Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Tạo – Lâm Đồng nêu: Công tác kiểm tra chuyên ngành với hàng hoá XNK trong thời gian qua là trở ngại lớn với DN. Việc kéo dài thời gian thông quan của hàng hoá tại các cửa khẩu làm tăng chi phí, gây phiền hà cho DN? Bộ Tài chính là đơn vị thường trực Uỷ ban quốc gia về tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại, Bộ trưởng có giải pháp để góp phần nâng cao chất lượng công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hoá XNK, thúc đẩy và làm lành mạnh hoá hơn hoạt động XNK?
Qua báo cáo triển khai thực hiện nhiệm vụ KTXH 2017 cho thấy, nợ công là mối quan tâm lớn của cử tri. Nợ công đã sát trần cho phép, rủi ro lớn. Do KTXH còn nhiều khó khăn, tỷ lệ huy động thuế, phí/GDP giảm chưa đạt mục tiêu đề ra trong khi đó Chính phủ vẫn thực hiện đàm phán ký kết khoản vay mới? Điều này ảnh hưởng thế nào trong kiểm soát chi tiêu nợ công? Bộ trưởng cho biết giải pháp quản lý rủi ro?
Đại biểu Bùi Thu Hằng – Hoà Bình đặt vấn đề: Hiện ngành thuế có nhiều biện pháp quản lý hoá đơn bán hàng. Tuy nhiên tình trạng DN, hộ kinh doanh bán hàng không xuất hoá đơn diễn ra phổ biến, chỉ xuất hoá đơn khi chi tiêu từ NSNN. Thói quen mua hàng không lấy hoá đơn của người dân đã tạo kẽ hở cho hộ kinh doanh, DN kê khai giảm doanh thu bán hàng từ đó giảm lợi nhuận để tránh thuế thu nhập doanh nghiệp. Tình trạng này không chỉ gây thất thoát nguồn thu cho NSNN mà còn gây mất công bằng trong thực hiện nghĩa vụ thuế? Giải pháp của Bộ như thế nào?
Đại biểu Vũ Thị Thuỷ - Hải Dương chất vấn: Trong thời gian qua, tình trạng chuyển giá có chiều hướng gia tăng? Bộ có giải pháp là gì?
Đại biểu Trần Hoàng Ngân, TP HCM nêu: Đánh giá cao nỗ lực của ngành Tài chính trong thời gian vừa qua. Năm 2017, ngành tài chính đã kiểm soát chi chặt chẽ hơn, kéo giảm bội chi ngân sách, nợ công từ 63,6% còn 62,6%. Tuy nhiên nợ gốc và lãi vay phải trả tăng rất nhanh. Năm 2010 chỉ khoảng 100 nghìn tỷ, đến 2017 đã lên tới 250 nghìn tỷ tỷ đồng. Bộ trưởng chịu trách nhiệm chính về quản lý nợ công quốc gia, Bộ trưởng có giải pháp cụ thể thế nào để đảm bảo an toàn nợ công nhưng vẫn đảm bảo nguồn vốn cho đầu tư phát triển? Bộ trưởng nêu giải đáp thêm về những giải pháp cụ thể để cải cách hành chính tích cực hơn?
Sau phiên chất vấn, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng sẽ lần lượt trả lời những vấn đề mà ĐBQH nêu.