Phí 'lót tay' kiểm tra chuyên ngành tăng cao

Phí kiểm tra chuyên ngành ngày càng tăng. Ảnh minh họa.
Phí kiểm tra chuyên ngành ngày càng tăng. Ảnh minh họa.
TP - Bộ KH&ĐT vừa công bố số liệu về chi phí kiểm tra chuyên ngành của doanh nghiệp (DN) với con số giật mình. Không chỉ căng mình đối phó tình trạng chi phí tăng, quản lý chồng chéo ở nhiều bộ ngành, DN còn phải “lót tay” gấp nhiều lần phí chính thức mới nhận được tờ kết quả.

Tiền “lót tay” gấp 4 lần phí chính thức

Theo báo cáo về tình hình thực hiện nghị quyết năm 2017 do Bộ KH&ĐT vừa công bố, chi phí kiểm tra chuyên ngành là gánh nặng hàng đầu với DN. Tiêu biểu như phí kiểm tra hiệu suất năng lượng, phí kiểm dịch thú y và phí kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu ngày càng tăng. Nhiều DN “than trời” bởi có quá nhiều thủ tục kiểm tra trong cùng một sản phẩm. Dù đã mất chi phí chính thức lớn nhưng để nhận được tờ kết quả, DN phải chi “tiền lót tay”.

Để chứng minh điều này, Bộ KH&ĐT dẫn ví dụ thủ tục nhập khẩu lô hàng điện lạnh, doanh nghiệp chỉ duy nhất phải làm thủ tục kiểm tra hiệu suất năng lượng (phí 16 triệu đồng/sản phẩm). Tuy nhiên, thủ tục kiểm tra tương thích điện từ có phí 16-20 triệu đồng/mẫu sản phẩm và phí không chính thức 4 triệu đồng/tờ kết quả. Thủ tục kiểm tra hợp quy và dán tem CR có phí 6 triệu đồng/mẫu sản phẩm và cộng thêm phí không chính thức 2 -3 triệu đồng/tờ kết quả. Đặc biệt, với thủ tục xin mã công bố của Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) để được dán nhãn năng lượng thực hiện theo lô, DN phải trả phí chính thức 500.000 đồng/hồ sơ và “cõng” thêm chi phí không chính thức gấp 4 lần (lên đến 2 triệu đồng/hồ sơ).

Bộ KH&ĐT cũng chỉ ra nghịch lý trong kiểm tra chuyên ngành là nhiều sản phẩm thương hiệu nổi tiếng thế giới, có hàm lượng khoa học và công nghệ cao hơn công nghệ, máy móc kiểm định của Việt Nam nhưng cơ quan chức năng không thừa nhận các thương hiệu này và vẫn kiểm tra. Hơn nữa, việc kiểm tra chuyên ngành không dựa trên nguyên tắc quản lý rủi ro, không cho phép kế thừa kết quả đã kiểm tra bởi DN khác (có cùng model mặt hàng nhập khẩu). Đặc biệt, với mặt hàng đã được chứng nhận hợp quy, thực hiện kiểm tra chất lượng theo lô nhưng vẫn kiểm tra mẫu điển hình với phí 2 triệu đồng/mẫu sản phẩm và phí không chính thức 1 triệu đồng/tờ kết quả.

“Tổng cộng các chi phí để hoàn tất thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với một model tủ lạnh khoảng 70 triệu đồng (chưa kể giá trị sản phẩm bị phá hủy lên tới hàng chục triệu đồng). Theo tính toán của DN, nếu một lô hàng nhập khẩu chỉ gồm vài chiếc thì DN không có lãi, thậm chí lỗ”, đại diện Bộ KH&ĐT cho biết.

Chính phủ chủ trương cắt giảm chi phí cho DN nhưng với một số thông tư mới ban hành, doanh nghiệp lại phải chi mức rất cao so với quy định cũ. Cụ thể tại Thông tư số 285/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính (ban hành ngày 14/11/2016), mức phí mới về kiểm dịch thú y tăng rất cao so với mức phí cũ. Với cùng thủ tục này, năm 2016 chi phí một DN ở TP HCM khoảng 300 triệu đồng/tháng nhưng năm 2017 tính theo quy định mới đã tăng hơn 2 lần, lên gần 700 triệu đồng/tháng. 

Còn rất nhiều ví dụ về lãng phí của kiểm tra chuyên ngành như lô hàng 6 máy xay thịt để làm thủ tục công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm tại Bộ Y tế, DN phải thử nghiệm sản phẩm với mức phí 22,9 triệu đồng. Tổng phí kiểm tra chuyên ngành đối với 1 lô hàng 28.500 tấn khô dầu đậu tương, nhập khẩu qua cảng Cái Lân (Quảng Ninh) lên tới khoảng 157 triệu đồng gồm phí kiểm tra chất lượng và phí kiểm dịch thực vật. Phí kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi tại Tổng cục Thuỷ sản khoảng 40 - 50 triệu đồng/lô hàng 60 - 70 tấn. Phí kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi tại Cục Chăn nuôi là 500.000 - 700.000 đồng/sản phẩm.

Ngoài ra, cùng một lô hàng (hàng rời hoặc lỏng, đồng nhất, cùng xuất xứ, cùng người bán), chở trên cùng một chuyến tàu của nhiều DN nhập khẩu, nhưng từng nhà nhập khẩu phải làm đầy đủ các bước thủ tục kiểm tra chuyên ngành.

“Cách làm này rườm rà không cần thiết, phí kiểm tra chuyên ngành của một tàu hàng lên tới vài chục đến hàng trăm triệu đồng. Ví dụ, kiểm dịch thực vật tại cảng Cái Lân thực hiện lấy mẫu theo tàu, kết quả áp dụng cho cả tàu hàng, nhưng phí lại thu theo từng chủ hàng. Điều này là bất hợp lý và không phù hợp cam kết tại các FTA (phí ở mức tương xứng với dịch vụ đã cung cấp)”, Bộ KH&ĐT cho biết.

10 bộ quản lý một nội dung

Không những phạm vi mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành quá rộng và có xu hướng ngày càng tăng mà việc quản lý, kiểm tra chuyên ngành chồng chéo giữa các bộ ở các lĩnh vực vẫn chưa cải thiện. Theo phản ánh của DN, để nhập khẩu 1 chiếc điều khiển cần trục xe nâng (1,2kg) DN phải làm thủ tục 8 lần tại nhiều bộ phận khác nhau, chủ yếu của Bộ Công Thương.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi/nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nhiều trường hợp cùng bị kiểm tra tại các cơ quan thú y, kiểm dịch thực vật tại Cục Chăn nuôi, Tổng cục Thủy sản...

Nhiều DN phản ánh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành tại Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) rất khó khăn, phức tạp, tốn nhiều thời gian, chi phí. Dù có hàng trăm nghìn DN trên cả nước làm thủ tục nhưng chỉ có một cán bộ phụ trách toàn bộ công việc cấp giấy chứng nhận hàng hóa. “Thời gian thực hiện nhanh hay chậm, dễ hay khó hoàn toàn phụ thuộc vào cán bộ này”, đại diện một DN cho biết.

Đặc biệt, Bộ KH&ĐT chỉ ra chồng chéo trong quản lý của các bộ ngành. Cụ thể, việc kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và quan trắc môi trường lao động thuộc quản lý của 10 bộ theo Nghị định 44/2016/NĐ-CP. Dù thời gian thực hiện thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành giảm nhưng vẫn còn dài, dẫn tới rủi ro cho DN.

“Tính đến 4/2017, có tới 430 văn bản pháp luật về quản lý và kiểm tra chuyên ngành. Tỷ lệ lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan vẫn ở mức 30-35%, trong khi mục tiêu của Nghị quyết 19 là 15%”. 

 Thống kê của Tổng cục Hải quan

MỚI - NÓNG