G20 đồng ý cấp tư cách thành viên cho Liên minh châu Phi

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Bloomberg ngày 7/9 dẫn nguồn thạo tin cho biết nhóm các nước G20 đã đồng ý cấp tư cách thành viên thường trực cho Liên minh châu Phi (AU).
G20 đồng ý cấp tư cách thành viên cho Liên minh châu Phi ảnh 1

Ảnh: Bloomberg

Động thái này, nếu được xác thực, sẽ mang lại cho Liên minh châu Phi (gồm 55 thành viên) vị thế tương tự Liên minh châu Âu (EU) trong G20. AU hiện được chỉ định là “tổ chức quốc tế được mời”.

Theo Bloomberg, đây là một phần trong nỗ lực giúp các nước châu Phi có tiếng nói mạnh mẽ hơn về các vấn đề toàn cầu. Không có thành viên G20 nào phản đối quyết định này.

Tuy nhiên, hai nguồn tin Ấn Độ nói với Reuters rằng tư cách thành viên của AU sẽ chỉ được chính thức hóa vào năm tới khi Brazil tiếp quản vị trí chủ tịch luân phiên của G20 từ Ấn Độ.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã viết thư cho các lãnh đạo G20 vào tháng 6 đề xuất trao cho AU tư cách thành viên đầy đủ, thường trực của khối tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới ở New Delhi.

Trong một bài viết đăng trên các tờ báo Ấn Độ và quốc tế hôm thứ Năm, ông Modi cho biết: “Nhiệm kỳ chủ tịch của chúng tôi không chỉ chứng kiến sự tham gia lớn nhất từ trước đến nay các các nước châu Phi mà còn thúc đẩy việc đưa Liên minh châu Phi trở thành thành viên thường trực của G20”.

G20 hiện bao gồm 19 quốc gia và Liên minh châu Âu. Các thành viên đại diện cho khoảng 85% GDP toàn cầu, hơn 75% thương mại toàn cầu và khoảng 2/3 dân số thế giới.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nam Phi hoan nghênh thông tin về việc G20 đồng ý đưa AU trở thành thành viên. "EU cũng là một thành viên. Chúng tôi (Nam Phi) đã vận động hành lang và ủng hộ động thái này."

Các quốc gia như Đức, Brazil, Nam Phi và Canada cũng đã lên tiếng ủng hộ tư cách thành viên G20 của Liên minh châu Phi.

Tổng thống Nga Vladimir Putin không có kế hoạch phát biểu trực tuyến tại hội nghị thượng đỉnh G20, người phát ngôn Điện Kremlin - Dmitry Peskov nói ngày 7/9.

Khi được hỏi liệu Tổng thống Putin có phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh G20 qua kênh trực tuyến hay không, người phát ngôn Dmitry Peskov cho biết việc này không nằm trong kế hoạch.

“Mọi công việc tại hội nghị thượng đỉnh sẽ do Bộ trưởng Ngoại giao đảm trách”, ông nói. Các chuyên gia cũng đang nỗ lực hết mình để hoàn thiện các tài liệu cần thiết cho hội nghị.

Hội nghị thượng đỉnh G20 ở New Delhi sẽ được tổ chức theo hình thức trực tiếp vào ngày 9 - 10/9. Lãnh đạo của tất cả các quốc gia G20 và chín quốc gia khác (Bangladesh, Ai Cập, Mauritius, Hà Lan, Nigeria, Oman, Singapore, Tây Ban Nha và UAE) đã được mời tham dự.

Theo Reuters, Bloomberg, Tass
MỚI - NÓNG