Bị 'tố' không trình Nghị định về kinh doanh xăng dầu đúng hẹn, Bộ Công Thương nói gì?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Tối 3/8, Bộ Công Thương cho biết, thông tin từ một số cơ quan báo chí phản ánh việc Bộ chưa trình Chính phủ dự thảo sửa đổi Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu là không chính xác. Thực tế, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ vào ngày 18/7.

Bộ Công Thương cho biết, sáng 3/8 đã diễn ra phiên họp Ban chỉ đạo điều hành giá về kết quả công tác điều hành giá 7 tháng đầu năm và những tháng còn lại của năm. Cuộc họp do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái chủ trì. Sau cuộc họp, đã có một số báo đăng tải thông tin về việc Bộ Công Thương chưa trình Chính phủ Dự thảo sửa đổi Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu.

Liên quan đến nội dung này, Bộ Công Thương khẳng định thông tin trên không chính xác, Bộ Công Thương đã trình Dự thảo sửa đổi các Nghị định này vào ngày 18/7. Bộ đã chủ động thực hiện nhiệm vụ soạn thảo Dự thảo sửa đổi các Nghị định kinh doanh xăng dầu.

Theo Bộ Công Thương, trong quá trình thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đề xuất sửa đổi bổ sung Nghị định số 83 và Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu, bộ đã có nhiều công văn gửi lấy ý kiến các bộ ngành, đồng thời tổ chức các cuộc họp với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp để rà soát, tổng hợp và đưa ra các vấn đề cần chỉnh sửa.

Bị 'tố' không trình Nghị định về kinh doanh xăng dầu đúng hẹn, Bộ Công Thương nói gì? ảnh 1

Bộ Công Thương cho biết đã trình Chính phủ Dự thảo sửa đổi Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu từ ngày 18/7/2023. Ảnh: Như Ý.

Bản dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 83 và Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu đầu tiên đã được tổ soạn thảo xây dựng gửi xin ý kiến các Bộ ngành, doanh nghiệp. Dự thảo cũng được Bộ Công Thương và VCCI đã tổ chức Hội thảo “Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 95 và 83 về kinh doanh xăng dầu” để lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp, Hiệp hội Xăng dầu và các chuyên gia kinh tế.

“Ngày 18/5, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi Bộ Tư pháp để thẩm định lần cuối liên quan đến sửa đổi Nghị định 83 và Nghị định 95 trước khi trình Chính phủ phê duyệt. Sau nhiều lần xin ý kiến các bộ ngành, hiệp hội, doanh nghiệp, Bộ Công Thương đã trình dự thảo sửa đổi các Nghị định kinh doanh xăng dầu vào ngày 18/7”, Bộ Công Thương cho hay.

Việc sửa đổi Nghị định về kinh doanh xăng dầu là vấn đề được cộng đồng doanh nghiệp rất quan tâm, thậm chí đây được xem là "căn nguyên" gây nên tình trạng đứt gãy nguồn cung xăng dầu trong một số thời điểm của năm 2022.

Các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cũng nhiều lần có văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ nêu ý kiến góp ý về việc sửa đổi Nghị định về kinh doanh xăng dầu do Nghị định có vai trò sống còn, tác động đến số phận hàng chục nghìn cửa hàng bán lẻ và hàng nghìn doanh nghiệp trong ngành.

Các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu bày tỏ mong muốn phải được lấy hàng ở ít nhất là 3 nơi để không bị chèn ép và không phải đóng cửa hàng khi nhà cung cấp duy nhất không giao hàng. Đồng thời, quy định về chi phí và lợi nhuận của doanh nghiệp bán lẻ phải được ghi nhận vào công thức tính giá cơ sở. Cùng với đó, các doanh nghiệp bán lẻ cũng cho rằng, cần quy định chiết khấu tối thiểu là 5-6%/giá bán lẻ tại thời điểm bán ra để đảm bảo doanh nghiệp bán lẻ hoạt động bình thường và xuyên suốt, kể cả lễ và Tết để phục vụ cho người dân và phát triển kinh tế.

Trong dự thảo Nghị định sửa đổi nghị định kinh doanh xăng dầu mới nhất, Bộ Công Thương đưa ra một số điểm mới như: cho phép doanh nghiệp bán lẻ được lấy xăng dầu từ nhiều nguồn, điều chỉnh thời gian điều hành giá từ 10 ngày xuống 7 ngày, doanh nghiệp được chủ động về giá bán…

Hồi đầu năm, Văn phòng Chính phủ đã gửi công văn truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái về việc giao Bộ Công Thương chủ trì, khẩn trương trình Chính phủ dự thảo Nghị định về xăng dầu và nhấn mạnh "không chậm trễ".

MỚI - NÓNG