Thiệt hại tiền tỷ vì thủ tục kiểm tra cồng kềnh
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, cuộc kiểm tra được tiến hành theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng sau khi nhận được đơn kêu cứu từ các doanh nghiệp. Hiện có rất nhiều lô hàng phế liệu làm nguyên liệu tuy đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường nhưng đang tồn đọng tại các cảng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp.
“Có những doanh nghiệp nhập hàng từ tháng 6 năm ngoái, hàng đáp ứng tiêu chuẩn nhưng không được thông quan là do cái gì? Đến nay chi phí lưu kho bãi 40-50 USD/ngày, thiệt hại cả tỷ đồng. Bán cả lô hàng đi cũng không đủ trả phí lưu kho bãi, nếu là tôi, tôi cũng bỏ hàng”, ông Mai Tiến Dũng nói.
Theo ông Dũng, cách làm việc không hết trách nhiệm, vô cảm sẽ khiến “bóp chết” doanh nghiệp vì gánh nặng chi phí. Cụ thể, ông Dũng cho biết, hiện các doanh nghiệp rất phàn nàn về quy định kiểm tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường. “Đã có đơn vị giám định độc lập rồi nhưng vẫn phải có sự tham gia của cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường. Việc này có cần thiết không, cần xem xét kỹ? Mở container ra, kiểm tra bằng mắt thường, mà doanh nghiệp phải bố trí ăn ngủ, đưa đón, đi từ Nam ra Bắc, kinh phí ở đâu ra?”, Bộ trưởng nêu thực tế.
Đại diện Hiệp hội Giấy cho biết các doanh nghiệp thuộc ngành này chịu tới hàng nghìn tỷ đồng cho chi phí lưu kho lưu bãi thời gian qua. “Doanh nghiệp đã khóc quá nhiều trong những tháng qua”, ông nói.
Không tạo các rào cản gây khó doanh nghiệp
Thừa nhận tình trạng tồn đọng tại các cảng có phần có lỗi của ngành Tài nguyên và Môi trường, khi các đoàn kiểm tra phế liệu “quá cồng kềnh”, phương pháp kiểm tra trên thực tế cũng có vấn đề, song Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho rằng “phía Hải quan cũng phải chịu trách nhiệm”.
Ngược lại, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cho rằng cơ quan này đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp và “không bao biện”. Ông cũng cho rằng việc nhập khẩu phế liệu đang qua nhiều lần cấp phép và các Sở Tài nguyên và Môi trường khó có thể đủ người để kiểm tra các container phế liệu nhập khẩu, nên dẫn đến tình trạng một lô hàng chờ đến 10 ngày, thậm chí 30 ngày.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức thì cho biết, các Sở hiện đã nỗ lực bố trí đủ nhân lực cho việc kiểm tra và công việc hiện đã thông thoáng.
Không đồng tình với ý kiến trên, ông Dũng dẫn thực tế, các địa phương làm thủ tục thông thoáng là do không thực hiện quy định trên. “Đã có tổ chức giám định chịu trách nhiệm trước pháp luật, vậy tại sao lại còn phải chờ giấy của Sở, giấy đó có ý nghĩa gì?”, ông tiếp tục đặt câu hỏi.
Nhấn mạnh tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là tháo gỡ triệt để, cải cách triệt để, không vì lý do bảo đảm môi trường mà tạo ra các rào cản, thủ tục không cần thiết, gây khó khăn cho doanh nghiệp, ông Dũng cho biết sẽ thống nhất với các cơ quan, báo cáo Thủ tướng. Tinh thần là ngay sau Tết, doanh nghiệp sẽ có nguyên liệu sản xuất.
“Chỉ cần giám định chất lượng của đơn vị độc lập do Bộ chỉ định, đơn vị này sẽ cùng hải quan kiểm tra, không cần sự tham gia của cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường nữa. Giấy xác nhận của Sở Tài nguyên và Môi trường thêm một thủ tục nhưng không có ý nghĩa quản lý”, ông Dũng nhấn mạnh.
Về chi phí của các lô hàng, ông Dũng đề nghị Tổng cục Hải quan làm việc với các doanh nghiệp kinh doanh cảng, Bộ Giao thông vận tải làm việc với các hãng tàu để đề nghị xem xét miễn, giảm chi phí lưu kho bãi, phí container cho các chủ hàng.