Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Cố gắng làm phim chất lượng như 'Đào, phở và piano'

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, mỗi năm nhà nước chỉ bố trí ngân sách khoảng 60-70 tỷ đồng, nên phải cố gắng lựa chọn kịch bản đảm bảo, chất lượng như "Đào, phở và piano" .

Chiều 5/6, tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ VH&TT Nguyễn Văn Hùng, đại biểu Lê Đào An Xuân (Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Phú Yên) cho rằng điện ảnh là phương thức hiệu quả để quảng bá hình ảnh đất nước và xúc tiến du lịch. Ví dụ phim Chuyện của Pao quảng bá hình ảnh Hà Giang, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh quảng bá Phú Yên. Gần đây, phim Đào, phở và piano do Nhà nước đặt hàng có chất lượng cao, truyền bá tốt lịch sử, được công chúng đón nhận.

Nữ đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng cho biết Bộ có giải pháp gì để hỗ trợ điện ảnh Việt Nam, đặc biệt là các bộ phim do Nhà nước đặt hàng phát huy hiệu quả, đến với khán giả.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, Luật Điện ảnh mới được thông qua đầu nhiệm kỳ không phải chỉ để quản lý Nhà nước về bộ môn nghệ thuật mà còn nhằm mục đích kiến tạo sự phát triển một ngành trong công nghiệp văn hóa.

Sau khi Luật có hiệu lực, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị định triển khai, nền điện ảnh Việt Nam đã có khởi sắc.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Cố gắng làm phim chất lượng như 'Đào, phở và piano' ảnh 1
Bộ trưởng Bộ VH&TTDL Nguyễn Văn Hùng. Ảnh: PV.

Bộ trưởng Hùng nhấn mạnh Việt Nam đang tập trung thu hút các nhà làm phim nước ngoài đến để tận dụng lợi thế về cảnh quan tươi đẹp của đất nước, qua các bộ phim quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.

Ông Hùng ví dụ bộ phim Tình yêu của người du lịch do Bộ phối hợp với một số đơn vị nước ngoài thực hiện, khi chiếu trên Netflix, đã gây được hiệu ứng tốt.

Với các bộ phim ở trong nước, ông Hùng cho rằng, ngoài phim của tư nhân, Nhà nước sẽ đầu tư một số bộ phim, tuy nhiên kinh phí sản xuất không cao. Mỗi năm, nhà nước chỉ bố trí ngân sách khoảng 60-70 tỷ đồng, nên phải cố gắng lựa chọn phim có kịch bản đảm bảo, chất lượng như Đào, phở và piano.

"Hiện chúng tôi cũng phát hiện điểm nghẽn là những bộ phim Nhà nước đầu tư thì không được bán vé. Chúng tôi sẽ đề xuất sửa đổi quy định này để được phép bán vé, lấy tiền đó tái đầu tư", ông Hùng nêu.

Liên quan đến ý kiến của đại biểu Quốc hội về việc gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống, ông Hùng nói thời gian qua, Việt Nam đã có chủ trương xử lý tốt mối quan hệ giữa gìn giữ bản sắc văn hoá với tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại trong bối cảnh mở cửa, hội nhập.

Theo Bộ trưởng Hùng, đây là vấn đề đã được đặt ra từ thời cha ông. "Không phải ngẫu nhiên câu dụ của vua Quang Trung là: Đánh cho để dài tóc/Đánh cho để răng đen. Giữ nước để giữ cho được văn hóa. Cái cuối cùng là văn hóa. Văn hóa làng xã, văn hóa cộng đồng đã thấm sâu vào cội rễ", ông Hùng nói.

Ông Hùng nêu thời gian qua, các địa phương đã luôn luôn tôn trọng, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Nhiều địa phương đã viết về văn hóa, lịch sử của làng mình. Điều đó rất tốt, vừa giúp văn hóa thấm sâu đến từng người, vừa giữ gìn nét đẹp truyền thống. Một số sản phẩm du lịch ở các địa phương cũng đang phát triển từ văn hóa truyền thống.

"Chất liệu làm nên du lịch cộng đồng là văn hoá. Chúng ta đang đi theo hướng đó, rất trúng", ông Hùng nêu đồng thời cho rằng Nhà nước cần thực hiện kiểm kê, bảo tồn các giá trị về chữ viết, kiến trúc, các nét văn hóa truyền thống...

Trước ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh về bộ nhận diện sản phẩm du lịch, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết việc xây dựng thương hiệu của Việt Nam trong một số lĩnh vực là cần thiết. Tuy nhiên, cơ sở pháp lý của việc này hiện vẫn là khoảng trống.

"Ví dụ năm 2011, Chính phủ giao cho Bộ xây dựng bộ nhận diện quốc hoa. Sau khi Bộ đề xuất là hoa sen, trình lên thì cũng không biết cấp thẩm quyền nào công nhận", ông Hùng nói đồng thời cho rằng như việc đề xuất "trang phục truyền thống của dân tộc" cũng tương tự, gặp khó khăn và đang "dừng lại".

"Tôi rất chia sẻ với đại biểu Cảnh. Nhiều lần đại biểu mặc áo dài đi họp, chúng tôi rất biết điều đó, đại biểu rất trăn trở...", ông Hùng nêu. Ông Hùng kiến nghị Quốc hội cần bổ sung "khoảng trống pháp lý", có thể giao cho một cơ quan cấp bộ, hoặc đưa vào luật để Chính phủ có thẩm quyền công nhận những đề xuất như thế này.

MỚI - NÓNG