Ghi nhận của Tiền Phong, tại các trạm xe đạp công cộng trên đường Trần Hưng Đạo, Bạch Đằng, Võ Văn Kiệt, Nguyễn Tri Phương, Xuân Thủy... dù các tuyến đường này đông khách du lịch qua lại nhưng nhiều xe không có người sử dụng, nhiều xe ngã đổ, nằm phơi nắng, phơi mưa không được che chắn.
Thời gian đầu sau khi triển khai, lượng người dân, du khách đạp xe trải nghiệm rất nhiều, mỗi ngày có hàng trăm lượt thuê. Tuy nhiên sau hơn 1 năm triển khai, hiện các trạm xe này rất vắng khách, hàng trăm người qua lại mỗi ngày nhưng rất ít người chọn xe đạp để di chuyển.
Nhiều trạm xe đạp công cộng ở Đà Nẵng hiện nay vắng khách. |
Có nhà cạnh trạm xe trên đường Bạch Đằng, chị Nguyễn Thị Hoa (trú quận Hải Châu) cho biết: Thời gian đầu các trạm xe gần nhà chị lúc nào cũng thiếu xe, nhiều người đến đợi cả tiếng đồng hồ để được thử nghiệm. Tuy nhiên sau một thời gian thì xe đạp nơi đây không được người dân quan tâm nhiều, lâu lâu mới có một vài khách nước ngoài chọn thuê để tiện tham quan.
“Đi xe đạp rất tốt cho sức khỏe, trước đây tôi hay đạp xe để thư giãn nhưng giờ toàn đi bộ với tập thể dục thôi, giờ ai cũng có phương tiện để đi nên việc dùng xe đạp rất ít”, chị Hoa nói.
Nhiều người không còn hứng thú chọn sử dụng dịch vụ xe đạp công cộng. |
Chị Nguyễn Thị Bình (quận Sơn Trà) cho biết, chị thường xuyên chạy bộ và đi dạo vào những giờ rảnh rỗi, tuy vậy rất ít khi chị thấy người dân hay du khách chọn dịch vụ xe đạp công cộng để đi. “Nhiều tháng nay tôi thấy xe đạp để phơi nắng phơi mưa mà không thấy ai chọn sử dụng. Lâu lâu có khách chọn đi rồi về bỏ nghênh ngang rất lộn xộn”, chị Bình chia sẻ.
Đến nay, Đà Nẵng vẫn giữ nguyên các điểm bố trí xe đạp dịch vụ. Một số điểm bố trí xe ở những nơi không có bóng mát, không có khu vực che chắn nên xe để phơi nắng phơi mưa nhìn rất xót xa.
Nhiều xe đạp nằm phơi nắng phơi mưa, ngã đổ. |
Trước đó, vào tháng 3/2023, Đà Nẵng triển khai mô hình xe đạp công cộng gồm 61 trạm với khoảng 600 chiếc xe đạp. Các trạm xe được đặt tại quận Hải Châu 32 vị trí, Thanh Khê 5 vị trí, Sơn Trà 16 vị trí, Ngũ Hành Sơn 5 vị trí và Cẩm Lệ 3 vị trí. Các trạm xe đạp được bố trí gần trạm xe buýt để kết nối hệ thống vận tải hành khách công cộng.
Việc triển khai mô hình xe đạp công cộng nhằm hạn chế nhu cầu sử dụng xe máy, ô tô cá nhân và giảm ô nhiễm môi trường, tạo thói quen cho người dân Đà Nẵng hướng tới cuộc sống xanh, sạch. Tuy nhiên đến nay, mô hình này đang ngày càng bị lãng quên, nhiều người dân, du khách không hứng thú khi chọn sử dụng dịch vụ này để tham quan khi đến Đà Nẵng.