Cách nhận biết rau muống nhiễm chì

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Sau thông tin 100% rau muống sông Nhuệ nhiễm chì, nhiều bà nội trợ lo lắng, băn khoăn trước câu hỏi: rau nhiễm chì sẽ ảnh hưởng thế nào tới sức khỏe và làm cách nào để nhận biết ra nhiễm chì?.

Tại Hội nghị Thường niên Hội Y tế Công cộng Việt Nam lần thứ 10 (diễn ra ngày 28/11), nhóm các tác giả đến từ Đại học Y tế Công cộng, Cục An toàn Thực phẩm và Viện Chăn nuôi Quốc tế đã báo cáo đề tài"Đánh giá về sự ô nhiễm chì và Cadimi trong cá và rau muống ở sông Nhuệ".

Kết quả xét nghiệm mẫu nước và mẫu thực phẩm cho thấy, 100% mẫu rau muống khai thác từ Sông Nhuệ ô nhiễm chì. Các tác giả cũng nhận định, hiện nay việc ô nhiễm các kim loại nặng trong rau muống là mối nguy cơ đe dọa lớn đối với sức khỏe nhiều người tiêu dùng và cộng đồng.

Theo VTC14, trong vài năm gần đây, người dân sống ở bên sông Nhuệ không còn ăn loại rau muống do chính tay họ trồng. Có tới 14% người dân nơi đây phải tiếp tục thải độc chì vì lượng chì trong máu cho phép đã vượt quá mức cho phép.

Thông tin này đã gây sự chú ý trong dư luận, khiến nhiều bà nội trợ lo lắng. Câu hỏi đặt ra là: Rau nhiễm chì sẽ ảnh hưởng thế nào tới sức khỏe và làm cách nào để nhận biết ra nhiễm chì?.

Tác hại khi ăn rau muống nhiễm chì

Các kim loại nặng như asen, chì, kẽm, thiếc... nếu tồn dư trong thực phẩm với hàm lượng quá cao sẽ gây hại cho người tiêu dùng. Biểu hiện trước hết là ngộ độc mãn tính hoặc cấp tính.

VTC14 dẫn lời PGS.TS Phạm Duệ, Nguyên Giám đốc Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai cho biết: "Thường nhiễm chì vào cơ thể sẽ lắng đọng ở các cơ quan trong đó có não, tủy xương, xương và gây nên rất nhiều bệnh tật. Nếu nhiễm độc chì có tính chất từ từ mãn tính thì cũng gây nên bệnh cảnh với người lớn như yếu ớt, mệt mỏi, xanh xao, thiếu máu, đau đầu, mất ngủ, chán ăn, hay quên... Đi khám thì bị chẩn đoán suy nhược thần kinh, suy nhược cơ thể. Chì sau khi được hấp thụ vào máu thì tất cả lắng đọng vào các tổ chức cơ thể, gây bệnh ở não, hồng cầu, thận, gan, đặc biệt là lắng đọng xương. Lắng đọng ở xương sẽ khiến xương bị canxi hóa sớm. Nếu không được thải ra thì trẻ sẽ bị lùn".

"Ở trẻ em, ngộ độc cấp rất nguy hiểm. Ngộ độc cấp xảy ra trong 1,2,3 lần tiếp xúc với thức ăn, nước uống, môi trường có chì và bị nhiễm độc. Bệnh cảnh nguy hiểm nhất cho các em là hội chứng não cấp do ngộ độc chì: co giật, hôn mê, nôn mửa. Nhiễm độc mãn có thể không có triệu chứng cấp và rất khó phát hiện. Trẻ có thể vẫn sinh hoạt bình thường nhưng chậm lớn, chậm chạp, học không thông minh, chỉ số IQ giảm rõ rệt. Nồng độ chì máu càng cao thì chỉ số IQ càng thấp.

Ngoài ra, nhiều trẻ bị nhiễm chì còn gây bệnh thiếu máu, xét nghiệm hồng cầu giảm có khi còn bằng 1/2, 1/3 trẻ bình thường và phải truyền máu cấp cứu mới có thể cứu sống được", PGS.TS Phạm Duệ cho biết.

Theo Bộ Y tế, trung bình liều lượng chì do thức ăn, thức uống cung cấp cho khẩu phần hàng ngày từ 0,0033 đến 0,005 mg/ kg thể trọng. Nghĩa là trung bình một ngày, một người lớn ăn vào cơ thể từ 0,25 đến 0,35mg chì.

Nếu cơ thể hấp thu 1mg chì/năm thì sau vài năm sẽ có những triệu chứng điển hình như: hơi thở thối, sưng lợi với viền đen ở lợi, da vàng, đau bụng dữ dội, táo bón, đau khớp xương, bại liệt chi trên (tay bị biến dạng), mạch yếu, nước tiểu ít, trong nước tiểu có poephyrin, phụ nữ dễ bị sảy thai...

Cách nhận biết rau muống nhiễm chì

Theo các chuyên gia, có thể nhận biết rau muống nhiễm chì qua các dấu hiệu sau:

- Thân rau muống to hơn bình thường

- Rau giòn, lá màu xanh đen do hấp thụ quá nhiều kim loại nặng, trong đó có chì.

- Khi luộc rau sẽ thấy nước nóng có màu xanh nhạt, khi nguội nước biến thành màu xanh đen, có vẩn đen kết tủa. Những loại rau này khi ăn xong sẽ thấy có vị chát.

Theo các chuyên gia, rau muống ngon nhất là vào khoảng tháng 4,5,6. Những mớ rau ngọn nhỏ, nhìn hơi cứng nhưng khi ăn lại giòn, ngon và an toàn hơn.

Theo Theo Người đưa tin
MỚI - NÓNG