Đồi cán bộ
Từ năm 2007, Công ty lâm nghiệp Quảng Tín (giải thể năm 2016) đã giao khoán đất rừng theo Nghị định 135/2005/NĐ-CP của Chính phủ cả quả đồi cho cán bộ và cả người nhà cán bộ tỉnh ở xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức.
“Quả đồi cán bộ”, theo cách gọi của dân địa phương nằm ở buôn Đing Đu (tiểu khu 1523, xã Đắk Ngo) được giao cho vợ chồng ông Đoàn Văn Quỳnh - Giám đốc Sở Nội vụ Đắk Nông, ông Nguyễn Xuân Vinh - con trai ông Nguyễn Văn Thử (nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông) và nhiều người thân cán bộ khác trong tỉnh. Trên diện tích hơn 13 ha đất rừng được giao khoán năm 2007 đứng tên ông Quỳnh, có khoảng 10 ha bị chặt phá để trồng cao su.
Toàn bộ diện tích hơn 15 ha đất rừng ở buôn Đing Đu được công ty này giao khoán cho bà Nguyễn Thị Quốc (vợ ông Quỳnh), cũng bị phá không còn cây rừng nào. Trao đổi qua điện thoại, ông Quỳnh cho biết: “Trước đây, tôi làm kế toán Lâm trường Quảng Tín (sau đổi thành Công ty lâm nghiệp Quảng Tín - PV) nên thuộc diện được nhận giao khoán đất rừng theo Nghị định 135, nhưng ngay khi tôi vừa nhận giao khoán thì bị ông Điểu Định (Bí thư Đảng ủy xã Đắk Rtih, huyện Tuy Đức) xâm chiếm hơn 4 ha để trồng cao su. Còn diện tích giao khoán vợ tôi nhận, gia đình đã trả lại công ty vào năm ngoái(?!)”. Trên cùng quả đồi, hơn 23 ha đất rừng được công ty này giao khoán cho ông Nguyễn Xuân Vinh vào năm 2009 cũng đã bị chặt phá hết để trồng cao su.
Công ty Quảng Tín còn giao khoán theo Nghị định 135 hàng chục hécta đất rừng ở xã Đắk Ngo cho anh em ông Điểu K’Bốt - Bí thư Huyện ủy Tuy Đức, để trồng cây công nghiệp. Ngay cả ông Thân Văn Minh - nguyên Giám đốc Công ty Quảng Tín, cũng nhận giao khoán hơn 21 ha đất rừng ở xã Đắk Ngo để trồng cây công nghiệp vào năm 2010. Cùng năm đó, ông Thân Văn Minh còn kí hợp đồng giao khoán cho em mình là ông Thân Văn Nguyện hơn 21 ha ở xã này để trồng cây công nghiệp. Trong khi đó, cuộc sống dân nghèo nơi đây rất khó khăn vì không có đất canh tác.
Cấp sổ đỏ đất 135
Tại huyện Đắk Song, Công ty lâm nghiệp Trường Xuân đã giao cho ông Nguyễn Thanh Sơn (nguyên Ủy viên Ban thường vụ, Bí thư Đảng ủy khối các cơ quan tỉnh Đắk Nông) quản lý, bảo vệ hơn 13 ha rừng thông. Năm 2014, UBND huyện Đắk Song còn làm tờ trình xin nhận về địa phương diện tích rừng thông trên để cấp sổ cho gia đình ông Sơn. Các cơ quan chức năng tỉnh đã kiểm tra và dừng việc cấp sổ cho gia đình ông Sơn khi phát hiện việc làm sai trái này. Ở huyện Đắk Song, gia đình ông Sơn còn được huyện Đắk Glong cấp sổ đỏ hơn 54 ha đất rừng của Công ty Gia Nghĩa trả về cho địa phương tại xã Quảng Khê, nằm trải dài dọc quốc lộ 28 và suối Đắk Long. Trên diện tích này, chủ nhân đã trồng cà phê, trồng keo, nuôi bò và dựng 5 ngôi nhà cấp 4.
Khi còn làm Bí thư Huyện ủy Đắk Glong, gia đình ông Hoàng Duy Chuyển (nguyên Giám đốc Sở TN&MT Đắk Nông) cũng được Công ty LN Gia Nghĩa giao hơn 82ha đất rừng tại xã Đắk Ha (huyện Đắk Glong) để canh tác. Sau đó gia đình ông này sang nhượng, chuyển đổi trái phép cho nhiều người. Theo một lãnh đạo Thanh tra tỉnh Đắk Nông, sai phạm trong việc sử dụng đất được giao khoán của ông Chuyển “rất nghiêm trọng” và “đến mức phải xử lý hình sự”. Tại thị xã Gia Nghĩa, cựu Chủ tịch UBND thị xã Gia Nghĩa Ngô Văn Linh và 2 cán bộ khác cũng nhận giao khoán đất rừng theo Nghị định 135 sai quy định. Một lãnh đạo thị xã Gia Nghĩa cho hay, Công an Đắk Nông đang điều tra đơn tố cáo ông Linh sử dụng sai trái hơn 60 ha đất rừng của Công ty Gia Nghĩa giao khoán cho ông này tại xã Đắk Ha.
Phá rừng hợp pháp?
Theo một cựu cán bộ lãnh đạo Tỉnh ủy Đắk Nông, việc các công ty lâm nghiệp giao khoán đất rừng theo Nghị định 135 cho cán bộ để họ sử dụng sai mục đích đã góp phần mở đường “phá rừng hợp pháp”.
Ngay sau Nghị định 135/2005/NĐ-CP về giao khoán đất rừng của Chính phủ, vào ngày 16/2/2006, ông Đỗ Thế Nhữ nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, đã ký công văn số 243/UBND-NL cho phép Lâm trường Quảng Tín được giao khoán đất rừng và trồng rừng kết hợp trên diện tích Nhà nước đã giao cho lâm trường quản lý. Đồng thời, nhiều lâm trường khác trên địa bàn tỉnh như: Trường Xuân, Quảng Khê, Đức Hòa, Thuận Tân… cũng được tỉnh cho phép giao khoán đất rừng theo Nghị định 135. Thấy các lâm trường này giao khoán tràn lan sai đối tượng, người dân địa phương và dân di cư tự do đã ồ ạt nhảy vào xâm chiếm, chặt phá rừng.
Đến ngày 2/6/2011, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông lúc bấy giờ là ông Lê Diễn (hiện làm Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông) đã ký quyết định số 745/QĐ-UBND cho phép Công ty Quảng Tín thực hiện việc trồng cao su và quản lý bảo vệ rừng trên hơn 1.000ha diện tích giao khoán theo Nghị định 135 (trong đó trồng cao su hơn 724ha, quản lý bảo vệ rừng hơn 360ha), tại các tiểu khu 1523, 1524, 1527 của xã Đắk Ngo và Quảng Trực, huyện Tuy Đức. Dựa vào đó, các công ty lâm nghiệp đã cho những người nhận giao khoán đất chuyển đổi mục đích sử dụng rừng ồ ạt, khiến hàng nghìn hécta rừng tự nhiên bị triệt hạ không thương tiếc.
Hàng trăm cán bộ “nhúng chàm”
Theo UBND tỉnh Đắk Nông, qua kiểm tra việc giao khoán đất rừng sản xuất theo Nghị định 135 tại Công ty Quảng Tín, Gia Nghĩa và Thuận Tân, tỉnh đã phát hiện có 226/393 hợp đồng giao khoán không đúng đối tượng. Trong số hợp đồng không đúng đối tượng, tỉnh đã xác định được 51 trường hợp liên quan đến cán bộ, công chức ở các cấp. Còn tại hội nghị giao ban báo chí tổ chức vào ngày 5/10/2017, ông Nguyễn Bốn - Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, cho biết: Từ nay tới cuối năm, chúng tôi sẽ tập trung xử lý quyết liệt những cán bộ vi phạm. Hiện chúng tôi đã xác định được hàng trăm cán bộ, đảng viên dính dáng đến việc sử dụng và chuyển đổi đất rừng trái phép.
Ngày 25/10, một cán bộ lãnh đạo Tỉnh ủy Đắk Nông cho biết: Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thành lập tổ công tác để kiểm tra, xử lý việc giao đất cho ông Nguyễn Thanh Sơn nguyên Bí thư Đảng ủy khối các cơ quan tỉnh Đắk Nông, và ông Lê Ân Tình nguyên Trưởng Công an huyện Đắk Song. “Trên cơ sở báo cáo của tỉnh, tổ công tác của Ủy ban Kiểm tra Trung ương sẽ làm rõ những sai phạm, trách nhiệm liên đới đối với việc giao đất cho ông Sơn và ông Tình. Sau đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương giao trách nhiệm xử lý cán bộ liên quan cho tỉnh”, vị lãnh đạo cho hay.
Trong khi đó, Đoàn thanh tra của Ủy ban Dân tộc Quốc hội cũng đang tiến hành đợt làm việc kéo dài 1 tháng để thanh tra toàn diện việc giao đất rừng sản xuất theo Nghị định 135/2005/NĐ-CP của Chính phủ tại tỉnh Đắk Nông.