Cách nào để hút 18 triệu khách quốc tế?

0:00 / 0:00
0:00
TP - Sau kỳ nghỉ Tết Dương lịch bội thu về du lịch, ngành này đặt kỳ vọng dịp Tết Nguyên đán sẽ tiếp đà thành công này để mở ra một năm mới rực rỡ. Tham vọng đón 18 triệu khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2024 hoàn toàn trong tầm tay dù ngành đối diện thách thức bởi kinh doanh du lịch Việt đang rơi vào lối mòn, giảm sức hút.

Khách ngoại tăng

Xác định kỳ nghỉ Tết Nguyên đán là mốc quan trọng để đón du khách quốc tế, các công ty, doanh nghiệp lữ hành sớm triển khai nhiều chương trình khuyến mãi, thu hút lượng lớn du khách quốc tế đến Việt Nam.

Lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều công ty, doanh nghiệp ghi nhận lượng khách cao gấp đôi năm trước. Ông Bùi Thanh Tú, Giám đốc Marketing Cty du lịch Best Price nhận định, so với cùng kỳ năm 2023, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng mạnh, ước tính lên đến 200%. “Ba tháng đầu năm là một trong những dịp cao điểm của du khách quốc tế tới Việt Nam. Phần lớn lượng khách đến từ thị trường Mỹ, xếp sau là khách Úc, khách Anh và một số nước châu Âu”, ông Bùi Thanh Tú nêu.

Cách nào để hút 18 triệu khách quốc tế? ảnh 1

Du lịch văn hóa vẫn là sản phẩm hút khách quốc tế đến Việt Nam. Ảnh: Kỳ Sơn

Cách nào để hút 18 triệu khách quốc tế? ảnh 2

Tham vọng phục hồi khách quốc tế, hút 18 triệu lượt trong năm 2024. Ảnh: Như Ý

Bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc tiếp thị và truyền thông Công ty lữ hành Vietluxtour cho biết, số lượng khách quốc tế vào Việt Nam thời điểm này tăng so với cùng kỳ năm 2023. Số lượng khách cao nhất thời điểm này ở các thị trường châu Âu, Úc, Mỹ và Đông Bắc Á. Với diễn tiến của thị trường đầu quý I năm 2024, chúng tôi kỳ vọng thị trường khách quốc tế của Việt Nam nói chung và của doanh nghiệp nói riêng sẽ vượt qua giai đoạn phục hồi sau COVID-19, có tăng trưởng vượt bậc ở các thị trường tiềm năng như Đông Bắc Á, Mỹ…”, bà Thu nêu.

Ông Đặng Mạnh Phước, CEO The Outboux Company là công ty chuyên nghiên cứu thị trường tập trung vào lĩnh vực du lịch và khách sạn hàng đầu tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á - Thái Bình Dương nhấn mạnh, dịp Tết Nguyên đán của Việt Nam trùng với kỳ nghỉ xuân của Trung Quốc nên lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam dịp này sẽ tăng.

Mở hội cho khách vui xuân

Tại miền Bắc, khu du lịch Sun World Fansipan Legend tổ chức lễ hội khèn hoa và Hội xuân Mở cổng trời Fansipan nhằm thu hút du khách thập phương. Lễ hội Khèn hoa - Ngày hội các dân tộc được khai hội ngày 12/2 (mùng 3 Tết Giáp Thìn). Tại Hà Nội, chuỗi hoạt động văn hóa Tết Việt - Tết phố 2024 được tổ chức tại khu vực hồ Hoàn Kiếm, khu Phố cổ trở thành điểm nhấn trong dịp Tết Nguyên đán. Trong đó có các hoạt động phỏng dựng các nghi lễ truyền thống như đoàn rước dâng lễ cửa Đình, lễ cáo yết Thành Hoàng và cúng tổ nghề, lễ dựng cây nêu…

“Theo một số nghiên cứu, thông thường trong 2 tháng đầu năm chúng ta đón được lượng lớn khách quốc tế, đặc biệt là khách Trung Quốc. Dịp Tết Nguyên đán cũng là một dấu mốc của ngành du lịch trong việc đón khách quốc tế”, ông Đặng Mạnh Phước cho biết.

Lữ hành Saigontourist ghi nhận tín hiệu lạc quan của dòng khách quốc tế du lịch tàu biển. Tàu Celebrity Solstice cập cảng Phú Mỹ mùng 5 Tết, mang theo 2.300 du khách và thuyền viên, sau đó đến Nha Trang, Huế và kết thúc hải trình tại Hạ Long mồng 9 Tết.

Đổ chất xám nhiều hơn cho sản phẩm

Nhiều chuyên gia cho rằng, khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2024 sẽ có chuyển biến tích cực, sớm đạt được lượng khách như năm 2019 - trước thời điểm dịch COVID-19 bùng phát.

Chuyên gia du lịch Hoàng Nhân Chính cho rằng, dù du lịch luôn chịu tác động từ mọi biến động kinh tế - xã hội song người làm du lịch luôn phải linh hoạt, biết “tìm trong nguy thấy cơ”.

“Trong một số nghiên cứu, khảo sát gần đây của Hội đồng tư vấn du lịch, các chuyên gia nhận thấy xu hướng khá mới: vài năm gần đây, xu hướng khách lớn tuổi đi du lịch tăng dần và nghỉ dài ngày hơn. Việt Nam có lợi thế về du lịch MICE (hội nghị, hội thảo) cũng là xu hướng chung của khu vực. Đây cũng là đòn bẩy giúp cho du lịch nghỉ dưỡng phục hồi”, ông Hoàng Nhân Chính nêu.

Đại diện The Outboux Company khẳng định, ngành du lịch cần có đánh giá chuẩn xác hơn về thị trường, nghiên cứu về du khách, về nhu cầu của họ và năng lực đáp ứng, từ đó xây dựng các sản phẩm du lịch có chiều sâu, mang tính bền vững.

“Nếu so sánh sản phẩm du lịch Việt Nam với các nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan… chúng ta chưa thực sự có những sản phẩm mang tính đột phá, sáng tạo. Tính sáng tạo, mức độ đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch Việt Nam tương đối hạn chế cả về chất xám ở cả góc độ điểm đến và doanh nghiệp. Đây vẫn là điểm yếu chúng ta cần khắc phục trong thời gian tới”, ông Đặng Mạnh Phước phân tích.

Để cán mốc đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế, bà Trần Bảo Thu cho rằng, cần đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại và kích cầu du lịch. Du lịch Việt Nam cần một chương trình liên kết toàn diện giữa các doanh nghiệp vận chuyển, lữ hành và lưu trú nhằm tạo nên sản phẩm hấp dẫn về chất lượng, giá cả, từ đó tạo sức cạnh tranh với các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Campuchia…

Nâng cao chất lượng nhân sự vẫn là yếu tố quan trọng đối với du lịch Việt sau thời gian đứt gãy do đại dịch. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần tiếp tục làm mới, nâng tầm các sản phẩm du lịch dựa trên các sản phẩm đã có. “Bên cạnh các tuyến điểm truyền thống chúng tôi thay đổi, thêm vào một số địa điểm mới để thu hút khách. Trước đây, đối với tua quanh thành phố Hà Nội hướng dẫn viên chỉ đưa khách đến Lăng Bác, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, thì nay chúng tôi bổ sung thêm di tích nhà tù Hỏa Lò, khu di tích Hoàng thành Thăng Long và những tua khám phá ẩm thực Thủ đô”, ông Bùi Thanh Tú nói.

MỚI - NÓNG