Cách nào kiểm soát chất lượng giáo dục ĐH?

0:00 / 0:00
0:00
TP - Chỉ tiêu tuyển sinh gần bằng số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển, vào đại học (ĐH) chưa bao giờ dễ đến thế. Việc các trường ĐH chạy đua tuyển sinh để có kinh phí tồn tại đang gây ra rất nhiều hậu quả mà những người làm chính sách phải đánh giá được để có điều chỉnh hợp lý.

Theo Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT, năm 2023, hơn một triệu thí sinh tốt nghiệp THPT, chỉ khoảng 660 nghìn em đăng ký xét tuyển ĐH, trong đó 610 nghìn thí sinh đã trúng tuyển đợt 1, đạt gần 93%. Tỉ lệ đỗ ĐH quá cao này đặt ra những băn khoăn nhất định về giáo dục ĐH ở Việt Nam hiện nay.

Cách nào kiểm soát chất lượng giáo dục ĐH? ảnh 1

Sinh viên Trường ĐH Việt Pháp học tập trong phòng thí nghiệm. Ảnh: Trường ĐH Việt Pháp

Ông Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam cho biết, trước đây công tác thống kê được ngành giáo dục làm khá tốt. Nhìn vào những con số đó có thể xác định được phân luồng học sinh, tốc độ tăng giảm số lượng sinh viên. Nhưng hiện nay, thống kê tương đối đại khái. Không những thế, hệ thống giáo dục chuyên nghiệp (dạy nghề) được đưa ra khỏi thống kê giáo dục nên số liệu gần như không có. “Sự chia cắt trong quản lí đã dẫn đến những bất cập trong việc đưa ra chính sách. Vì không có thống kê toàn diện nên mọi chính sách đưa ra đều khập khiễng, không giải quyết được triệt để vấn đề”, ông Khuyến bức xúc.

Vấn đề đáng quan tâm nhất trong giáo dục ĐH hiện nay là tình trạng không kiểm soát được chất lượng đào tạo. Ghi nhận cho thấy, sau 25 năm xây dựng và trưởng thành, Việt Nam có hệ thống trường ĐH địa phương với khoảng 30 trường. Khác với những hình dung ban đầu, đến nay nhiều trường trong số này đang lay lắt tồn tại hoặc tìm cách tồn tại bằng mọi giá. Theo ông Khuyến trừ một vài địa phương quan tâm, đầu tư, còn cơ bản đều muốn đẩy các trường đi. Đã đến lúc phải xem xét trách nhiệm của địa phương về vấn đề này.

Lỗ hổng từ quản lí nhà nước

TS Lê Đông Phương, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho rằng, hiện có nhiều cơ chế, chính sách nhưng vẫn chưa bao quát hết các mặt của việc đảm bảo/kiểm soát chất lượng đào tạo trong giáo dục ĐH. Nhiều hoạt động mới làm ở mức độ tối thiểu, chưa có tính hệ thống. Trong đó, ông Phương nhấn mạnh, thông tin về việc đảm bảo chất lượng chưa được công bố đầy đủ và thuận tiện cho khách hàng (là sinh viên, phụ huynh, doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động…).

Bên cạnh ông Phương cho rằng, kiểm soát là một việc đáng lẽ phải được tiến hành đều đặn nhưng các cơ quan quản lí (nhất là thanh tra hành chính và thanh tra chuyên môn) chưa làm được việc này, mới chỉ thanh tra vụ việc và vì vậy các quy định khó có hiệu lực thực thi. Điều này được ông Phương minh họa bằng vụ việc Trưởng khoa Du lịch, Trường ĐH Văn Lang vừa bị miễn nhiệm do bằng cấp chưa được công nhận. Vụ việc chỉ được xử lý khi học viên sau ĐH của trường phản ánh. Điều này cho thấy kiểm tra/giám sát/thanh tra còn yếu và trường đã cố tình nhập nhèm vi phạm.

Giải pháp ông Phương đưa ra là nên sớm hoàn chỉnh các tiêu chuẩn/quy chuẩn và triển khai hệ thống đảm bảo chất lượng một cách đồng bộ cùng thanh tra/giám sát ở mọi cấp độ. “Minh bạch thông tin và đối chiếu với các chuẩn phải dễ hiểu để các đơn vị đào tạo hình dung được mình đang làm việc thế nào chứ không phải là quy định để xử phạt hình sự nếu không đúng chuẩn”, ông Phương chia sẻ.

PGS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD&ĐT cho hay theo quy định Luật Giáo dục và Luật giáo dục ĐH, các trường đảm bảo chất lượng thông qua cơ chế tự chủ và kiểm định chất lượng. “Việc bắt buộc cơ sở giáo dục ĐH công khai thông tin hoạt động ngoài việc để xã hội giám sát còn là một kênh phản hồi giúp quản lí nhà nước kịp thời kiểm tra xử lý vi phạm; giám sát qua quy chế công khai chất lượng của các cơ sở giáo dục ĐH”, ông Chương nói.

MỚI - NÓNG