Ðổi mới phương tiện đón đầu thời cơ
Tổng Cty vận tải Hà Nội (Transerco) thông tin, bình quân mỗi ngày các tuyến buýt của Tổng công ty thực hiện gần 10.000 lượt xe. Trung bình lượt xe vận chuyển mỗi năm vào khoảng hơn 3,1 triệu lượt xe với hơn 72 triệu km hành trình. Hiện phần lớn học sinh, sinh viên đến trường hằng ngày đã chuyển sang đi xe buýt; cùng với đó xe buýt cũng đang trở thành loại hình phương tiện được số đông một bộ phận công sở lựa chọn.
Ông Nguyễn Việt Triều, Phó Tổng Giám đốc Transerco cho biết, duy trì, đổi mới, nâng cao chất lượng đoàn phương tiện luôn là công tác trọng tâm đối với Tổng Cty. Tiêu chí này vừa góp phần cải thiện chất lượng xe buýt, đóng góp cho xã hội, vừa đảm bảo hiệu quả kinh tế cho đơn vị kinh doanh xe buýt. Lãnh đạo Transerco khẳng định: “Chỉ khi bỏ công sức chăm lo thường xuyên đến chiếc xe của mình thì phương tiện mới đảm bảo, không xảy ra hỏng lớn. Ðây vừa là quan điểm, vừa là mục tiêu của Tổng Cty”. Kế hoạch bảo dưỡng sửa chữa năm 2015 vừa qua của Tổng Cty đã thực hiện hơn 12.000 lượt Bảo Dưỡng cấp 1 và gần 2.000 lần Bảo Dưỡng cấp 2. Số lần các xe vào kiểm tu để sửa chữa lớn cho các phần là 700 lần.
Ðặc biệt, Transerco là đơn vị đầu tiên thành lập Xí nghiệp Trung đại tu ô tô, một đơn vị chuyên thực hiện công tác sửa chữa lớn và đại tu ô tô tập trung. Ông Lê Anh Dũng, Giám đốc Xí nghiệp Trung đại tu ô tô cho biết, trên thực tế, xe buýt đang vận hành trong điều kiện vô cùng khắc nghiệt. Do vậy, ngoài phần sửa chữa lớn được thực hiện theo định ngạch (khoảng 200 nghìn km đại tu/lần), Transerco xác định: Việc siết chặt quy trình sửa chữa, bảo dưỡng thường xuyên, định kỳ là công việc bắt buộc, luôn được chú trọng. Cùng với đó, đơn vị thường xuyên tổ chức các phong trào thi đua, Hội thi bảo dưỡng sửa chữa buýt, Hội thi tay lái giỏi… nhằm biểu dương và nhân rộng những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, tạo chuyển biến tích cực trong quản lý phương tiện, giữ gìn xe tốt, sạch, đẹp, an toàn. Công suất thiết kế của Xí nghiệp Trung đại tu ô tô hiện nay vào khoảng 400 xe/năm với hơn 1.200 nội dung sửa chữa lớn, cùng lúc có thể thực hiện sửa chữa lớn cho 30 xe buýt của Tổng Cty.
Về đầu tư xe mới nhằm thay thế xe cũ nâng cao chất lượng đoàn xe: Bình quân hằng năm Tổng Cty đầu tư khoảng hơn 100 phương tiện mới (khoảng 10% đoàn xe) thay thế cho các phương tiện đã vận hành lâu năm trên tuyến. Tính đến cuối năm 2015, số phương tiện đạt tiêu chuẩn khí thải từ Euro II, EURO III trở lên là hơn 500 xe, chiếm trên 51% đoàn phương tiện hoạt động buýt. Các xe hiện nay đầu tư mới đều có cabin lái xe cách biệt với hành khách và trang thiết bị đèn LED phía trước và sườn xe nhằm thông tin cho hành khách tốt hơn. Tuy nhiên, việc ứng dụng các công nghệ trên xe (LED, hệ thống âm thanh cho hành khách)... chưa được hỗ trợ về cơ chế đầu tư và khuyến khích về lãi suất cho việc đầu tư đổi mới nâng cao phương tiện buýt.
Phòng điều hành xe buýt với nhiều giải pháp công nghệ hiện đại
Hiện vẫn chưa có cơ chế ưu đãi về lãi suất cho vay vốn đầu tư cho phương tiện công cộng. Cùng với đó, hạ tầng giao thông Hà Nội nói chung và hạ tầng dành cho xe buýt còn nhiều bất cập, nhiều tuyến chưa được bố trí hạ tầng vị trí tập kết theo tiêu chuẩn, phải đỗ tạm lề đường. Tình trạng quá tải trong giờ cao điểm vừa là thành công của xe buýt nhưng cũng vừa là thách thức trong việc duy trì và nâng cao năng lực phục vụ cũng như chất lượng dịch vụ xe buýt của Tổng Cty. Vào giờ cao điểm xe buýt phải gồng mình vận chuyển 150 - 200% khách.
Hội nhập bằng các giải pháp công nghệ
Tại nhà chờ điểm chờ xe buýt trên đường Trần Khánh Dư (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), sinh viên Nguyễn Thị Diệu đang sử dụng điện thoại di động để tra cứu phần mềm có tên “Tìm Buýt”. Sinh viên quê Hưng Yên cho biết, từ ngày có phần mềm này, tân sinh viên không còn bị nháo nhào, lên xuống nhầm khi các xe buýt tới nữa. “Phần mềm chỉ dẫn rất cụ thể điểm đi, điểm đến, thời gian xe đón, đảm bảo không sợ lạc”, Diệu hào hứng nói. Cùng với Diệu, rất nhiều bạn trẻ tại Hà Nội đang sử dụng phần mềm Tìm Buýt do Tổng Cty Transerco đầu tư. Phần mềm Tìm Buýt cũng đang trở thành công cụ không thể thiếu của cán bộ công nhân viên chức và các bạn trẻ thường xuyên di chuyển bằng xe buýt.
Transerco là một trong những doanh nghiệp đầu tiên của Thủ đô triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và các phần mềm quản trị doanh nghiệp tiên tiến. Với phương châm “đi tắt, đón đầu”, từ năm 2007, Transerco đã sở hữu một hệ thống điều hành xe buýt tiên tiến với hệ thống bộ đàm, camera, bảng LED và công nghệ định vị GPS. Hệ thống quản lý điều hành xe buýt (GPS) hiện nay của Tổng Cty có những tính năng nổi bật như: Theo dõi trực tiếp trên màn hình về trạng thái vận hành của xe buýt với các dữ liệu, số liệu và báo cáo về những tiêu chí: khu vực ùn tắc giao thông, xe không dừng đỗ đúng điểm... giúp người quản lý đưa ra những quyết định xử lý kịp thời cho hoạt động xe buýt. Ngoài ra một số tiện ích chỉ có tại Tổng Cty như: Kết nối với hệ thống âm thanh trên xe để thông báo cho hành khách về vị trí điểm dừng đỗ sắp đến theo thời gian thực và các thông tin dịch vụ xe buýt, cập nhật xe buýt sắp đi qua điểm dừng đỗ cho hành khách chờ xe thông qua bảng điện tử (LED) tại các nhà chờ, phần mềm hướng dẫn cho hành khách tìm đường đi xe buýt nhanh nhất trên website và smartphone…
Cuộc thi tay nghề giỏi của Transerco.
Ông Nguyễn Việt Triều, Phó Tổng Giám đốc Transerco cho biết thêm, để nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt trong thời gian tới, Tổng Cty sẽ đầu tư màn hình LCD, trong đó có thông tin thời sự, thời tiết và thông tin dịch vụ xe buýt. Trong thời gian tới, Hệ thống chỉ tiêu đánh giá chất lượng đoàn phương tiện, cùng hệ thống vé điện tử sẽ được thí điểm trên nhiều tuyến. Qua đó, từng bước hội nhập với những chuyển biến lớn trong loại hình vận tải công cộng Thủ đô trong thời gian tới: Tuyến xe buýt nhanh BRT và tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà nội, Cát Linh - Hà Ðông.
Transerco hiện là doanh nghiệp hàng đầu của ngành giao thông công cộng Thủ đô. Là đơn vị tiên phong về đổi mới chất lượng đoàn xe, lấy khách hàng làm trung tâm phục vụ, áp dụng công nghệ quản lý điều hành, ứng dụng các phần mềm quản trị tiên tiến… Transerco bước đầu lấy lại được niềm tin và thói quen đi lại bằng phương tiện công cộng của người dân Thủ đô, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, giảm thiểu ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường của Thủ đô.