Phun thuốc diệt cỏ để lấy lại đất rừng

Nhiều diện tích rừng bị phá làm nương rẫy. Ảnh: L.T
Nhiều diện tích rừng bị phá làm nương rẫy. Ảnh: L.T
TP - Để thu hồi phần đất mà dân nghèo đã lấn chiếm, phá rừng làm nương rẫy, Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Rsai, xã Ia Rsai, huyện Krông Pa, Gia Lai đã phải phun thuốc cỏ cháy thiêu rụi hoa màu...

Hơn 18.000 ha rừng do Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Rsai quản lý từng ngày bị dân đốt phá không thương tiếc để lấy đất làm nương rẫy. Nhắc nhở, tuyên truyền không được, Ban quản lý lập biên bản, chuyển hồ sơ những hộ dân vi phạm đến Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa xử lý. Dù vậy, tình trạng này vẫn tiếp diễn, bởi theo các biên bản lời khai, biết đó là hành vi trái pháp luật nhưng các hộ dân vẫn làm vì thiếu đất sản xuất.

Bất lực trước các hộ dân đã ký can kết vẫn tái phạm, Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Rsai đành phối hợp UBND xã Ia Rsai phun thuốc cỏ cháy vào hơn 10 ha hoa màu, có nơi nhổ tận gốc để thu hồi phần đất lấn chiếm.

Nhìn vạt rẫy hoa màu chết rụi, ông Rơ Ô Líu (buôn Chư Jú, xã Ia Rsai) buồn bã kể, mới ra ở riêng, cha mẹ ít đất, nhà lại nhiều anh em. “Nhà nghèo, mình không đủ gạo cho 4 đứa nhỏ ăn, đành cầm dao chặt cây của Nhà nước lấy 3 sào đất trồng cây lúa xuống. Lúa mình được 3 tháng, lớn nhanh lắm, nghĩ mùa này sẽ có gạo cho mấy đứa nhỏ thì bị cán bộ phun thuốc chết hết, sắp tới cũng không biết lấy gì ăn nữa”, ông nói rồi đăm đăm nhìn mấy đứa con nhỏ cầm miếng cơm cháy nhai ngon lành.

Theo ông Vũ Đức Dân, Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Rsai, việc phạt hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự hành vi hủy hoại rừng rất khó vì đa số là người Jrai có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Để chấm dứt tình trạng biến rừng thành nương rẫy cần có chế tài, chính sách hỗ trợ dân trồng rừng, hưởng lợi từ rừng mới có tác dụng lâu dài. 

“Đây là cách bất đắc dĩ mà chúng tôi dùng để lấy lại diện tích mà người dân lấn chiếm. Để xảy ra tình trạng phá rừng làm nương rẫy cũng một phần do sự bất cập trong phân bổ dân cư. Trên địa bàn xã Ia Rsai có buôn H’lang trước đây thuộc xã Chư Rcăm, do sụt lở trên sông Ba, người dân mất đất sản xuất, buộc phải dồn vào xã Ia Rsai sinh sống. Đất ở thì đã có nhưng 85 hộ dân này vẫn thiếu đất sản xuất trầm trọng”, ông Dân giải thích.

Trao đổi về vấn đề đúng sai của Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Rsai áp dụng với 85 hộ dân, ông Trương Quốc Dụng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa, nói: “Sau khi đi kiểm kê, với diện tích đất người dân lấn chiếm trên núi, chúng tôi kiên quyết thu hồi lại, giao lại doanh nghiệp trồng rừng. Những diện tích ở chân núi, bìa rừng có hai phương án: đất người dân đã sống ổn định lâu dài thì cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giao thẳng cho dân sản xuất nông nghiệp; và Nhà nước hỗ trợ gạo, giống cây để người dân trồng rừng, hưởng 100% giá trị sản phẩm từ việc bán cây. Tuy đúng chủ trương, nhưng cách thực hiện Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Rsai làm chưa tế nhị, nên người dân không nghe, phản ứng gay gắt”.

MỚI - NÓNG