Ba trụ cột phát triển Transerco

Tổng Giám đốc Tổng Cty Vận tải Hà Nội - Transerco Nguyễn Phi Thường. Ảnh: Hồng Vĩnh
Tổng Giám đốc Tổng Cty Vận tải Hà Nội - Transerco Nguyễn Phi Thường. Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Ngay từ khi thành lập, Transerco luôn xác định phát triển bằng ba trụ cột: Xe buýt - bến xe, bãi đỗ xe - kinh doanh thương mại, dịch vụ vận tải.

“5 năm vừa qua đã ghi nhận sự phát triển không ngừng về chất của xe buýt Hà Nội. Tuy nhiên, nếu không tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, xe buýt sẽ đứng trước nguy cơ hụt hơi trên chặng đua không cân sức với phương tiện cá nhân”- ông Nguyễn Phi Thường, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Vận tải Hà Nội - Transerco chia sẻ. 

Vậy 5 năm nữa Transerco sẽ phát triển ra sao? “Xe buýt vẫn là chủ đạo; tập trung đầu tư phát triển hạ tầng bến xe - điểm đỗ xe và thúc đẩy kinh doanh thương mại, dịch vụ vận tải. Đây sẽ là ba trụ cột giúp Transerco vững bước trong tương lai”- ông Thường nói.

Con suối nhỏ tạo nên dòng sông lớn 

Nhìn nhận chặng đường nửa thập kỷ qua, ông đánh giá như thế nào về sự phát triển của xe buýt Hà Nội?   

Năm 2001, khi ghi nhận sự trở lại của xe buýt theo đúng nghĩa, sản lượng vận chuyển đạt 20 triệu lượt hành khách, tương đương 5% nhu cầu đi lại. Và nay sản lượng đã đạt đến 450 triệu lượt hành khách, nhưng tỷ lệ người dân sử dụng phương tiện buýt cũng mới chiếm 15%. Đây là con số còn khá khiêm tốn. Nhưng nếu căn cứ vào điểm xuất phát, tôi cho rằng xe buýt Hà Nội đã phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng dịch vụ. Thành phố đã có đến 60 tuyến với 1.000 xe buýt và phân bố mạng lưới khá hợp lý. Trong đó đáng ghi nhận là sau khi Hà Nội mở rộng 2008, xe buýt đã vươn đến các huyện ngoại thành, tăng cường giao thoa kinh tế xã hội giữa ngoại ô và trung tâm thành phố, giảm áp lực ùn tắc lên khu vực nội đô… Về chất lượng xe buýt, thành công lớn nhất chính là sự thay đổi tư duy từ kinh doanh vận tải kiểu “bao cấp” sang tư duy “phục vụ”, …Thành công của xe buýt ngày hôm nay là kết quả của quá trình kiến tạo bền lâu của nhiều thế hệ lãnh đạo, CBCNV Transerco luôn đoàn kết nêu gương tạo ra sự lan tỏa và hình thành nên văn hóa Transerco. Đây chính là sức mạnh nội tại giúp doanh nghiệp vượt qua thách thức khó khăn! 

Nhưng xe buýt đang phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt không lâu nữa khi các tuyến đường sắt đô thị, metro đi vào hoạt động. Ông có suy nghĩ gì về thực tế này?

Tôi xin nhắc lại rằng, xe buýt Hà Nội hiện mới đáp ứng được 15% nhu cầu đi lại. Biên độ để buýt phát triển lên đến 30%- 40% sẽ còn rất lớn. Nếu biết vận dụng và có chính sách phù hợp, xe buýt có thể tăng trưởng sản lượng gấp đôi hiện nay… Hơn nữa, nhiều vùng huyện ngoại thành của Hà Nội hiện chưa có xe buýt, những nơi đó đang rất cần đến xe buýt.

Trong 5 năm tới, Hà Nội sẽ có xe buýt nhanh - BRT rồi 1 đến 2 tuyến đường sắt đô thị. Tuy nhiên, tôi không nghĩ điều đó lại làm thấp đi hay mất đi vai trò của xe buýt. Trái lại, đây là cơ hội tốt để phát triển xe buýt. Nếu đường sắt trên cao, metro là những con sông lớn, sông muốn nhiều nước thì phải có nhiều con suối đổ về. Xe buýt sẽ đóng vai trò là những con suối góp nước cho dòng sông. Đó là chưa kể không phải địa bàn nào cũng có tuyến đường sắt đi qua và như vậy, buýt chắc chắn vẫn giữ vai trò chủ đạo trong vận tải hành khách công cộng tại thủ đô.

Vậy theo ông những ưu tiên nào có thể tính đến để tạo động lực mới cho xe buýt tiếp tục phát triển?

Theo tôi, trước hết phải tiếp tục hoàn thiện chính sách mang tính ổn định, lâu dài để xe buýt phát triển bền vững như: chính sách về trợ giá, chính sách về phát triển mạng lưới, về tần suất hoạt động, đầu tư phương tiện. Cơ sở xây dựng chính sách phải dựa vào thị trường, tạo động cơ động lực cho doanh nghiệp phát triển buýt. Kế đó trong quy hoạch phát triển giao thông vận tải Hà Nội luôn quan tâm và đặt vị trí xe buýt ở vị trí tương xứng. Tùy thời điểm cụ thể, thành phố có thể đưa ra chính sách hạn chế phương tiện cá nhân như: chính sách về thuế, các điều kiện về điểm đỗ, các phương án tổ chức giao thông theo hướng ưu tiên, tạo thuận lợi cho xe buýt hơn so với các phương tiện cá nhân. Nếu chúng ta có được hệ thống các chính sách tốt, chắc chắn xe buýt Hà Nội sẽ có nhiều động lực để phát triển. Khi đó, người dân sẽ từ bỏ phương tiện cá nhân để lựa chọn xe buýt. Nhưng nếu chúng ta không quan tâm thỏa đáng, dịch vụ xe buýt đi xuống rất có thể hành khách sẽ quay lưng lại với buýt.

Ba trụ cột phát triển Transerco

Không chỉ phát triển xe buýt, gần đây Transerco đã có những bước đi khá táo bạo trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông tĩnh?

Nếu nhìn vào thực tế quy hoạch giao thông của Hà Nội những năm trước đây, chúng ta thấy rằng tỷ lệ quỹ đất dành cho giao thông còn quá thiếu. Không có mặt bằng, điều đó đồng nghĩa với việc phát triển hạ tầng giao thông đi vào ngõ cụt. Chính vì lý do đó, ngay từ khi thành lập, Transerco luôn xác định phát triển bằng ba trụ cột: Xe buýt - bến xe, bãi đỗ xe - kinh doanh thương mại, dịch vụ vận tải.

Trong hoạt động dịch vụ bến xe liên tỉnh, bên cạnh bến xe liên tỉnh truyền thống như: Giáp Bát, Mỹ Đình, Gia Lâm, Yên Nghĩa, hàng loạt bến bãi tại các cửa ô như: Cổ Bi, Yên Thường (Gia Lâm); Thường Tín (Thường Tín); Đan Phượng (Đan Phượng), Minh Khai (Từ Liêm), Mai Lâm (Đông Anh) v.v... đang được xúc tiến đầu tư. Việc đầu tư các bến xe không chỉ đáp ứng nhu cầu của hiện tại mà nằm trong chiến lược phát triển ngành vận tải thủ đô trong dài hạn. 

Ngoài ra, hàng loạt bãi đỗ xe tĩnh trên địa bàn Thủ đô, cũng được đầu tư mới và ứng dụng công nghệ hiện đại, đồng bộ để đưa vào khai thác trong 2015 như dự án garage đỗ xe cao tầng tại Nguyễn Công Hoan, Trần Nhật Duật...

Bến xe dường như là nơi mà người ta ngại “đụng chạm”, ông đánh giá sao khi các dự án này đi vào hoạt động, và liệu chúng có giúp vẽ nên một bức tranh giao thông Hà Nội thêm tươi sáng trong 5 năm tới?

Nếu 10 năm trước, có lẽ chẳng ai nghĩ rằng bến xe Mỹ Đình lại có thể quá tải. Việc bộc lộ những hạn chế của bến xe Mỹ Đình là bài học đúc rút về “tầm nhìn” cho tương lai. Sau nửa năm bắt tay triển khai, đến nay Mỹ Đình đã được mở rộng về quy mô và ứng dụng công nghệ quản lý tiên tiến. Năm 2015, Đảng bộ Tổng Công ty chọn Bến xe là tâm điểm chỉ đạo để hưởng ứng “Năm trật tự và văn minh đô thị 2015” của thành phố. Mục tiêu là “Tạo sự chuyển biến rõ nét về chất lượng dịch vụ tại các bến xe của Transerco mà trước mắt là thí điểm tại Bến xe Mỹ Đình và từng bước nhân rộng”. Mặc dù đây là công việc đầy khó khăn và phức tạp nhưng phải kiên quyết thực hiện vì đây là việc không thể không làm. 

Đối với các dự án bến bãi đã hoàn thành GPMB, quan điểm của Transerco là đầu tư nhanh để đưa vào khai thác sớm, phát huy hiệu quả nhanh nhất có thể. Hiện, các dự án đang được đẩy nhanh tiến độ như: dự án Yên Viên (Gia Lâm), Đền Lừ (Hoàng Mai), Thanh Lâm (Mê Linh), Tam Hiệp (Thanh Trì), Mai Dịch (Cầu Giấy). Đây là những dự án đón đầu và mang tầm nhìn chiến lược, là tiền đề cho sự phát triển của Transerco trong giai đoạn 5-10 năm tới. 

5 năm qua, Transerco đạt được nhiều thành tích vượt trội, chặng đường phía trước nhiều cơ hội nhưng cũng đan xen không ít thách thức, ông có thể hé lộ điều gì tâm đắc trong kế hoạch vượt khó? 

Cuộc sống luôn đồng hành cả cơ hội và thách thức. Về cơ hội tôi nghĩ có nhiều, đó là sự chỉ đạo sát sao của thành ủy, ủy ban thành phố, Transerco là tập thể đoàn kết, có kinh nghiệm quản lý, có đội ngũ công nhân lái xe yêu nghề…Tuy nhiên, thị trường ngày một cạnh tranh khốc liệt, người dân và chính quyền ngày một đòi hỏi cao về chất lượng dịch vụ, do đó phần thắng không thuộc về những DN chậm đổi mới, ngủ quên trên vòng nguyệt quế.

Chính vì lẽ đó, chúng tôi đặt ra nhiệm vụ trọng tâm cho 5 năm tới là tiếp tục đổi mới, tái cơ cấu các doanh nghiệp và cổ phần hóa toàn Tổng Công ty. Mục tiêu tổng quan là nâng cao năng suất lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh để nâng cao năng lực cạnh tranh của Transerco. Trong đó, chìa khóa thành công chính là coi trọng nhân tố con người. 

Dường như ông muốn gửi gắm điều gì đến những con người đã “chung bước thành công” với Transerco?

Nhân lực chính là tài sản quý giá của doanh nghiệp và chúng tôi luôn tạo ra một môi trường văn hóa bản sắc và nhân văn cho mọi CBCNV có cơ hội tốt để phát triển, cống hiến. Thành công của Transerco là thước đo sự nỗ lực của mỗi cá nhân trong tập thể. Tôi gửi lời tri ân tới những người lao động bình dị đang ngày đêm miệt mài dựng xây nên giá trị Transerco, cảm ơn hàng triệu khách hàng đã hòa nhịp thở cùng xe buýt Thủ đô. Chúc mọi người bước sang năm mới hạnh phúc, bình an và nhiều thành công! 

Cảm ơn ông!

Trong vòng 10 năm từ năm 2004 đến năm 2014, doanh thu toàn Tổng công ty tăng gần 2,5 lần, từ 1.500 tỷ đồng lên trên 4.000 tỷ đồng. Nộp ngân sách tăng 6 lần, từ 14 tỷ đồng lên 90 tỷ đồng. Đặc biệt đã tạo thêm được việc làm cho gần 5.000 người (từ gần 6.000 lao động lên 11.000 lao động)

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.