Bloomberg ca ngợi cổ phiếu ngân hàng Việt Nam

Giá trị các cổ phiếu ngân hàng Việt Nam tăng gấp đôi bình quân trong khu vực. Ảnh: Bloomberg.
Giá trị các cổ phiếu ngân hàng Việt Nam tăng gấp đôi bình quân trong khu vực. Ảnh: Bloomberg.
Thống kê việc cổ phiếu 5 nhà băng có vốn hóa lớn nhất thị trường tăng trung bình 23% từ đầu năm, Bloomberg nhận định đang có sự phục hồi tại khu vực này  sau những khủng hoảng nợ xấu.

Sau khi so sánh kinh tế Việt Nam với "con hổ mới" tại châu Á, hãng tin Bloomberg lại vừa có bài viết ca ngợi cổ phiếu ngân hàng trên thị trường chứng khoán. Nhận định này được đưa ra trong bối cảnh thị trường nói chung đang trải qua giai đoạn khá ảm đạm, sau đợt cơ cấu danh mục của các quỹ ETF và lo ngại về các chính sách của các nền kinh tế lớn.

Dẫn lời Bill Stoops, Giám đốc đầu tư của Quỹ Dragon Capital, hãng tin này nhận định cổ phiếu của các nhà băng đã thoát đáy. "Các ngân hàng sẽ tốt hơn khi thị trường bất động sản nói riêng và nền kinh tế nói chung phục hồi. Nợ xấu cũng đang giảm, nhờ vậy họ có thể cho vay được nhiều hơn để hỗ trợ cho các doanh nghiệp", chuyên gia đến từ quỹ đầu tư đang quản lý tài sản khoảng 1,3 tỷ USD tại Việt Nam nhận định. 

Vị này cũng kể ra một vài mã cổ phiếu ngân hàng giá rẻ hấp dẫn trong thời gian tới. Trước đó, giá cổ phiếu của 5 nhà băng lớn khác trên thị trường tăng trung bình 23% trong 3 tháng, lên cao nhất kể từ năm 2013 và tăng gấp đôi mức bình quân của khu vực. 

Sau khi được ghi nhận là dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về nợ xấu cuối năm 2012, hiện các ngân hàng Việt Nam đã bắt đầu dọn dẹp bảng cân đối tài sản của mình. Niềm tin vào ngành ngân hàng phần nào cải thiện sau khi VAMC - Công ty Quản lý và Khai thác Tài sản các Tổ chức tín dụng Việt Nam - đã mua lại 123.000 tỷ đồng nợ xấu (khoảng 5,7 tỷ USD) và thị trường bất động sản có dấu hiệu phục hồi.

Nợ xấu của toàn ngành ngân hàng cũng đã giảm về 3,25% cuối năm 2014 trong khi 2 năm trước, tỷ lệ này lên tới 17% theo số liệu của nhà điều hành. VAMC được Chính phủ thành lập và đi vào hoạt động tháng 7/2013 đến nay đã mua lại nợ xấu của gần 40 ngân hàng. Công ty này dự kiến giá trị các khoản nợ này sẽ tăng lên khoảng 200.000 tỷ đồng vào cuối năm 2015.

Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, tổng các giao dịch bất động sản tại Hà Nội trong tháng 2 đã đạt kỷ lục 1.200, nhiều gấp đôi một năm trước đó. Còn tại TP HCM, doanh số cũng đạt 1.100 giao dịch. Trong đó, tổng dư nợ cho vay bất động sản đến 31/10/2014 đạt 299.000 tỷ đồng, tăng 14% so với cuối năm 2013 theo số liệu của Bộ Xây dựng.

Theo số liệu của Bloomberg, 5 ngân hàng niêm yết lớn nhất Việt Nam đang giao dịch với P/E (hệ số giá trên thu nhập một cổ phiếu) là 1,4 trong khi của các nước trong khu vực là 1,7. Tỷ số P/E càng thấp thì lợi nhuận trên một cổ phần của công ty đó càng cao.

Ngân hàng Nhà nước cam kết sẽ đẩy mạnh việc mua bán sáp nhập một vài ngân hàng và thậm chí xóa sổ một vài cái tên trong hệ thống. Nhà điều hành dự kiến giảm số lượng ngân hàng từ 40 xuống chỉ còn 15 vào năm 2017. Nhà điều hành dự kiến năm nay sẽ có 6 cái tên tham gia sáp nhập, trong đó 2 cặp là Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) - Phương Nam (Southern Bank) và Hàng Hải (Maritime Bank) - Mê Kông (Mekong Bank) đã được chấp thuận về nguyên tắc.

Mặc dù vậy, hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn tiềm ẩn một số rủi ro. Dù nâng triển vọng của ngành ngân hàng từ "tiêu cực" lên "ổn định" hồi tháng 12 nhưng Moody's vẫn cảnh báo lợi nhuận vẫn dưới mức kỳ vọng do cầu tín dụng còn yếu và biên lợi nhuận ngày càng giảm. Không chỉ vậy, Fitch vẫn cho rằng nợ xấu của Việt Nam được đánh giá chưa đầy đủ và khả năng chịu thua lỗ của các ngân hàng chắc chắn kém hơn những gì họ tự báo cáo.

Dennis Lim, trưởng bộ phận tiền tệ của Templeton Emerging Markets với số tài sản 40 tỷ USD nói: "Theo dõi các ngân hàng thì chúng ta vẫn phải nhìn cẩn thận một chút. Cần đảm bảo chắc chắn bảng cân đối tài sản của họ phải phản ánh đúng những vấn đề đang xảy ra".

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.