Các nước G20 đạt được đồng thuận về tuyên bố chung

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Các lãnh đạo G20 đã đồng ý về một tuyên bố chung, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thông báo chiều 9/9, xua tan lo ngại rằng những bất đồng về xung đột Nga - Ukraine sẽ khiến các quốc gia khó đi đến tuyên bố chung.
Các nước G20 đạt được đồng thuận về tuyên bố chung ảnh 1

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (giữa) cùng các lãnh đạo quốc tế tại hội nghị G20 ở New Delhi. Ảnh: Reuters

Phát biểu tại phiên họp buổi chiều của hội nghị thượng đỉnh G20 ở New Delhi, Thủ tướng Ấn Độ cho biết ông “vừa nhận được tin vui rằng nhờ sự nỗ lực của chúng tôi và sự hợp tác của các bạn, các nhà lãnh đạo G20 đã đạt được đồng thuận về tuyên bố chung”.

Trước những tràng pháo tay vang dội, ông Modi thông báo tuyên bố chung đã được chính thức thông qua.

Tuyên bố này đánh dấu một thắng lợi lớn cho Ấn Độ, quốc gia giữ chức chủ tịch G20 năm nay. Đây là một năm đặc biệt thách thức đối với nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới - vì Nga và Trung Quốc đã duy trì lập trường cứng rắn trong các cuộc thảo luận xung quanh cuộc xung đột Ukraine, vấn đề khí hậu và năng lượng.

Hôm 8/9, một ngày trước khi hội nghị thượng đỉnh G20 khai mạc, đoạn trong dự thảo liên quan đến “tình hình địa chính trị” vẫn để trống. Đến sáng 9/9, vẫn chưa có thỏa thuận nào về cách đề cập đến cuộc xung đột Ukraine trong tuyên bố chung.

Sáng thứ Bảy, các quan chức Ấn Độ được cho là đã gửi đi một đoạn văn được soạn thảo lại liên quan đến cuộc xung đột Ukraine tới các nhà lãnh đạo G20. Sau đó có vẻ như tất cả các thành viên đã chấp thuận.

Amitabh Kant, một quan chức Ấn Độ, cho biết đã có “100% sự đồng thuận từ tất cả các nước” đối với tất cả 83 đoạn trong tuyên bố.

Các đoạn về xung đột Nga - Ukraine trong tuyên bố thừa nhận “những quan điểm và đánh giá khác nhau” của các quốc gia thành viên về cuộc xung đột. Tuyên bố nhấn mạnh “tất cả các quốc gia phải kiềm chế đe dọa hoặc sử dụng vũ lực để tìm cách kiểm soát các vùng lãnh thổ chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền hoặc độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia nào. Việc sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân là không thể chấp nhận được.”

"Chúng tôi kêu gọi tất cả các quốc gia duy trì các nguyên tắc của luật pháp quốc tế bao gồm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, luật nhân đạo quốc tế và hệ thống đa phương nhằm bảo vệ hòa bình và ổn định".

"Chúng tôi hoan nghênh tất cả các sáng kiến có liên quan và mang tính xây dựng nhằm hỗ trợ nền hòa bình toàn diện, công bằng và lâu dài ở Ukraine", trích tuyên bố.

Tuyên bố cũng kêu gọi thực hiện sáng kiến Biển Đen về vận chuyển ngũ cốc, thực phẩm và phân bón an toàn từ Ukraine và Nga. Mátxcơva đã rút khỏi thỏa thuận vào tháng 7 vì cho rằng các cam kết với Nga không được thực hiện.

Theo ông Kant, để đạt được sự đồng thuận, đã có “những cuộc đàm phán rất khó khăn diễn ra không ngừng nghỉ trong nhiều ngày”. Ông cho biết Brazil và Nam Phi, những quốc gia sẽ là hai chủ tịch tiếp theo của G20, đã giúp đạt được thỏa thuận.

Các vấn đề khác được đề cập trong tuyên bố chung là các thỏa thuận xung quanh tài trợ khí hậu, tiền điện tử, cải cách và mở rộng các ngân hàng phát triển đa phương và một “hiệp ước phát triển xanh” mới giữa các quốc gia thành viên. Ông Kant cho biết tuyên bố này là “tài liệu đặt nhiều kỳ vọng nhất về hành động vì khí hậu” cho đến nay.

Theo The Guardian, Reuters
MỚI - NÓNG