Theo Bộ trưởng Cường, sau một thời gian, độ che phủ rừng đã tăng từ 28% lên 41,19% trong năm 2017. Mục tiêu cao nhất là đến năm 2020, mức độ che phủ 42%. Cùng đó, hình thành nền ngành kinh tế lâm nghiệp đạt 40.000 tỷ đồng, tốc độ tăng 5-6%/năm, giá trị xuất khẩu đồ gỗ 8,5 tỷ USD.
Bộ trưởng Cường cho biết, để đạt mục tiêu trên, với 14,3 triệu ha rừng, trong đó 10,2 triệu ha rừng tự nhiên kiên quyết giữ bằng được. “Kiên quyết không cho các dự án xâm phạm vào diện tích này, trừ trường hợp dự án quốc phòng, an ninh, hoặc dự án đặc biệt phải báo cáo Thủ tướng chính phủ.
Theo người đứng đầu ngành nông nghiệp, sau một năm Thủ tướng yêu cầu đóng cửa rừng tự nhiên, năm tiếp tục thực hiện. Cùng với đó, sẽ thâm canh 4,1 triệu ha rừng trồng, cung cấp lượng gỗ cho ngành chế biến.
Vừa qua, Thủ tướng đã có quyết định về chương trình phát triển rừng bền vững giai đoạn đến 2016 đến năm 2020, trong đó, tổng đầu tư trong 5 năm tới là 14.900 tỷ đồng, trong đó xây dựng cơ bản hơn 9.000 tỷ đồng, và vốn sự nghiệp hơn 5.000 tỷ đồng. Thủ tướng cũng vừa quyết định phê duyệt 1.200 tỷ đồng cho chương trình năm 2017.
Ngoài ra, hiện nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng cũng tăng nhanh. Năm 2016 thu 1.200 tỷ đồng, năm nay với nguồn nước lớn dự kiến sẽ đạt 1.500 tỷ đồng. Thủ tướng cũng cho phép thu 20 lên 36 đồng/kWh, và nếu áp dụng, dự kiến nguồn thu từ phí dịch vụ môi trường rừng năm nay sẽ tăng lên khoảng 2.000 tỷ đồng
Theo Bộ trưởng Cường, hiện có tới 42 tỉnh, thành được thụ hưởng từ nguồn thu này, nhằm tăng cường khoanh nuôi bảo vệ, giúp người dân dựa vào rừng ổn định cuộc sống. Ngoài ra, còn có Nghị định 75 của Chính phủ, tập trung đầu tư cho đồng thảo thiểu số, gắn với xóa nghèo bền vững, trong đó, hỗ trợ 400 nghìn đồng/ha cho đồng bào khi tham gia giữ rừng.
Co gọn số lượng phân bón
Liên quan đến lĩnh vực phân bón, Bộ trưởng Cường cho biết, hiện nay, lĩnh vực phân bón đã được chuyển về một đầu mối là Bộ NN&PTNT quản lý. Hiện Bộ đã xây dựng và trình Chính phủ ký về nghị định 108, thay cho nghị định 202 trước đây (lúc đó, phân bón giao cho 2 Bộ Công Thương và NN&PTNT quản lý).
Theo ông Cường, Bộ cũng đang tiếp nhận bàn giao quản lý mảng phân bón vô cơ từ Bộ Công Thương. Cùng đó, đang xây dựng nghị định về xử phạt trong lĩnh vực phân bón. “Đây là vấn đề phức tạp, gây thiệt hại lớn cho nông dân, nên mức xử phạt tăng lên, chế tài kèm theo mức độ quyết liệt, thậm chí chỗ nào vi phạm, sẽ trình Thủ tướng dùng sản xuất”- ông Cường nói.
Tuy nhiên, Bộ trưởng NN&PTNT cũng cho rằng, quản lý phân bón là nhiệm vụ nặng nề, không một sớm một chiều xử lý hết được. Hiện có tới 14.000 loại phân bón, trong đó 96% là phân bón vô cơ, có tới trên 700 nhà máy sản xuất phân bón, với công suất gấp 3 lần nhu cầu hiện nay…
“Tôi đã trực tiếp với Bộ Công thương, tới đây phải làm quyết liệt, không chỉ bàn giao lại mà tới đây phải phối hợp, để giải quyết các vấn đề, trên cơ sở nguyên tắc, gọn bớt đầu mối, gọn sản phẩm và tăng dần sản phẩm phân hữu cơ, giảm dần số lượng phân bón hữu cơ, tăng cường kiểm soát”- ông Cường nói.
Tái cơ cấu thích ứng với biến đổi khí hậu, thị trường
Theo Bộ trưởng Cường, quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gặp rất nhiều áp lực, điều kiện bắt buộc phải xử lý, nhưng nổi lên chính là tính thích ứng với biến đổi khí hậu và thích ứng với thị trường.
Trong 2 năm qua, bức tranh về diễn biến của biến đổi khí hậu cho thấy ngày càng cực đoan hơn, gay gắt hơn, có nhiều dị thường hơn cả kịch bản, gây tổn thất nghiêm trọng. Do vậy, quá trình tái cơ cấu phải coi đây nguyên tắc cơ bản để thực hiện tái cơ cấu, từ quy mô ngành hàng cấp quốc gia, ngành vùng và ngành địa phương.
Với thị trường, hiện nay sản xuất nông nghiệp không chỉ đáp ứng trong nước còn xuất khẩu đi 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Kim ngạch xuất khẩu bình quân những năm qua trên 30 tỷ USD và dự kiến năm 2017 đạt 35 tỷ USD.
Theo ông Cường, chúng ta đi vào nền kinh tế mở, nên cũng phải chấp nhận các mặt hàng nông sản nước ngoài vào nước ta. Do vậy, cần xác định các sản phẩm có thế mạnh, có sức cạnh tranh về số lượng, chất lượng, thì mới cạnh tranh được.
Bộ trưởng Cường cho rằng, với nếu tập trung làm quyết liệt, chúng ta sẽ làm được, tạo ra lợi thế cạnh tranh. Chẳng hạn, Đồng bằng sông Cửu Long là một vựa nông sản là lúa gạo, thủy sản, trái cây. Nhưng nay, chúng ta “xoay” theo trục thứ tự là thủy sản, trái cây và lúa gạo. Bởi khi phải đối mặt với nước biển dâng, nước ở thượng nguồn cũng như dòng chảy thay đổi buộc phải chọn mặt hàng lợi thế nhất.
Trong thủy sản, tôm và cá tra thành mặt hàng lợi thế để tập trung sản xuất. Vừa qua, Thủ tướng đã trực tiếp chỉ đạo, xây dựng mặt hàng tôm thành ngành hàng chủ lực, với kim ngạch đến năm 2025, có thể ngành hàng có thể đạt kim ngạch xuất khẩu 8-10 tỷ USD.
Theo Bộ trưởng Cường, ngành nông nghiệp đang bám vào 3 trục sản phẩm. Trong đó, nhóm sản phẩm quốc gia gồm 10 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD.
Nhóm thứ hai là các sản phẩm cấp tỉnh, có các sản phẩm đặc sản, có quy mô sản xuất hàng hóa lớn như: Xoài Cao Lãnh; rau, hoa Đà Lạt, nhãn lồng Hưng Yên, cam Cao Phong… Và nhóm thứ 3 là nhóm “mỗi làng một sản phẩm”, mỗi khu vực lân cận, các xã, có các sản phẩm đặc thù, đặc sản.
“Cùng một lúc chúng ta làm 3 nhóm sản phẩm trên, áp dụng công nghệ cao, lực chọn sản phẩm phù hợp, thích ứng với biến đổi khí hậu, có tín hiệu thị trường để tổ chức ngành hàng, thì tái cấu nông nghiệp sẽ đi đúng và chúng ta đi theo hướng đó”, ông Cường nói.