Hải quan: Nhiều bất cập trong việc kiểm tra chuyên ngành

Lực lượng Hải quan Long An kiểm tra thực tế một lô hàng nhập khẩu. Ảnh: Tuấn Nguyễn
Lực lượng Hải quan Long An kiểm tra thực tế một lô hàng nhập khẩu. Ảnh: Tuấn Nguyễn
TPO - Ông Ngô Minh Hải, Cục phó Cục Giám sát quản lý về Hải quan, thuộc Tổng cục Hải quan, cho rằng hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, còn nhiều bất cập chưa được tháo gỡ.

Ngày 18/6 tại Hà Nội đã diễn ra buổi họp báo chuyên đề Giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành (KTCN) đối với hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK), ngày 18/6 ở Hà Nội.

Nhiều bất cập chưa được tháo gỡ

Tại buổi họp báo, ông Ngô Minh Hải cho rằng hoạt động KTCN còn tồn tại nhiều bất cập. Nguyên nhân chính bởi hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về KTCN ban hành quá nhiều, một số văn bản còn chồng chéo, phạm vi rộng; Nhiều mặt hàng chưa có mã số HS, chưa có đầy đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn để thực hiện việc kiểm tra.

Nhiều cơ quan KTCN vẫn kiểm tra thủ công, chưa áp dụng rộng rãi phương pháp quản lý rủi ro; chưa đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tiếp nhận xử lý hồ sơ, trao đổi dữ liệu thông tin, công nhận kết quả KTCN.

Ngoài ra, theo ông Hải, nguồn lực (nhân lực, tài chính, trang thiết bị máy móc, phượng tiện làm việc) cho KTCN còn nhiều hạn chế.

“Tại hầu hết các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu quốc gia đường bộ, đường biển, đường hàng không hiện nay đều chưa có đại diện của các cơ quan kiểm tra an toàn thực phẩm, chất lượng, tiêu chuẩn hàng hóa” – ông Hải cho hay.

Theo ông Hải,  việc kiểm tra hàng hóa nhập khẩu được các cơ quan này thực hiện trên mẫu hàng từ cửa khẩu gửi về phòng thí nghiệm trong nội địa hoặc được thực hiện tại kho bảo quản hàng hóa của doanh nghiệp. Thế nên thời gian thông quan hàng hóa bị kéo dài. 

Tổng cục Hải quan đã chủ trì phối hợp với các đơn vị chức năng và một số đơn vị kinh doanh kho cảng, tổ chức khai trương và đưa vào hoạt động 10 địa điểm kiểm tra chuyên ngành tập trung đối với hàng hóa xuất nhập khẩu tại 8 địa bàn hải quan nới có lưu lượng hàng hóa XNK nhiều. Tuy nhiên, các địa điểm này đã bộc lộ nhiều tồn tại, vướng mắc. 

Tổng cục cũng đã xây dựng cổng thông tin về kiểm tra chuyên ngành trong Cổng Thông tin một cửa quốc gia; Thiết lập cơ chế phối hợp giữa các đơn vị có liên quan trong hoạt động KTCN.

Sớm đưa vào hoạt động tổ công tác liên ngành

Theo Cục phó Cục Giám sát quản lý về Hải quan, để tháo gỡ những vướng mắc trên, Tổng cục Hải quan kiến nghị thay đổi căn bản phương thức quản lý, KTCN; Minh bạch hoá; Hiện đại hoá; Đẩy mạnh áp dụng thông lệ quốc tế. Đồng thời, đẩy mạnh tiến độ triển khai, kết nối Cổng thông tin một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN giữa doanh nghiệp với các đơn vị có liên quan trong lĩnh vực KTCN.

Bên cạnh đó, TCHD cũng kiến nghị sớm thành lập và đưa vào hoạt động Tổ Công tác liên ngành để triển khai các nhiệm vụ tại Quyết định số 2026/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.  

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, đến 30/6/2016 có 344 văn bản quy phạm pháp luật quy định về quản lý chuyên ngành, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK do các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước ban hành.

Trong đó có 21 Luật, pháp lệnh; 65 Nghị định, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; 258 Thông tư, quyết định của các Bộ, ngành liên quan đến các lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành như: Kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa; kiểm tra an toàn thực phẩm; kiểm dịch (động vật, thực vật, y tế); kiểm tra văn hóa; các quy định về cấp giấy phép XNK, điều kiện XNK hàng hóa...

MỚI - NÓNG