Cách tính lương hưu khi tham gia BHXH cả khu vực công và tư

0:00 / 0:00
0:00
Bạn đọc Hồ Bá Mạnh (Hà Nội) hỏi: Giai đoạn 2007-2016 tôi làm việc cho doanh nghiệp nhà nước, từ năm 2017 tới nay tôi chuyển làm việc cho doanh nghiệp tư nhân. Cả quá trình đều tham gia đóng BHXH đầy đủ, vậy khi nghỉ hưu lương hưu của tôi được tính ra sao?

TRẢ LỜI:

Khoản 1, Điều 62 Luật BHXH 2014 quy định: Người lao động làm, nhận lương theo và đóng BHXH toàn thời gian theo chế độ của nhà nước quy định, lương tháng bình quân đóng BHXH tính lương hưu như sau:

Tham gia BHXH trước 1/1/1995 sẽ tính bình quân lương tháng đóng BHXH của 5 năm cuối trước nghỉ hưu; tham gia từ 1/1/1995 – 31/12/2000 tính bình quân lương 6 năm cuối; tham gia từ 1/1/2001 – 31/12/2006 tính bình quân lương 8 năm cuối; tham gia từ 1/1/2007 – 31/12/2015 tính bình quân lương 10 năm cuối; tham gia từ 1/1/2016 – 21/12/2019 tính bình quân lương 15 năm cuối; tham gia từ 1/1/2020 – 31/12/2024 tính bình quân lương 20 năm cuối; tham gia từ 1/1/2025 trở đi tính bình quân lương toàn bộ thời gian đóng BHXH.

Khoản 2, Điều 62 Luật BHXH năm 2014 quy định: Người lao động có toàn thời gian làm và đóng BHXH theo chế độ lương do doanh nghiệp quy định thì lương hưu tính trên cơ sở bình quân toàn thời gian đóng.

Khoản 3, Điều 62 Luật BHXH năm 2014 quy định: Người lao động có thời gian đóng BHXH theo lương của cả khu vực nhà nước và ngoài nhà nước, lương hưu tính trên bình quân lương tháng đóng BHXH chung của cả 2 giai đoạn. Trong đó, thời gian đóng theo lương nhà nước được tính như quy định tại Khoản 1 kể trên.

Trường hợp của bạn, sẽ áp dụng theo Khoản 3, Điều 62 nêu trên. Mức lương tính lương hưu sẽ là bình quân chung của cả 2 giai đoạn đóng (với bình quân từng giai đoạn). Trong đó, giai đoạn làm trong nhà nước tính theo Khoản 1.

Nếu có thắc mắc liên quan tới các vấn đề về BHXH, BHYT, Bảo hiểm thất nghiệp, bạn đọc có thể liên hệ tổng đài 19009068 của BHXH Việt Nam, hoặc Email: bhxhtraloi@gmail.com để được hỗ trợ, tư vấn trực tiếp.

MỚI - NÓNG