Các nhà báo tác nghiệp mọi lúc, mọi nơi |
Việt Nam hiện có đội ngũ nhà báo đông đảo, hùng hậu với hơn 24.000 người được cấp thẻ hành nghề, trong khoảng 41.600 người làm việc trong lĩnh vực báo chí. Với bản lĩnh chính trị, kiến thức sâu rộng, có kinh nghiệm trong phản bác các luận điệu sai trái, thù địch, có năng lực, trình độ sử dụng công nghệ thông tin và các phương tiện truyền thông mới..., những người làm báo đã có những đóng góp quan trọng vào nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Tuy nhiên, so với yêu cầu, nhiệm vụ, các cơ quan báo chí của chúng ta còn bộc lộ không ít hạn chế, có lúc, có nơi chưa thể hiện được vai trò chủ đạo, trong khi đó cuộc đấu tranh tư tưởng ngày càng khó khăn, phức tạp. Thủ đoạn, phương thức, phương tiện chống phá của các thế lực thù địch ngày càng tinh vi, nham hiểm… Do đó, việc đào tạo, bồi dưỡng, phát triển năng lực bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng cho đội ngũ nhà báo bức thiết đặt ra, tập trung vào một số phẩm chất, năng lực sau:
Thứ nhất, rèn luyện bản lĩnh chính trị. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Báo chí của ta thì cần phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội, phục vụ cho đấu tranh thực sự thống nhất nước nhà, cho hòa bình thế giới. Chính vì thế, cho nên tất cả những người làm báo (người viết, người in, người sửa bài, người phát hành...) phải có lập trường chính trị vững chắc.
Như vậy, nhà báo muốn trở thành người tuyên truyền giỏi, là lực lượng đi đầu bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh với các luận điệu sai trái, thù địch thì trước hết phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối không dao động về tư tưởng, ngả nghiêng về chính trị, nước đôi trong đấu tranh.
Thứ hai, không ngừng nghiên cứu, học tập để có hệ thống kiến thức sâu rộng. Trong công tác đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, để phân tích, luận giải, làm sáng rõ những giá trị bền vững, đúng đắn, khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác- Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; thông tin, tuyên truyền đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đồng thời có khả năng nhận diện rõ bản chất những quan điểm, luận điệu, âm mưu, thủ đoạn của thế lực thù địch để chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền, định hướng dư luận, đấu tranh ngăn chặn, phản bác, thì đội ngũ nhà báo cần có hệ thống kiến thức sâu rộng, vững chắc.
Hệ thống tri thức vừa phong phú, đa dạng tri thức lý luận chính trị, giúp nhà báo xây dựng được những tác phẩm có tính thuyết phục, tính bút chiến cao, đấu tranh phản bác hiệu quả những luận điệu xuyên tạc, sai trái, thù địch. Phông kiến thức này đòi hỏi nhà báo phải rèn luyện, học tập suốt đời.
“Với bản lĩnh chính trị, kiến thức sâu rộng, có kinh nghiệm trong phản bác các luận điệu sai trái, thù địch, có năng lực, trình độ sử dụng công nghệ thông tin và các phương tiện truyền thông mới..., những người làm báo đã có những đóng góp quan trọng vào nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng”.
PGS, TS. NGUYỄN THỊ TRƯỜNG GIANG
Thứ ba, nâng cao tri thức chuyên ngành báo chí. Kiến thức chuyên ngành báo chí là hệ thống kiến thức, kỹ năng, phương pháp nghề nghiệp để trở thành nhà báo chuyên nghiệp. Đó không chỉ là những hiểu biết, nhận thức chính xác, sâu sắc về chức năng xã hội của báo chí, như chức năng thông tin, tư tưởng, giám sát và phản biện xã hội...; các nguyên tắc hoạt động của báo chí, như tính khuynh hướng, tính chân thật, tính nhân dân, tính chiến đấu..; những kiến thức cần thiết về luật pháp, Luật Báo chí và đạo đức nghề nghiệp, mà còn là tổng hợp các kỹ năng tác nghiệp, như kỹ năng phát hiện đề tài, tiếp cận nguồn tin, khai thác tài liệu, quan sát hoặc phỏng vấn, kỹ năng xử lý thông tin, phương pháp thể hiện và sáng tạo tác phẩm…; những “kỹ năng mềm”, như kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, tác nghiệp trong môi trường khắc nghiệt…
Thứ tư, có kinh nghiệm và nhiệt huyết trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là mảng đề tài khó, số lượng các tác phẩm đấu tranh phản bác trực diện chưa nhiều, không ít tác phẩm còn thiếu độ sắc sảo, tính “bút chiến”, tính thuyết phục, nên hiệu quả đấu tranh chưa như mong muốn. Điều đó đòi hỏi đội ngũ nhà báo cần tích lũy kinh nghiệm nhiều hơn và có sự nhiệt huyết lớn hơn.
Như vậy, ngoài trình độ chuyên môn, bản lĩnh chính trị, những kỹ năng, nghiệp vụ trong đấu tranh, thì như một lẽ tự nhiên, những người làm báo cách mạng viết về Đảng, bảo vệ Đảng bằng tất cả tình cảm và trách nhiệm của mình, một cách tự nguyện và tự giác.
Thứ năm, hiểu biết và gương mẫu chấp hành pháp luật, đạo đức nghề nghiệp. Hiểu biết và gương mẫu chấp hành pháp luật là nghĩa vụ, trách nhiệm của một nhà báo - công dân, đồng thời cũng là yêu cầu bắt buộc của công việc - hoạt động báo chí. Việc nhà báo biết, hiểu và gương mẫu chấp hành pháp luật chính là thực hiện trách nhiệm nêu gương, giúp cho tuyên truyền đạt hiệu quả cao. Để nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ nhà báo tham gia đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, cần đặc biệt quan tâm đến việc đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nói chung, tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức nghề báo nói riêng.
Thứ sáu, có trình độ sử dụng kỹ thuật và công nghệ truyền thông, ngoại ngữ. Việc đầu tư, trang bị và nâng cao kỹ năng sử dụng phương tiện kỹ thuật, công nghệ phục vụ cho việc đấu tranh trên không gian mạng của các nhà báo cần được các cơ quan quản lý và lãnh đạo cơ quan báo chí quan tâm...