Tại Khoản 4 Điều 14 dự thảo Nghị định quy định: “Việc bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung, thay thế văn bản được rà soát phải được xác định có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực hoặc hết hiệu lực toàn bộ hay một phần của văn bản là căn cứ pháp lý để rà soát. Đối với nghị quyết của HĐND, việc xử lý kết quả rà soát phải được tiến hành tại kỳ họp gần nhất”.
Theo ông Ba, quy định như vậy bảo đảm khi văn bản là căn cứ pháp lý để rà soát có hiệu lực thì không còn tồn tại những nội dung không phù hợp trong các văn bản khác có liên quan.
Nói cách khác, quy định theo phương án này sẽ tạo nên sự thống nhất, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp của hệ thống pháp luật.
Riêng đối với nghị quyết của HĐND, sở dĩ việc xử lý kết quả rà soát phải được tiến hành tại kỳ họp gần nhất, bởi hoạt động thông qua văn bản của HĐND diễn ra tại các kỳ họp, do đó không có điều kiện xem xét, xử lý ngay theo kiến nghị của cơ quan rà soát.
Trường hợp việc xử lý văn bản không thuộc thẩm quyền cơ quan rà soát mà thuộc thẩm quyền cơ quan khác (như Quốc hội, Chính phủ), quy định như trên chưa thực sự khả thi, có thể quy định thêm về việc cơ quan rà soát phải gửi kiến nghị xử lý đến cơ quan có thẩm quyền trước ngày văn bản là căn cứ pháp lý để rà soát có hiệu lực.
Cục trưởng Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Lê Hồng Sơn cho rằng, chưa có văn bản nào quy định cụ thể về các hình thức xử lý văn bản cũng như thời điểm phải hoàn thành việc xử lý.
Thực tế này gây nên tình trạng nhiều văn bản có nội dung không còn phù hợp với các văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn mới được ban hành hoặc không còn phù hợp với tình hình kinh tế- xã hội nhưng không được kịp thời xử lý dẫn đến việc áp dụng sai hoặc không hợp lý trong thực tế.