Cái giá phải trả

Cái giá phải trả
TP - Tạp chí National Geographic của Mỹ cho hay, chính quyền các bang Oregon và California vừa thông qua một dự án phá bỏ đập thủy điện được xem là lớn nhất trong lịch sử: dự án này sẽ dần bóc gỡ bốn đập thủy điện cực lớn, được xây dựng trên dòng sông Klamath từ những năm 50 và 60 của thế kỷ trước.

Và trong khi nhiều quốc gia còn đang đắm đuối với thủy điện, tính đến 2015, nước Mỹ đã phá bỏ tới 1.300 con đập, trả lại dòng chảy tự nhiên cho các con sông. Ngay tại Trung Quốc, một quốc gia chú trọng công nghiệp để giữ mức tăng trưởng cao trong nhiều thập niên, chính quyền đã và đang nhận thức lại vấn đề ô nhiễm môi trường, cân nhắc cái giá phải trả cho tăng trưởng bởi GDP không phải lúc nào cũng đi liền với mức độ hạnh phúc quốc gia (GNH-Gross National Happiness). Tăng trưởng mà môi trường, môi sinh bị tàn phá, con người chịu cảnh ô nhiễm, bệnh tật, căng thẳng, đầu độc lẫn nhau thì chắc chắn không thể có cuộc sống an lành. Chính vì vậy, Trung Quốc đang hướng tới một sự chuyển đổi, từ một nền kinh tế chú trọng công nghiệp sang nền kinh tế lấy dịch vụ làm xương sống.

Nhận thức luôn luôn là một quá trình và cái gì cũng có giá phải trả, kể cả phát triển. Các nước tiên tiến cũng từng trải qua thời kỳ hỗn mang, từng phải chịu cảnh ô nhiễm, bệnh tật, các loại mặt trái sản sinh từ hoạt động kinh tế thị trường, từ xã hội công nghiệp. Các dòng sông ở Mỹ cũng đã từng bị ô nhiễm nghiêm trọng. Trung Quốc từng ồ ạt xây thủy điện, nhưng nay đã phải xem xét lại những tác động tiêu cực không hề nhỏ của chúng. Thế giới phát triển đang hướng tới mục tiêu bền vững hơn, xanh hơn. Có thể nói, tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm đã và đang diễn ra ở Trung Quốc, đang diễn ra nghiêm trọng ở Việt Nam, là điều tất yếu trong quá trình phát triển, khi xã hội phải va đập với đủ loại vấn đề mới, đủ loại quan hệ chưa từng có.

Nhìn vào sự tồn tại của một chợ hóa chất Kim Biên ở TPHCM, sự dễ dàng trong việc buôn bán và sử dụng những chất độc hại đối với sức khỏe và tính mạng của con người, có thể thấy rõ chúng ta đang ở giai đoạn phát triển sơ khai của kinh tế thị trường. Đụng vào đâu cũng thấy có vấn đề, rờ chỗ nào cũng thấy lỏng lẻo, thấy kẽ hở. Và đâu chỉ riêng chợ Kim Biên? Những hành vi gây hại đến tính mạng và sức khỏe cộng đồng, cụ thể là qua hóa chất, qua thực phẩm không an toàn có khắp nơi. Cũng không nên đổ hết lỗi cho ai đó mất nhân tính, vô lương tâm, bởi trong xã hội nào cũng có mầm ác, chỉ cần có điều kiện là mầm ác đó nảy nở. Điều kiện đó chính là trình độ phát triển thấp, năng lực quản lý còn hạn chế.

Quốc gia nào cũng phải trải qua những giai đoạn ấu trĩ, mông muội rồi mới có thể hóa rồng. Nhưng khác nhau ở chỗ có người cứ mông muội mãi không thèm lớn, hơn kém nhau ở chỗ nhanh chóng hay mất nhiều thời gian trải qua thời kỳ phát triển mông muội và cái giá phải trả cho sự phát triển cao hay thấp.

MỚI - NÓNG