Thay đổi và hành động

Thay đổi và hành động
TP - Thay đổi, đó là yêu cầu bức thiết trong cung cách quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm. Bởi đơn giản là công tác quản lý hiện nay, ai cũng thấy, kể cả những người dân bình thường lẫn giới chuyên gia, là rất có vấn đề.

Vậy nên đề xuất lập một cơ quan độc lập trực thuộc UBND thành phố chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm của Sở Nội vụ TPHCM là rất đáng xem xét. Lâu nay, việc kiểm tra, giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm ở Việt Nam được giao cho rất nhiều cơ quan ban ngành, từ y tế, nông nghiệp, công thương, tài nguyên môi trường, thậm chí là cả công an. Nhưng kết quả ra sao? Là tình trạng mất an toàn trong thực phẩm vẫn rất nghiêm trọng mà một trong những nguyên nhân cơ bản là tính kém hiệu quả của cơ chế giám sát, ai cũng có phần nhưng không ai thực sự chịu trách nhiệm, hoặc “trách nhiệm tập thể”.

Sâu xa ra, có thể nói trong khi các cơ quan, ban ngành sợ “mất phần” trong việc thực thi quyền lực, họ lại có cơ hội để đá quả bóng trách nhiệm về phía nhau mỗi khi xảy ra chuyện. Và không chỉ chuyện an toàn thực phẩm, nếu cơ chế vẫn tạo cơ hội để các cơ quan công quyền “tranh công, đẩy trách nhiệm” thì lẽ tất nhiên là họ sẽ tiếp tục làm thế ở các lĩnh vực khác nữa (chuyện áp thuế sai xăng dầu vừa qua là một ví dụ điển hình).

Cho nên, dù chưa ra đời và còn phải chuẩn bị nhiều bước nữa mới thực sự đi vào cuộc sống, đề xuất thống nhất các cơ quan chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm vào một đầu mối là rất đáng hoan nghênh, ít nhất là về mặt ý tưởng. Người dân không thể yên tâm khi tình trạng mất an toàn trong ăn uống cứ hoành hành trong khi cơ quan quản lý chưa có “đụng cựa” gì đáng kể, mang tính đột phá ngoài những lời kêu gọi. Ít nhất, đưa việc quản lý về một đầu mối sẽ tránh được tình trạng công thì tranh còn tội thì cả làng cùng chịu.

Cơ chế hoạt động của cơ quan này, bao gồm đại diện của ngành nào hay tiếp tục “liên ngành”, sẽ được bàn thảo. Nhưng điều quan trọng không phải là ngồi cho đủ mâm, đủ mặt như bấy nay mà phải là tính hiệu quả. Bởi cơ chế là do con người tạo ra. Giống như ở Mỹ, người dân sẽ không quan tâm FDA (cơ quan quản lý Thực phẩm và dược phẩm) gồm các ban ngành nào mà chỉ quan tâm FDA có hoạt động hiệu quả hay không, có để xảy ra nhiều vụ mất an toàn thực phẩm hay không.

Bàn về cơ chế cho một cơ quan tương tự ở Việt Nam không hề khó vì đã có ví dụ, đã có mô hình và cách làm đi trước của nhiều quốc gia. Nói  đã nhiều rồi, mô hình đi trước cũng có rồi, kinh nghiệm của quốc tế không thiếu. Vấn đề bây giờ chính là thay đổi và hành động.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.