Biến đất rừng 135 thành… vườn nhà cán bộ

Cây rừng bị triệt hạ trên đất rừng mà ông Tình đã bán lại cho bà Thu Anh.
Cây rừng bị triệt hạ trên đất rừng mà ông Tình đã bán lại cho bà Thu Anh.
TP - Nhiều năm qua, các Cty lâm nghiệp Đắk Nông giao khoán hàng nghìn hécta đất rừng theo Nghị định 135/2005/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ, nhưng lại giao sai đối tượng cho... hàng trăm cán bộ, biến những vùng rừng tự nhiên quý giá thành đất rẫy, vườn nhà, khiến dân chúng bất bình. Nhiều kẻ cơ hội tranh thủ thời cơ, phá rừng ồ ạt.

Kỳ 1: Đua nhau chiếm đất rừng để… bán!

Lợi dụng chính sách giao khoán đất rừng theo Nghị định 135, nhiều cán bộ cấp huyện, cấp tỉnh không thuộc diện được giao rừng vẫn nhận hàng chục hécta rừng và đất rừng để canh tác, sử dụng, chuyển đổi, sau đó sang nhượng lại cho người khác thu lợi bất chính.

Bán đất rừng?

Theo Kết luận Thanh tra của UBND tỉnh Đắk Nông, vào năm 2010, khi ông Lê Ân Tình còn làm Trưởng Công an huyện Đắk Song, Cty lâm nghiệp Thuận Tân đã ký hợp đồng giao khoán sai quy định cho ông Tình 28ha đất rừng tại khoảnh 6, tiểu khu 1124, thuộc lâm phần xã Thuận Hà, huyện Đắk Song. Sai là bởi Nghị định 135 đã quy định: Đối tượng được giao khoán đất rừng phải là người hộ khẩu thường trú tại nơi có rừng, trực tiếp làm nghề nông - lâm nghiệp để sinh sống.

Sau một thời gian nhận giao khoán, ông Tình đã liên kết trồng tiêu, trồng cây muồng với bà Nguyễn Thị Thu Anh (cựu Giám đốc bảo hiểm xã hội huyện Đắk Mil, vợ ông Bùi Bàng - Phó trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Đắk Nông) trên diện tích 11,6 ha. Ông Tình còn cho ông Đinh Văn Đức (người làm thuê cho ông Tình) 2,3 ha, ông Đức bán lại cho ông Phan Cảnh Trọng lấy 430 triệu đồng. Ngoài diện nhận liên kết với ông Tình, bà Thu Anh còn tự ý sử dụng 1ha đất trống (đất rừng bị phá năm 2013 - 2014 của Cty lâm nghiệp Thuận Tân quản lý) để trồng tiêu và trồng muồng.

Trong vai người đi mua đất rẫy trồng tiêu, chúng tôi tìm đến tiểu khu 1124 để hỏi mua diện tích đất rừng mà bà Nguyễn Thị Thu Anh đang canh tác. Nằm trải dài hơn 100m mặt tiền quốc lộ 14C, khu đất này có địa thế rất đẹp. Cách đây 5 năm, khi chúng tôi đi qua đây vẫn thấy nhiều cây rừng xanh tốt nằm trên đất này. Nhưng bây giờ, tuyệt nhiên không thấy bóng cây rừng nào cả, chỉ thấy khoai lang, tiêu, muồng… được trồng lên. Từ quốc lộ lội bộ theo đường đất vào 20m, chúng tôi gặp bà Thu Anh trong căn nhà gỗ cấp 4 dựng trên đất rừng. Thấy chúng tôi hỏi mua đất, bà Anh vui mừng mời vào uống nước và dừng ngay cuộc họp bàn công việc với 5 người làm công.

Theo bà Thu Anh, trước đây bà nhận giao khoán lại từ ông Tình với diện tích 28 ha, hiện còn lại khoảng 15 ha vì bị người dân xâm chiếm. Trên diện tích đó, bà đã trồng được 4 ha tiêu và khoảng 3 ha cây muồng. Khi chúng tôi hỏi diện tích đất này giờ thuộc sở hữu của ai, bà Thu Anh bảo rằng là của mình vì đã mua lại từ ông Tình. “Tôi và ông Tình làm hợp đồng giao khoán chỉ là giấy tờ giả thôi, còn thực chất ông Tình đã bán cho tôi bằng giấy viết tay với giá 3 tỷ đồng rồi (!?). Đất này chưa được cấp sổ đỏ, nhưng Cty đã giải thể rồi nên mai mốt họ sẽ trả đất về cho huyện để làm sổ đỏ cho dân mà thôi. Các anh yên tâm đi”, bà Thu Anh trấn an.

Biến đất rừng 135 thành… vườn nhà cán bộ ảnh 1

Rừng giao khoán của Cty TNHH Gia Nghĩa bị người dân chặt phá để lấy đất sản xuất.

Phá rừng vì... không hiểu Nghị định 135?

Trả lời PV về vấn đề này, ông Lê Ân Tình thanh minh: “Thật ra tôi cũng không hiểu lắm về Nghị định 135 của Chính phủ, với lại tôi có nhiều cháu họ ở trong xã Thuận Hạnh. Lúc đó tôi hỏi Cty lâm nghiệp Thuận Tân thế có nhận được không, họ bảo được thì tôi nhận cho các cháu làm”. Không rõ sau khi nhận khoán ông Tình đã làm gì, mà khoảng 22 ha rừng tự nhiên phải khoanh nuôi bảo vệ (trong tổng số 28ha nhận khoan - PV) bị chặt phá hoàn toàn. Diện tích này biến thành nhà ở, trang trại, các công trình phục vụ sản xuất. Ông Tình phủ nhận việc bán đất cho bà Thu Anh: “Chị Thu Anh nói đùa thôi vì tôi vẫn là chủ đất. Giữa tôi với chị ấy chỉ liên kết, hai bên cùng đầu tư và chia lợi nhuận mà thôi”.

Nguyên Trưởng Công an huyện không hiểu Nghị định 135, còn 2 phó công an xã Thuận Hạnh đang đương chức thì hiểu, nhưng lại nhận đất rừng bằng… tên vợ. Theo kết luận thanh tra của UBND tỉnh Đắk Nông, ông Nguyễn Văn Lũy - tên vợ là Hoàng Thị Hợi - được Cty lâm nghiệp Thuận Tân giao 8,8 ha rừng tự nhiên, còn ông Đặng Đình Văn - tên vợ là Phạm Thị Mai - được giao 15 ha. Thậm chí, cả người nhà cán bộ cũng được giao đất rừng, như ông Phạm Văn Quyết - em vợ Phó Công an xã Đặng Đình Văn - được giao 17 ha rừng. Cả 3 người này đều được giao đất rừng trong các năm 2011 - 2012. Trong diện tích giao khoán này, có 26 ha rừng tự nhiên phải bảo vệ, nhưng đến thời điểm này đã sạch bóng cây rừng.

Một cán bộ Công an huyện Đắk Song là ông Trần Văn Dương cũng được Cty Thuận Tân ưu tiên giao đất rừng trái quy định. Theo kết luận thanh tra của Sở TN&MT Đắk Nông, vào năm 2007, Cty này ký hai hợp đồng kinh tế trái quy định giao 16,7 ha đất rừng tại xã Thuận Hà (huyện Đắk Song) cho ông Dương trồng rừng, chăm sóc, quản lý và bảo vệ. Sau khi bàn giao đất, Cty này cung cấp toàn bộ giống, cây trồng, như: xoan, keo, muồng… để ông Dương trồng trên đất rừng. Đã thế, ông Dương còn đi lấn chiếm thêm diện tích  khác được giao khoán để trồng cây công nghiệp. Đến cuối năm 2011, UBND huyện Đắk Song thu hồi 6 ha đất của ông Dương để thực hiện dự án ổn định dân di cư tự do, cũng không quên “ưu ái” bồi thường cho ông Dương trái quy định số tiền 740 triệu đồng.

(Còn nữa)

Chưa thấy công an xử lý sai phạm?

Theo một lãnh đạo Thanh tra tỉnh Đắk Nông, việc ông Lê Ân Tình - nguyên Trưởng công an huyện Đắk Song, sang nhượng đất giao khoán theo Nghị định 135 cho nhiều người là vi phạm pháp luật. “Trong kết luận thanh tra về Cty lâm nghiệp Thuận Tân, Thanh tra tỉnh đã đề xuất chuyển cơ quan điều tra xử lý những sai phạm trong việc giao đất 135 ở công ty này. Tại nhiều cuộc họp với tỉnh, tôi đã chỉ ra nhiều sai phạm đến mức phải xử lý hình sự của ông Tình, không hiểu sao đến bây giờ vẫn chưa thấy cơ quan Công an đả động gì đến ông ta cả ?”, vị lãnh đạo này bức xúc.

MỚI - NÓNG