Tổ công tác trao đổi với lãnh đạo Chi cục Hải Quan Hải Phòng về thủ tục hành chính. Ảnh: Đoàn Bắc.
“Rừng” thủ tục hành doanh nghiệp
Theo thống kê của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, mỗi năm thủ tục kiểm tra chuyên ngành tiêu tốn 28,6 triệu ngày công và hơn 14,3 nghìn tỷ đồng. Qua rà soát cho thấy có nhiều mặt hàng nhập khẩu phải đồng thời chịu nhiều hình thức quản lý, kiểm tra chuyên ngành do một bộ hoặc nhiều bộ quy định. Thậm chí mặt hàng phân bón phải chịu 3 loại quản lý/kiểm tra, gồm giấy phép nhập khẩu tự động, kiểm tra chất lượng, chứng nhận hợp quy.
Điều đáng nói là việc kiểm tra chuyên ngành tuy nhiều nhưng hiệu quả lại hạn chế và nặng tính hình thức. Theo phản ánh của doanh nghiệp, đôi khi thủ tục kiểm tra chuyên ngành chỉ là “lá bùa” để cán bộ kiểm tra gây phiền phức, nhũng nhiễu doanh nghiệp. Bức xúc trước tình trạng trên, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhiều lần phải thốt lên rằng: “Quá nhiều thủ tục, thủ tục gắn với lợi ích, có thủ tục là có làm khó, là có đánh chén”. Có lẽ cũng chính vì lợi ích cục bộ này mà nhiều năm qua, dù các cơ quan chức năng, cộng đồng doanh nghiệp liên tục nêu ý kiến nhưng việc sửa đổi các quy định về thủ tục kiểm tra chuyên ngành vẫn hết sức chậm trễ.
Đứng trước thực trạng trên, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, từ tháng 8/2017, Tổ công tác của Thủ tướng đã quyết liệt làm việc với các bộ, ngành, chính quyền địa phương về vấn đề này. Điều đặc biệt là tham dự những cuộc làm việc về nội dung trên, ngoài các thành viên đại diện cho các bộ, ngành, còn có sự tham dự của các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp - những người đã và đang hàng ngày va chạm trực tiếp với “mớ thòng lọng” thủ tục kiểm tra chuyên ngành.
“Đúng là vừa qua, có nhiều người đặt vấn đề là không khí chuyển động, cải cách vẫn còn kiểu “trên nóng, dưới lạnh”, “trên chuyển, dưới im”. Đây là một thực tế, nhưng để giải quyết được cần phải có thời gian, giải pháp. Do đó, Tổ công tác sẽ tập trung tiến hành kiểm tra mang tính sâu hơn, chuyên đề hơn, trong đó tăng cường kiểm tra ở tuyến dưới, đặc biệt là ở huyện, xã, phường, xem xem sự chuyển động như thế nào”, ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cho biết.
Kiểm tra vỡ ra nhiều chuyện
Với mục tiêu trên nên sau cuộc làm việc với 11 bộ, ngành về các nhiệm vụ Chính phủ giao liên quan đến việc kiểm tra chuyên ngành xuất nhập khẩu, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đi khảo sát thực tế tại Chi cục Hải quan Hải Phòng khu vực 3 và cảng Đình Vũ, nơi các doanh nghiệp làm thủ tục kiểm tra an toàn thực phẩm, kiểm tra thú y… thuộc quản lý của các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ. Tại những đơn vị trên, Tổ công tác đã trực tiếp trao đổi với các doanh nghiệp về những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc khi làm thủ tục kiểm tra chuyên ngành.
Nói về thủ tục kiểm tra chuyên ngành sau khi đi thực tế, ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP phải thốt lên rằng “như đi vào rừng rậm”. “Kiểm tra chuyên ngành chỉ làm thủ tục giấy tờ là chính. Kiểm tra nhiều khi chỉ bằng cảm quan, phụ thuộc nhiều vào chủ quan, thậm chí có hôm khó tính thì cái nhìn cũng khác. Trong khi thu của doanh nghiệp hơn một triệu đồng tiền phí”, ông Mai Tiến Dũng kể và cho rằng khoản phí 1,05 triệu đồng chỉ để làm thủ tục, hồ sơ này là cần xem xét lại.
“Tinh thần của Chính phủ là vẫn phải bảo đảm quản lý Nhà nước, không thể bỏ việc kiểm tra, nhưng phải thay đổi phương thức kiểm tra, áp dụng kiểm tra rủi ro, chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm”, ông Dũng nói.
Chính những “trải nghiệm”, va chạm có được từ chuyến đi thực tế ở Hải Phòng được ông Dũng nêu rõ tại cuộc làm việc với Bộ Y tế. Trong đó, ông Dũng cho rằng, nhiều khi việc kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực y tế, an toàn vệ sinh thực phẩm chỉ diễn ra trên giấy chứ không phải kiểm tra hàng hóa thật.
Giảm thủ tục để doanh nghiệp phát triển
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng hiện nay vẫn còn tình trạng, nhiều bộ, ngành độc quyền trong đánh giá sự phù hợp của sản phẩm. Có tình trạng bộ chỉ giao một cơ quan trên cả nước thực hiện giám định, khiến chi phí của doanh nghiệp đội lên rất lớn do vận chuyển hàng từ Bắc vào Nam, từ Nam ra Bắc chỉ để kiểm tra, giám định.
Theo ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, dư địa tăng trưởng quan trọng nhất của Việt Nam hiện nay không phải tiền mà chính là thể chế. Theo ông Thiên, hiện một số bộ ngành duy trì cơ chế xin cho, kéo thủ tục về phía mình, đẩy rủi ro cho xã hội. Nói là kiểm tra chặt chẽ nhưng không kiểm tra gì cả. Chúng ta làm thế này là kéo trách nhiệm về nhà nước, ôm không nổi”, ông Thiên cảnh báo.
Ông Mai Tiến Dũng cho biết, tới đây Tổ công tác của Thủ tướng sẽ tiếp tục làm việc với các bộ, ngành có liên quan về thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Sau đó, Tổ công tác sẽ chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành bàn giải pháp cắt giảm các thủ tục kiểm tra chuyên ngành.
Quyết liệt cắt giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các bộ, ngành thực hiện quyết liệt phương án cắt giảm các thủ tục kiểm tra chuyên ngành không cần thiết; các thủ tục kiểm tra chuyên ngành có sự chồng chéo giữa các bộ với nhau. Trong quá trình rà soát, sửa đổi và bổ sung danh mục sản phẩm, hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành, các bộ, ngành phải thực hiện theo hướng cắt giảm ít nhất 50% số mặt hàng trong danh mục hàng hóa nhóm 2 thuộc diện kiểm tra Nhà nước trước khi thông quan. Nhiệm vụ này các bộ phải hoàn thành trước tháng 6/2018.