Cục Thú y phải thẩm định, chỉ định phòng kiểm nghiệm đối với chất Acepromazine (chất chống loạn thần) tồn dư trên thịt, nước tiểu và máu phục vụ công tác xử lý vi phạm, đảm bảo tính pháp lý khi phát hiện sử dụng thuốc an thần.
Ông Tám cũng giao Vụ Pháp chế phối hợp các cục, vụ chức năng của Bộ NN&PTNT rà soát, báo cáo bộ trưởng NN&PTNT, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung một số quy định trong Nghị định 90 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y. Theo đó, sẽ nâng mức xử phạt lên cao nhất với các trường hợp tiêm thuốc an thần cho gia súc không theo hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc cơ quan thú y. Có hình phạt bổ sung, buộc khắc phục hậu quả với các trường hợp tiêm thuốc an thần cho gia súc.
Lãnh đạo Bộ NN&PTNT cũng yêu cầu vụ chức năng của bộ nghiên cứu thiết bị xét nghiệm nhanh trên thịt, nước tiểu để phục vụ thanh kiểm tra, ngưỡng tồn dư Acepromazine trong thịt, gan, thận.
Trước đó, đoàn thanh tra liên ngành do Bộ NN&PTNT thành lập đã kiểm tra đột xuất cơ sở giết mổ Xuyên Á (huyện Củ Chi, TPHCM) - nơi cung cấp khoảng 50% thịt heo cho TPHCM. Đoàn thanh tra phát hiện 3.750 con bị tiêm thuốc an thần trước khi giết mổ trên tổng số hơn 5.030 con tại lò mổ. Căn cứ kết quả của đoàn thanh tra, TPHCM đã yêu cầu tiêu hủy toàn bộ số heo có chất an thần và dương tính với virus gây bệnh lở mồm long móng nói trên. Theo Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), việc tiêm thuốc an thần vào gia súc trước khi giết mổ chủ yếu nhằm làm cho con vật ngủ li bì, hoặc không kêu, giảm đau đớn để thương lái dễ dàng vận chuyển. Ngoài ra, thuốc an thần còn làm cho thịt heo có độ dẻo, màu sắc đẹp hơn.
Người tiêu dùng sử dụng thịt có tồn dư thuốc an thần trong thời gian dài có thể dẫn đến một số nguy hại như: làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh về tiêu hóa, ảnh hưởng đến tim mạch, huyết áp.