Cải tạo sông Tô Lịch thành công viên: ‘Bảo bối’ Nhật không phải là phép màu

TPO - Đánh giá về công nghệ Nhật-Nano-Bioreactor, ông Nghiêm Văn Khải, ủy viên Uỷ ban KHCN và môi trường Quốc hội cho rằng “bảo bối” Nhật là phương pháp tiên tiến nhưng không phải là một “phép màu” để "hồi sinh" sông Tô Lịch.

Như đã thông tin, mới đây, Cty Cổ phần Tập đoàn Môi trường Nhật Việt (JVE) gửi tới Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội đề xuất giải pháp tổng thể, cải tạo sông Tô Lịch trở thành “Công viên Lịch sử - Văn hoá - Tâm linh” bằng nguồn vốn từ phía Nhật Bản.

Theo phương án cải tạo của công ty JVE sẽ xây dựng hành lang dọc sông, kè bờ (kè thẳng đứng, bỏ phần mái cỏ hiện nay sau đó kè đáy khu vực sát hai bên bờ sông tạo hành lang đi dạo, không kè đáy lòng sông mà để tự nhiên). Giữ nguyên chiều rộng lòng sông, không thu hẹp lòng sông mà để tự nhiên.

Cải tạo sông Tô Lịch thành công viên: ‘Bảo bối’ Nhật không phải là phép màu ảnh 1 Phối cảnh sông Tô Lịch sau cải tạo theo đề xuất của Cty JVE.

Về phần xử lý ô nhiễm bên trong (mùi, bùn đáy, chất ô nhiễm hữu cơ), công ty JVE sử dụng Công nghệ Bio-Nano Nhật Bản để phân hủy tận gốc toàn bộ chất hữu cơ ô nhiễm nổi váng trên bề mặt, phân hủy tận gốc tầng bùn hữu cơ ở đáy và phân hủy tận gốc các yếu tố gây ra mùi hôi thối bốc lên là các khí độc như H2S (mùi trứng thối), NH3(mùi khai), CH4 vv...

Đồng thời, phần xử lý ô nhiễm bên ngoài và cấp nước bổ cập sẽ kết hợp phối hợp đồng bộ với các dự án mà Thành phố đã và đang triển khai như hệ thống thu gom nước thải bằng cống ngầm dưới lòng sông và cấp nước bổ cập trở lại cho sông bằng nước sau xử lý của Dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá.

'Giải cứu' sông Tô Lịch đặt ra nhiều chục năm trước

PGS.TS Đào Trọng Tứ - Trưởng ban điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam cho biết vấn đề các sông hồ ở Hà Nội hiện đang là vấn đề nóng. Nhiều con sông trong tình trạng ô nhiễm rất nặng nề, chúng ta gọi là những con sông chết, như sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu, sông Lô, sông Sét…

“Bên cạnh các hồ rất đẹp, trước đây các con sông cũng rất đẹp, rất tiếc theo thời gian khi vấn đề quản lý, phát triển, xây dựng… mà không quan tâm đến nó, chúng ta để những dòng sông thành những kênh thải, đấy là một trong những vấn đề gây bức xúc cho mọi người. Cuộc sống của đô thị đẹp mà để tồn tại những dòng sông như này thì rất là đáng buồn”, ông Tứ nói.

Ông Tứ cho biết thêm: “Ý tưởng phục hồi, làm đẹp đều được ủng hộ, trước đây từ hàng mấy chục năm trước, đặc biệt thời gian kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội đã có chương trình rất lớn để làm phục hồi các sông, thí điểm là sông Tô Lịch. Nhưng đến bây giờ sông hồ vẫn tình trạng ô nhiễm”.

Cải tạo sông Tô Lịch thành công viên: ‘Bảo bối’ Nhật không phải là phép màu ảnh 2 Vấn đề cải tạo, xử lý  nước thải trên sông Tô Lịch tồn tại hàng chục năm.

Nói về vấn đề này, ông Nghiêm Văn Khải, ủy viên Uỷ ban KHCN và môi trường Quốc hội cho biết: “Chức năng của dòng sông là cấp nước và thoát nước. Cấp nước sinh hoạt, sản xuất kinh doanh, thoát nước vào mưa lũ, lụt úng. Đó là yếu tố quan trọng”. 

“Dòng sông là yếu tố môi trường, đánh giá điều kiện sống thủ đô, sông Tô Lịch là tài sản quý giá. Ý tưởng xử lý sông Tô Lịch có các đây hàng chục năm và rất nhiều đề án, có đề án xả nước sông trôi nhưng đề án tôi cho rằng nó chỉ xử lý tạm thời thôi, còn chất thải xả đi đâu, vùng hạ lưu lại gánh chịu” vị này nói.

Công nghệ Nano-Bioreactor không phải là "phép màu"

Đánh giá về đề xuất giải pháp tổng thể, cải tạo sông Tô Lịch trở thành “Công viên Lịch sử - Văn hoá - Tâm linh”, ông Đào Trọng Tứ cho rằng đây là ý tưởng hay, tuy nhiên đánh giá tính khả thi và hiệu quả thì chưa thể nói được.

“Vấn đề quan trọng nhất khi phục hồi dòng sông là làm cho nước dòng sông trong sạch ở mức độ chấp nhận được và sông phải có dòng chảy. Hiện chưa làm được điều này do nước thải sinh hoạt, công nghiệp, làng nghề… đang chảy trực tiếp vào các sông. Ngoài ra, phải tìm được lượng nước đủ để cấp cho các dòng sông đấy. Còn việc kiến trúc, tạo hình ảnh đẹp như làm tượng đài, thuyền trên sông…thì nên tính sau”, ông Tứ nêu quan điểm.

Nói về công nghệ Nhật, ông Tứ chia sẻ biết trên báo chí về công nghệ Nano xử lý rất nhanh, nước thải bao nhiêu thì xử lý bấy nhiêu tại cửa cống. “Nếu chúng ta xử lý bằng công nghệ Nhật nhưng lượng nước thải lớn tiếp tục đổ vào thì liệu có khả thi không? Đấy là vấn đề phải tính toán”, ông Tứ đánh giá.

Cải tạo sông Tô Lịch thành công viên: ‘Bảo bối’ Nhật không phải là phép màu ảnh 3 Công nghệ Nhật-Nano-Bioreactor là phương pháp tiên tiến nhưng không phải là một “phép màu” để "hồi sinh" sông Tô Lịch.

Ông Nghiêm Văn Khải, người “gắn bó” với công nghệ Nano-Bioreactor của Nhật đánh giá đây là phương pháp tiên tiến chủ yếu dựa vào vật liệu thiên nhiên chứ không có hóa chất động hại. “Tôi đánh giá công nghệ này cao và mang tính tích cực. Trong thí nghiệm lần trước, mùi hôi thối trên sông Tô Lịch giảm đi rõ rệt, nước trong hơn và thậm chí chuyên gia còn ngụm lặn. Nhưng ngay từ lúc thí điểm đó tôi đã nói rằng đây không phải là một “phép màu”,” vị này nói.

Ông Khải cho rằng, xử lý ô nhiễm môi trường cần biện pháp tổng thể, vì đây là hệ quả của hàng chục năm, trăm năm nguồn thải vô cùng phức tạp, từ chất thải độc hại đến chất thải sinh hoạt. "Xung quanh dọc sông Tô Lịch có hàng trăm, hàng nghìn nguồn xả thải với quy mô ô nhiễm khác nhau. Nên việc sử dụng công nghệ Nhật chỉ là một trong những yếu tố để xử lý ô nhiễm môi trường sông Tô Lịch. Chúng ta phải có phân vùng, xử lý đầu nguồn, sau đó xử lý trên sông và kết hơp nguồn nước cung cấp, bổ sung cho dòng sông ở mức độ khác nhau trong mùa khô, mùa mưa”, Ông Khải nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG