Và có thể thản nhiên ngồi cưa những quả bom hàng tạ. Có hẳn những làng nghề truyền thống… cưa bom.
Mới hôm qua, giỗ Tổ đền Hùng, một biển người đội cả trẻ con trên đầu xô đạp nhau, phá rào sắt gạt công an ào lên núi Nghĩa Lĩnh chiếm “cứ điểm” là các đền thờ để được thắp hương dâng lễ trước. Xem những đoạn video, hình ảnh mà rùng mình khiếp đảm. Thảm họa giẫm đạp lên nhau như từng xảy ra với thánh địa Mecca chỉ trong gang tấc. Nhưng có phải dân mình thực sự sùng bái trọng vọng tổ tiên đến mức ấy không?
Dân mình có thể làm ra cái bánh chưng to như cái chiếu đôi nặng 2,5 tấn, dùng cần cẩu để nâng hạ dâng lên Tổ. Có thể như một Sở ở tỉnh miền Tây nọ, suốt 3 năm chỉ phục bắt được... 1 ông (cán bộ) uống bia rượu vào buổi trưa!
Nhưng cả một hệ thống chính trị bao la trên dưới lại không có cách nào chặn bớt những vụ chết đuối thương tâm của bao nhiêu học trò nơi sông nước ngoài việc lớn tiếng hô hào. Ba, bốn ngàn đứa trẻ chết đuối mỗi năm. Mỗi năm mất đi cả một trường học. Có những vụ đến 9 cái xác trẻ thơ xếp chồng lên nhau như vừa xảy ra ở Quảng Ngãi.
Dân mình cái gì cũng luôn phải ào lên hàng đầu. Từ đạp đổ cổng trường nộp đơn xin học cho con đến vượt rào thép tràn vào hồ tắm miễn phí…
Nhớ lại hình ảnh 20.000 đôi giày im lặng “biểu tình” tại Quảng trường Cộng hoà ở thủ đô Paris nước Pháp hồi cuối năm ngoái. Lo sợ bởi khủng bố vừa xảy ra, nên chính quyền buộc hoãn cuộc biểu tình bày tỏ chính kiến với hội nghị thượng đỉnh LHQ về biến đổi khí hậu đang diễn ra tại đây. Thế là những người biểu tình lặng lẽ rút lui, để lại quảng trường những đôi giày của mình. Có cả giày của Đức Giáo hoàng, Tổng Thư ký LHQ và nhiều ngôi sao gửi tới tham gia. Một thông điệp vô ngôn nhưng đầy sức mạnh. Người mình có làm được thế không?
Nhưng có lẽ cần hiểu rằng, những người với hành vi dị hợm, háo thắng bất chấp mọi thứ dù sao cũng không chiếm số đông.
Rất thú vị với câu nói của ông Trần Đăng Tuấn, khi quyết định tự ứng cử làm đại biểu Quốc hội. “Tôi quyết định không bỏ qua cơ hội nhỏ để làm những việc hữu ích lớn. Nếu cơ hội nhỏ đó không thành hiện thực, thì tôi sẽ vẫn luôn có những cơ hội lớn để làm các việc hữu ích nhỏ”.
Giờ thì ông sẽ có nhiều cơ hội lớn để làm các việc “hữu ích nhỏ”. Những việc “nhỏ” thiết thân với đời sống của bao trẻ em, giáo viên vùng núi non hải đảo cần đến ông và cộng sự.
Người Việt bây giờ không chỉ cần sự tử tế, mà cần cả sự thầm lặng.