Các tỉnh Đông Nam bộ có giải pháp quyết liệt hơn cho nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long yêu cầu các tỉnh, thành trong vùng đánh giá kỹ hơn từng vấn đề đồng thời có giải pháp quyết liệt hơn để giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền.

Ngày 17/10, tại TPHCM, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long cùng đoàn công tác của Chính phủ có buổi kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 tại TPHCM và các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu.

Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long nêu rõ những đánh giá, chỉ đạo gần đây của các đồng chí lãnh đạo Bộ Chính trị, Ban Bí thư đối với các nhiệm vụ nhằm hoàn thành các nhiệm vụ kinh tế – xã hội năm 2024. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ cũng đã lưu ý rằng cần cố gắng trong thời gian còn lại của năm thực hiện các biện pháp có thể để bám sát tình hình và thực hiện tốt mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của nhiệm kỳ này, chuẩn bị cho đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV. Trong đó, nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng.

Các tỉnh Đông Nam bộ có giải pháp quyết liệt hơn cho nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công ảnh 1

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long trao đổi tại buổi làm việc. Ảnh: Ngô Tùng

Theo Phó Thủ tướng Lê Thành Long, trong thực hiện nhiệm vụ giải ngân đầu tư công, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có khá nhiều biện pháp triển khai, thông qua nhiều văn bản chỉ đạo cũng như các tổ công tác và những lần đặt vấn đề tại các cuộc họp khác nhau.

Từ buổi làm việc, Phó Thủ tướng ghi nhận những cố gắng, chia sẻ những khó khăn các địa phương đang gặp phải trong công tác giải ngân vốn đầu tư công. Theo Phó Thủ tướng, những khó khăn, vướng mắc này mang tính “truyền thống” của các địa phương khác nhau trong cả nước, bao gồm việc khó, vướng trong giải phóng mặt bằng làm kéo dài thời gian thực hiện dự án; các vấn đề liên quan đến điều chỉnh quy hoạch, vướng luật, thiếu vật liệu xây dựng

Với kết quả giải ngân đến thời điểm này của các địa phương vùng Đông Nam bộ đạt rất thấp (chỉ đạt 35,46% so với trên 47% bình quân chung cả nước), Phó Thủ tướng yêu cầu các tỉnh, thành đánh giá kỹ hơn từng vấn đề đồng thời có giải pháp quyết liệt hơn để giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền. Ông lưu ý đến công tác phối hợp giữa các cơ quan, năng lực điều phối, trách nhiệm của cơ quan thực thi, đặc biệt là các ban quản lý dự án. Ngoài ra, các địa phương cần quan tâm hơn cho hoạt động phân cấp, ủy quyền, tạo điều kiện để cơ quan được phân cấp thực thi.

Đi liền đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục tổng hợp cụ thể các khó khăn, vướng mắc của địa phương; trên cơ sở đó phân loại, tham mưu Chính phủ giải quyết kịp thời.

Các tỉnh Đông Nam bộ có giải pháp quyết liệt hơn cho nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công ảnh 2

Nhiều dự án đang được TPHCM đẩy mạnh giải ngân. Ảnh Hữu Huy

Trao đổi trước đó xoay quanh một số vướng mắc về nguồn vật liệu xây dựng của các địa phương trong vùng, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đối với dự án đường Vành đai 3, toàn bộ 21/21 gói thầu hiện tại đã được khởi công và đến nay sản lượng đạt 19% giá trị hợp đồng.

Tuy nhiên, khối lượng hoàn thành chủ yếu thuộc hạng mục kết cấu do rất hạn chế về nguồn cát đắp. Nhu cầu cát đắp nền của dự án này khoảng 9,2 triệu m3 nhưng đến nay đưa về công trường được khoảng 1,8 triệu m3.

Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt. Tại hội nghị ngày 16/10 với các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre tập trung tháo gỡ các khó khăn và tháo gỡ dứt điểm, hoàn thành toàn bộ thủ tục cấp phép mỏ chậm nhất trong tháng 10 này để cung cấp vật liệu cho các dự án, trong đó có dự án Vành đai 3 TPHCM.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.