Về hoạt động xuất khẩu trong năm 2015, bên lề Hội nghị Tổng kết ngành Công Thương diễn ra mới đây, Bộ trưởng Hoàng cho biết, trong năm qua, nhiều hàng hóa, sản phẩm có lợi thế giá bị giảm nhiều, đặc biệt như dầu thô, giảm đến 70% so với năm 2014; một số hàng hóa nông sản, thủy sản giảm sâu.
"Đây là yếu tố khách quan. Nếu như những mặt hàng này, nhất là dầu thô không giảm giá sâu như vậy thì chắc chắn mục tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu 2015 của Việt Nam hoàn toàn có thể thực hiện được, thậm chí là cao hơn", ông nói.
Bộ trưởng lấy ví dụ, trừ kim ngạch xuất khẩu dầu thô còn lại thì tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam cũng đạt trên 10% năm 2015 so với năm 2014. Tuy nhiên, để năm 2016 đạt được mục tiêu mà Quốc hội đã giao cho ngành Công Thương là tăng trưởng xuất khẩu ít nhất 10% thì theo Bộ trưởng, đầu tiên phải thực thi tốt các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết và tận dụng được những ưu đãi mà Hiệp định này mang lại cho xuất khẩu của Việt Nam.
Bộ trưởng cũng cho rằng, cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong xuất khẩu. Các thủ tục về hải quan, các thủ tục về cấp phép phải được thông thoáng hơn, phải được dễ dàng hơn. Qua đó, doanh nghiệp xuất khẩu sẽ tiết kiệm được thời gian, chi phí, từ đó làm cho hàng hóa Việt Nam có tính cạnh tranh hơn.
Đồng thời, phải tìm kiếm thêm những thị trường mới bên cạnh thị trường truyền thống; phối hợp tốt giữa các bộ ngành và thực thi nghiêm túc những cam kết khi Cộng đồng ASEAN đi vào hoạt động từ ngày 31/12/2015.
"Lâu nay chúng ta vẫn tập trung vào Châu Âu, Hoa Kỳ, các nước Đông Bắc Á… nhưng thị trường Châu Phi hay thị trường Liên bang Nga, thị trường các nước thuộc khối SNG là những thị trường chúng ta cần phải coi trọng. Ngoài ra, nếu thực thi nghiêm túc thỏa thuận của Việt Nam đã đạt được khi gia nhập Cộng đồng ASEAN thì chắc chắn năm 2016 xuất khẩu sẽ thuận lợi hơn năm 2015", Bộ trưởng phát biểu.
Chia sẻ thêm về hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do đã và sắp được ký kết, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho hay: "Nhằm bắt kịp các hội nhập đặt ra trong bối cảnh chúng ta đã ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do, công tác đầu tiên tôi cho rằng là phải chú trọng thông tin tuyên truyền".
Theo Bộ trưởng, cần phải tổ chức thông tin tuyên truyền đến tận cộng đồng doanh nghiệp, những người là đối tượng cũng là những người thực hiện những cam kết đó; đến toàn thể xã hội làm cho mọi người hiểu rõ hơn, hiểu một cách đầy đủ nội dung của các Hiệp định và qua việc hiểu rõ như vậy thì sẽ khai thác tận dụng được những ưu đãi do các Hiệp định mang lại cho Việt Nam. Đồng thời cũng chủ động ứng phó với những khó khăn thách thức mà trong quá trình thực thi sẽ xuất hiện.
Công tác thứ hai là tiếp tục hoàn thiện những khuôn khổ về pháp luật, bởi những Hiệp định thương mại tự do đặt ra cho chúng ta bên cạnh hệ thống pháp luật hiện có nhất là hệ thống pháp luật về kinh tế thì cần phải tiếp tục ban hành một số luật mới hoặc sửa đổi bổ sung luật hiện nay đã có nhưng chưa phù hợp, tạo khuôn khổ thuận lợi về pháp lý cho hội nhập.
"Về công tác thực thi, trước hết ngành Công Thương phải là ngành đi đầu trong triển khai thực hiện các nội dung, mục tiêu của các Hiệp định thương mại tự do, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, các địa phương trong quá trình thực hiện các cam kết và cuối cùng là tìm mọi biện pháp để động viên, khuyến khích, tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp tham gia một cách có hiệu quả vào các Hiệp định thương mại tự do", ông nói thêm.