Theo đó các nhà khoa học Hàn Quốc tin rằng có thể hồi sinh loài voi ma mút đã bị tuyệt chủng bằng cách sử dụng ADN của một xác voi ma mút được bảo quản rất tốt vừa được tìm thấy trong băng tuyết ở khu vực Siberia.
Theo Hwang Insung, một nhà di truyền học tại Sooam, công ty công nghệ sinh học của Hàn Quốc, đang làm việc trên dự án này, cho biết nhóm nghiên cứu của ông cho rằng mục tiêu hồi sinh loài voi ma mút đã bị tuyệt chủng có thể thực hiện được bằng cách sử dụng các mẫu máu tươi trong mẫu vật mà nhóm đã phục hồi được.
“Chúng tôi đang rất cố gắng để hiện thực quá điều này trong thế hệ của chúng ta”, Hwang Insung cho biết trong bộ phim tài liệu của kênh truyền hình Channel 4 của Anh về dự án này.
Các nhà khoa học Hàn Quốc sẽ lấy mẫu vật từ thi thể của voi ma mút cái có tên Buttercup, được tìm thấy trong băng đá tại đảo Maly Lyakhovsky (thuộc Siberia, Nga) vào tháng 5/2013, với có thể được bảo quản khá hoàn chỉn, với 3 chân và hầu hết các bọ phận trên cơ thể, một phần đầu và vòi vẫn được bảo quản nguyên vẹn.
Theo các nhà khoa học, Buttercup là một cá thể voi ma mút lông xoăn, sống cách đây khoảng 40.000 năm, đã sinh được 8 voi con và qua đời ở độ tuổi khoảng 50.
Hiện các nhà khoa học Hàn Quốc đang làm việc trên các mẫu máu của Buttercup để cố gắng tìm một nhân tế bào hoàn chỉnh, bao gồm một bộ gen nguyên vẹn, để có thể sử dụng cho việc nhân bản. Buttercup là một trong những thi thể voi ma mút được phát hiện ra gần đây ở khu vực băng tuyết bao phủ rộng lớn ở Siberia, do một phần băng tuyết bị tan chảy do hiện tượng nóng lên của trái đất.
Tuy nhiên, dự án của các nhà khoa học Hàn Quốc lại phải nhận nhiều sự phản đối của cộng đồng các nhà khoa học trên thế giới, khi cho rằng điều này là vi phạm các quy chuẩn về đạo đức khi hồi sinh một loài động vật đã tuyệt chủng.
Tiến sĩ Tori Herridge, một nhà cổ sinh vật học và chuyên gia về loài voi ma mút tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên London (Anh) cho biết khoảnh khắc cô được đối mặt với thi thể của con voi ma mút có tên Buttercup là “một trong những trải nghiệm tuyệt vời nhất của cuộc đời tôi”.
“Nó được so sánh với cảm giác trong ngày cưới của tôi”, nữ tiến sĩ này chia sẻ thêm. “Những thông tin thu thập từ việc khám nghiệm tử thi của Buttercup sẽ giúp chúng ta khám phá thêm nhiều về cuộc sống và cái chết của cô voi này, cũng như giúp có thêm những hiểu biết về loài động vật sống trong Kỷ băng hà này”.
Tuy nhiên tiến sĩ Herridge cũng cho rằng quá trình nhân bản vô tính động vật đã tuyệt chủng là độc ác và việc tạo ra một con voi ma mút còn sống là một điều vi phạm đạo đức nghiêm trọng, bởi lẽ theo Herridge, việc nhân bản voi ma mút sẽ phải cần một con voi mẹ phù hợp để mang thai, điều này buộc phải tiến hành thử nghiệm trên rất nhiều voi cái châu Á, là loài động vật có quan hệ gần nhất với voi ma mút lông xoăn.
“Nhân bản voi ma mút lông xoăn sẽ yêu cầu thử nghiệm trên rất rất nhiều cá thể voi châu Á. Tôi không nghĩ rằng điều này là xứng đáng để hy sinh”, tiến sĩ Herridge chia sẻ.
Herridge lo ngại rằng voi mẹ mang thai sẽ bị tổn hại hoặc chết sớm trước khi sinh hạ thành công voi ma mút được nhân bản.
Bên cạnh đó, voi ma mút con nếu được nhân bản thành công sẽ phải lập tức thích nghi với môi trường sống hiện đại cũng như trong điều kiện sống nuôi nhốt, điều này có thể khiến cá thể voi này không phát triển được bình thường.
Ngược lại, một số nhà khoa học khác lại cho rằng nhân bản thành công voi ma mút lông xoăn sẽ giúp con người hiểm thêm đáng kể về cuộc sống của loài động vật tồn tại cách đây khoảng 10.000 năm.
Theo Ian Wilmut, Giáo sư của đại học Edingburgh, tác giả của động vật có vú đầu tiên được nhân bản trên thế giới, chú cừu Dolly, lại cho rằng nỗ lực của các nhà khoa học Hàn Quốc là rất quan trọng và đáng giá.
“Tôi tin rằng điều này cần phải thực hiện, miễn là chúng ta có thể cung cấp một chế độ chăm sóc tuyệt vời cho cá thể được tạo ra”, Ian Wilmut cho biết. “Nếu điều này thành công, chúng ta sẽ khám phá được thêm nhiều bí ẩn về loài động vật đã tuyệt chủng này”.