Bỏ rào cản

0:00 / 0:00
0:00
TP - Mô hình “Ba tại chỗ” (sản xuất, ăn, ở cùng một chỗ) hay “Một cung đường, hai điểm đến” (một cung đường vận chuyển tập trung người lao động từ nơi ở đến nơi sản xuất và ngược lại) không phát huy hiệu quả, khiến không ít doanh nghiệp bế tắc.

Đại diện nhiều doanh nghiệp và hiệp hội ngành nghề đã phải kêu lên như vậy tại một diễn đàn trực tuyến với chủ đề tìm giải pháp duy trì sản xuất do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức mới đây.

Cả hai mô hình kể trên được áp dụng mấy tuần qua tại nhiều địa phương vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai…Theo đó, doanh nghiệp không đáp ứng được điều kiện sẽ phải tạm đóng cửa. Quy định này lập tức bức tử hàng loạt doanh nghiệp vốn vẫn còn có thể vùng vẫy để duy trì sản xuất, nuôi người lao động. Theo số liệu của một số hiệp hội ngành nghề, hiện có khoảng 90% doanh nghiệp đã phải tạm dừng hoạt động vì dịch bệnh và không đáp ứng được các yêu cầu “Ba tại chỗ” hay “Một cung đường, hai điểm đến”.

Ngay cả đáp ứng được, doanh nghiệp cũng chỉ đạt khoảng 30% năng lực sản xuất. Trong khi chi phí đầu tư trang bị phương tiện lưu trú, đi lại, ăn ở là quá lớn so với khả năng và hiệu suất công việc. Đáng nói nhất, mục tiêu chính của mô hình “Ba tại chỗ” và “Một cung đường, hai điểm đến” là ngăn dịch tấn công vào nhà máy để đảm bảo sản xuất, đã không đạt được kết quả như mong muốn, thậm chí tác dụng ngược. Nhiều nhà máy, xí nghiệp đã trở thành ổ dịch mới bởi tập trung quá nhiều người trong một không gian hẹp, khép kín và kéo dài nhiều ngày. Do quá sức chịu đựng, nhiều doanh nghiệp đã phải rời bỏ sân chơi “Ba tại chỗ” và đóng cửa khiến hàng vạn lao động bị đẩy ra đường.

Quan điểm xuyên suốt của Chính phủ là siết chặt kiểm soát dịch nhưng không ngăn sông cấm chợ, không để đứt gẫy chuỗi sản xuất và cung ứng hàng hóa. Tuy nhiên, trong thực tế, những hàng rào thép gai ngăn đường và cả hàng rào chính sách của một số bộ ngành và địa phương vẫn không ngừng mọc lên, cắt đứt các chuỗi sản xuất và cung ứng hàng hóa, kéo theo nhiều hệ lụy. Chính sách “Ba tại chỗ” hay “Một cung đường, hai điểm đến” chỉ là một trong nhiều hàng rào như thế. Do phải đóng cửa hoặc thu hẹp sản xuất, nguyên vật liệu nhập về không được giải phóng nên ùn ứ tại các cảng, gây lãng phí và ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động logistics.

Cũng do ngăn sông cấm chợ, tại nhiều địa phương, nông sản tràn ngập ruộng vườn, trang trại bởi không đến được với thị trường. Người nông dân thắt lòng bởi những sản phẩm quý giá mình làm ra phải dùng làm thức ăn cho vật nuôi, trong khi nợ nần chồng chất trước mặt.

Hạn chế tiếp xúc giữa người với người để tránh lây lan dịch bệnh không đồng nghĩa với chặn dòng lưu thông phân phối, đóng cửa sản xuất. Mặc dù vậy, ở nhiều nơi vẫn đang có sự nhầm lẫn tai hại này, áp dụng những chính sách, giải pháp không những không giúp hoặc chưa kịp giúp ngăn chặn dịch bệnh lây lan thì đã khiến chuỗi sản xuất-lưu thông-phân phối bị đứt gẫy. Dỡ bỏ rào cản để đảm bảo mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa phát triển sản xuất là điều vô cùng cần thiết trong tình hình hiện nay.

MỚI - NÓNG