơi! Hàng về, ra nhận giúp em”.

Hàng về có khi chỉ là bịch rau, thùng củ, quả, mọi người chia nhau. “Chợ” hàng thu nhỏ họp ngay ở các tầng trong đêm rôm rả tiếng nói cười, xua tan ngày dài nhốt mình trong căn hộ. Nhà ít người cho nhà đông người quả cà, mớ rau, quả ớt. Tình cảm vô cùng. Hồn quê như sống lại giữa phố chung cư.

Tiếng kẻng “thời bao cấp”

Giữa tĩnh lặng của chuỗi ngày phố phường “đóng băng”, thanh âm của tiếng kẻng một thời xa vắng lại vang lên. Hỏi mới hay, tiếng kẻng đó vang lên ở dãy chung cư C2 (tổ 38, trên đường Bùi Dương Lịch). Cư dân đặt tên “tiếng kẻng cô Vân”. Cô Nguyễn Thị Thanh Vân (62 tuổi) là giáo viên về hưu làm tổ trưởng đã 7 năm nay.

Từ ngày tổ được thành lập, chung cư 105 hộ này dưới sự điều hành của cô Vân trở thành điển hình tổ dân cư văn minh, lịch sự của phường. Bình cứu hỏa cắt bỏ phần đáy, được phường chế thành kẻng cấp cho tổ treo ở nhà xe để sử dụng báo động khi có sự cố. Từ ngày cấp, kẻng nằm im lìm, bụi phủ. Dịch bệnh bùng phát, kẻng được cô Vân sáng kiến dùng để triệu hồi cư dân khi có việc cần.

Cô Vân là người vui tính và dễ gần. Hỏi chuyện, cô cười bảo: “Vui lắm. Tiếng kẻng như ở quê một thời. Bà con cũng thấy thích thú, không kêu ca gì. Còn ủng hộ cô đánh mạnh vào”. Cô Vân kể, bên cạnh nhóm facebook riêng để thông báo các hoạt động của tổ, cô còn lập thêm nhóm zalo để tất cả các hộ “trò chuyện đêm khuya”, nói chuyện mua bán ăn uống những ngày cách ly, “ai ở đâu thì ở yên đó”.

Thế nhưng, thông báo xét nghiệm, hay hàng hóa thường về rất gấp, nhiều người không để ý, không xem nên cô nảy ra sáng kiến dùng kẻng để làm phương tiện truyền tin.

Anh Nguyễn Trọng Huy, cư dân chung cư C2 kể, hôm đầu tiên trên nhóm facebook và zalo cô Vân nhắn tin: “Tình hình việc xét nghiệm rất căng, đông người. Cô và tổ tự quản sẽ xuống sớm canh chừng chỗ. Hễ họ xong cô sẽ lập tức gõ kẻng và bà con xuống nhé”. Mọi người rất bất ngờ, cả chung cư, nhà nào cũng ngồi dỏng tai chờ kẻng. Có kẻng, bà con không phải xếp hàng lâu, ai cũng thấy rất vui vì như đang sống ở quê, keng keng tiếng kẻng làng.

“Chung cư thuộc diện an toàn dịch. Nếu ào ạt xuống, lấy mẫu xét nghiệm cùng với chung cư khác nguy cơ cũng rất cao. Mấy lần lấy mẫu, bà con chỉ chờ kẻng rồi mới xuống, đỡ lo lây nhiễm chéo”, anh Huy kể. “Kẻng triệu hồi thúc giục bên tai đố ai ngủ nướng được, đố ai trốn xét nghiệm”, cô Vân cười nói.

Không chỉ xét nghiệm, mà khi hàng hóa, nhu yếu phẩm về tiếng kẻng lại vang văng vẳng báo tin mọi người biết để nhận hàng. Tầng nào quên, cô đánh hồi dài để bà con nhắc nhau.

“Chung cư chủ yếu cán bộ công chức trẻ, cách ly làm việc tại nhà, nhiều việc nên có hôm anh chị em quên dù cô đã nhắn tin trên mạng nhiều lần. Nghe kẻng, mọi người mới sực nhớ. Tiếng kẻng truyền tin thay lời nhắc nhở”, cô Vân cho biết. Dịch bệnh giữa thời hiện đại, công nghệ số, vẫn luôn cần những thứ tưởng chừng đã lãng quên.

3 tuần tiêu tiền nhà nước

Ba tuần cách ly y tế thấm thoắt trôi qua, bà con chọc đùa nhau: “21 ngày ở nhà rung đùi và tiêu tiền nhà nước cấp”. Theo chính sách của TP Đà Nẵng, người dân vùng cách ly y tế được nhận hỗ trợ 40.000 đồng/ngày, mỗi tuần được hỗ trợ 5 ngày. Tính ra mỗi người dân Nại Hiên Đông qua 3 tuần đã nhận 600.000 đồng/người. Gia đình càng đông người, nhận hỗ trợ càng nhiều.

Nhiều người nói đùa “Đà Nẵng chịu chơi” khi số tiền cấp cho dân 3 tuần qua chi tiêu việc ăn uống là không hề nhỏ. Riêng tổ 45 với hơn 60 hộ 3 tuần qua đã cấp phát 102 triệu đồng cho dân tiêu. Cô Đinh Thị Hương (tổ trưởng tổ 45) cho biết: “Tiền về trao tay, bà con vui lắm, ai cũng phấn khởi. Dịch kéo dài triền miên, nhiều người thất nghiệp mấy tháng nay. Có trợ cấp bà con vơi đi nỗi lo, có tiền trang trải ăn uống hàng ngày cho cả gia đình”.

Chị Nguyễn Minh Nguyệt là kế toán làm việc cho một khu du lịch ở Ngũ Hành Sơn mất việc làm cả năm nay. Từ ngày thất nghiệp chị ở nhà nuôi con, gia đình mất nguồn thu nên khó khăn bộn bề. Ký nhận tiền hỗ trợ từ tổ trưởng, chi Nguyệt đùa: “Có tiền thế này, cách ly lâu lâu cũng đỡ nhỉ. Chứ giờ thất nghiệp, ở nhà chỉ biết nhổ tóc cho hói đầu”.

Có tiền, nhà nhà người người đều vui. Thế nhưng cũng có nhiều nhà mất tiền phạt vì không chấp hành quy định. Công an phường Nại Hiên Đông cũng cho biết đã lập biên bản hàng loạt vi phạm trong 3 tuần, nhất là trong 7 ngày TP áp dụng các biện pháp tăng cường “ai ở đâu thì ở đó”.

Nhiều trường hợp dở khóc dở cười. Như ở chung cư tôi, có chị vợ chiều tối lặng lẽ ra khỏi nhà đi xuống vườn tưới rau, chả may bị công an phát hiện, lập biên bản, đề xuất phường phạt 7,5 triệu. Về nhà chị giấu chồng, nhưng rồi cũng lòi ra. Ông chồng chua xót: “Ba tuần cả nhà nhận được 1,8 triệu, lại phải nộp lại 7,5 triệu. Rau đắt quá!”.

Sau mấy án phạt, tổ trưởng các tổ dân phố lại phải đi gõ cửa từng nhà, nhắc nhở: “Nhận tiền và tiêu tiền nhà nước cấp rồi, bà con lo chấp hành, ở yên trong nhà phòng dịch. Công an bắt họ phạt thẳng tay. Không xin, không tha gì được đâu”.

MỚI - NÓNG