Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, thống kê của các cơ quan cho thấy, mỗi năm thủ tục kiểm tra chuyên ngành tiêu tốn hơn 28 triệu ngày công, ngốn hơn 14 nghìn tỷ đồng. Điều này tạo ra rào cản cực lớn đối với doanh nghiệp.
“Như là vào rừng rậm với một mớ thủ tục. Có những mặt hàng điều chỉnh 3- 4 thủ tục ; 2-3 bộ quản lý. Chúng ta sinh ra thủ tục nhưng lại không làm thật. Kiểm tra bằng nhãn quan, thủ công, mắt nhìn dẫn đến việc “hôm nào nào khỏe thì nhìn tinh, hôm nào yếu thì nhìn kém, hôm nào khó tính cái là khác ngay, trong khi phải đóng hơn một triệu đồng/ hồ sơ”, ông Dũng nói.
Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nói: “Chúng ta “đánh chén” cái đất nước này đến mức nó không thể lớn được. Quá nhiều thủ tục, thủ tục gắn với lợi ích, có thủ tục là có làm khó, là có đánh chén”, ông Thiên nói và nhấn mạnh, dư địa tăng trưởng quan trọng nhất của Việt Nam hiện nay không phải là tiền mà chính là thể chế. Nhưng chính cơ chế đang trói buộc điều này.
Theo ông Thiên, hiện một số bộ ngành duy trì cơ chế xin - cho. “Nói là kiểm tra chặt chẽ nhưng không kiểm tra gì cả, cuối cùng đẩy rủi ro cho xã hội”, ông Thiên nói.
Có hay không chi phí ngầm cho hải quan ?
Đề cập chi phí không chính thức, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng yêu cầu Cục Hải quan Hải Phòng trả lời câu hỏi của Hiệp hội DN: Hải quan có quy định ngầm thu phí khi giải quyết thủ tục, yêu cầu nộp 50.000 đồng bộ tờ khai cho 1 container luồng xanh, còn luồng đỏ 100.000 đồng. “Đề nghị Cục trưởng Hải quan cho biết có hay không? Có thì phải thông báo hủy bỏ ngay”, Chủ nhiệm VPCP nói.
Ông Nguyễn Tiến Lộc, Cục trưởng Cục Hải quan Hải Phòng nói: “Không hề có bất kỳ một chủ trương nào như vậy”.
Tuy nhiên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế T.Ư Nguyễn Đình Cung cho rằng: “Chỗ “ngầm” chúng tôi đi hỏi rất nhiều người, mọi người trả lời tương đối giống nhau. Có thể anh em mình không có quy định như thế nhưng qua trung gian này dễ thực hiện, thực sự nhiều chi phí phi chính thức trên thực tế là có”. Ông Cung nói, hải quan có thể kiểm tra chứ không nên ngay lập tức phản ứng “không có”.
Đề nghị xóa bỏ hai trạm thu phí BOT trên QL 5
Nói về gánh nặng thuế, phí, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp vận tải của Hải Phòng đang rất khó khăn khi có đến 30-50% số phương tiện phải dừng hoạt động, trả lại phù hiệu do phí quá cao. “Chúng tôi tính ra mỗi tấn hàng vận chuyển lên Hà Nội chịu trên 30.000 đồng vận tải. Doanh nghiệp vận tải toàn phải trốn chui, trốn lủi vào các đường huyện, đường xã”, ông Thanh phàn nàn.
Ông Thanh đề nghị nên nghiên cứu xóa bỏ hai trạm BOT trên QL5 cũ để doanh nghiệp có thể lựa chọn đi lại trên đường cũ, chậm nhưng miễn phí. Ngược lại doanh nghiệp muốn đi nhanh, rút ngắn thời gian thì chọn đường cao tốc. “Người dân trong khu vực và doanh nghiệp rất bức xúc về việc đường cũ do ngân sách nhà nước làm mà phí “bỗng dưng” lại tăng gấp 4 lần so với trước. Không thể chấp nhận được”, ông Thanh nói.
Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng cho rằng, phí cầu đường quá cao cộng với phí sử dụng cơ sở hạ tầng cảng biển của Hải Phòng cũng tăng khiến doanh nghiệp rất khó khăn. “Cứ với đà tăng phí thế này vô hình chung các cơ quan lại đổ thêm khó khăn cho doanh nghiệp. Thủ tướng đã nói năm 2017 là năm giảm phí nên chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng xem xét giảm phí cho phù hợp”, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam nêu ý kiến.
Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đề nghị các cơ quan chức năng suy nghĩ nghiêm túc về hình ảnh “con đường mới làm thưa thớt xe chạy, còn đường cũ lại đông đúc”. “Chúng ta làm hai con đường mà hiện nay đi đường cao tốc thì lèo tèo mấy cái xe, còn một bên thì đông đúc. Chúng ta cần phải nhìn nhận đúng về vấn đề này”, ông Thiên nói.
Bên lề buổi làm việc, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết đã ghi nhận kiến nghị của Hiệp hội Vận tải ô tô và sẽ sớm báo cáo Thủ tướng xem xét. Đây là lĩnh vực thuộc quản lý nhà nước của Bộ GTVT, do vậy Tổ công tác của Thủ tướng sẽ trao đổi với bộ này để cùng tham gia giải quyết. “Ý kiến cá nhân tôi là đề xuất của Hiệp hội có phần hợp lý. Chủ trương của Chính phủ, của Thủ tướng hiện là nỗ lực giảm chi phí chính thức và không chính thức của doanh nghiệp”, ông Dũng nói.
Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nói: “Chúng ta “đánh chén” cái đất nước này đến mức nó không thể lớn được. Quá nhiều thủ tục, thủ tục gắn với lợi ích, có thủ tục là có làm khó, là có đánh chén”, ông Thiên nói và nhấn mạnh, dư địa tăng trưởng quan trọng nhất của Việt Nam hiện nay không phải là tiền mà chính là thể chế. Nhưng chính cơ chế đang trói buộc điều này.