Theo ghi nhận của PV Tiền Phong, từ ngày 1/2/2023 đến nay, sau khi doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu bị dồn nén quá lâu đã buộc phải liên tục lên tiếng (về việc đóng cửa nghỉ bán, vì bị cắt chiết khấu, phải bán xăng dầu dưới giá thành), các doanh nghiệp đầu mối và thương nhân phân phối đã chi trả chiết khấu trở lại.
Theo tính toán của các doanh nghiệp, giá dầu nhiều khả năng sẽ tiếp tục giảm 350-500 đồng/lít, kg trong khi giá xăng 250-350 đồng/lít nếu không sử dụng Quỹ Bình ổn nên các đầu mối, thương nhân phân phối tiếp tục duy trì mức chiết khấu cao để giảm bớt hàng tồn kho.
“Cơ quan quản lý cần làm rõ góc khuất của thị trường xăng dầu liên quan đến việc doanh nghiệp đầu mối, các thương nhân phân phối đang thao túng thị trường và ăn chặn phần chiết khấu được quy định rõ trong công thức tính giá cơ sở của Nghị định 83 và Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu trong thời gian qua”.
Ông H.T, giám đốc doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu lớn ở miền Bắc
Mức chiết khấu cho các đại lý thuộc hệ thống Petrolimex ở mức 500 đồng/lít dầu DO và 350-400 đồng/lít xăng tuỳ khu vực. Tại các tỉnh miền Bắc, nhiều thương nhân phân phối xả hàng bằng cách nâng chiết khấu với dầu DO lấy từ các kho ở Thái Bình, Quảng Ninh, Phú Thọ, Hải Phòng quanh mức 1.900 - 2.100 đồng, chiết khấu với xăng RON95 từ 1.200 - 1.500 đồng tuỳ khu vực.
Đây là hiện tượng khá lạ với chính các doanh nghiệp bán lẻ khi hơn một năm qua chiết khấu cho doanh nghiệp xăng dầu luôn ở mức 0 đồng, nhiều thời điểm trong năm 2022, doanh nghiệp bán lẻ phải trả thêm tiền ngoài hợp đồng cho thương nhân phân phối, bán lẻ nhằm lấy hàng về bán để không bị quản lý thị trường xử phạt vì thiếu, hết xăng.
Doanh nghiệp bán lẻ cho rằng, cần làm rõ việc đầu mối, thương nhân phân phối "chặn" chiết khấu Ảnh: Như Ý |
“Năm 2022, khi giá dầu thế giới giảm mạnh ở nhiều thời điểm nhưng đầu mối và thương nhân phân phối đều khẳng định đang bị lỗ nên không có chiết khấu cho bán lẻ. Chúng tôi muốn lấy hàng về bán thì phải trả tiền chi phí ngoài hợp đồng. Những ngày gần đây họ lại đột ngột thông báo có chiết khấu trở lại trong. Thời điểm hiện tại, giá xăng dầu thế giới giảm nhẹ mà doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối đẩy chiết khấu lên rất cao. Như trước kỳ điều hành ngày 13/2 vừa qua, có thời điểm họ đẩy chiết khấu với dầu lên tới 2.200 -2.300 đồng/lít còn với xăng cũng lên tới 1.100 đồng/lít tuỳ địa bàn”, Giám đốc một doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu lớn tại khu vực ngoại thành Hà Nội cho hay.
“Các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối đang dùng thủ thuật để che mắt cơ quan quản lý bằng cách đẩy mạnh chiết khấu. Khi thấy tình hình yên ổn, chắc chắn họ sẽ quay trở lại ép chiết khấu để trục lợi với doanh nghiệp bán lẻ…” ông H.T, giám đốc một doanh nghiệp bán lẻ lớn ở khu vực miền núi phía Bắc nói với PV Tiền Phong như vậy về hiện tượng đột ngột thị trường xuất hiện chiết khấu trở lại sau khi hàng trăm doanh nghiệp bán lẻ có đơn phản ánh gửi Chính phủ và các bộ vào đầu tháng 2 vừa qua. Theo vị này, trong công thức tính giá cơ sở, cơ quan quản lý đã chi khoán cho doanh nghiệp đầu mối tổng cộng 1.350 đồng chi phí định mức và 300 đồng/lít lợi nhuận định mức. Khoản chi này được phân bổ đều cho các doanh nghiệp trong chuỗi, từ đầu mối đến phân phối và bán lẻ. Thế nhưng, thực tế cùng với việc không được hưởng chiết khấu, doanh nghiệp bán lẻ còn phải trả thêm tiền mới được lấy hàng về bán.
Tìm giải pháp để giá theo thị trường
Trao đổi với PV Tiền Phong, bà Huỳnh Thị Ngọc Thu, Giám đốc Công ty TNHH Việt Thu (tỉnh Tây Ninh) cho biết, Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu nếu không được sửa sớm và cơ quan quản lý không chấn chỉnh thị trường, các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu sẽ đóng cửa hàng loạt thời gian tới. Chứng minh bằng tập hoá đơn VAT và hợp đồng mua hàng đi kèm liên quan việc doanh nghiệp bán lẻ hơn một năm qua phải chịu cảnh mang tiền nhà ra để bù cho việc bán xăng dầu dưới giá thành, bà Thu cho biết, công ty trong năm qua đã bị lỗ cả tỷ đồng vì bị thương nhân phân phối cắt chiết khấu.
Bà Thu đề nghị Bộ Tài chính, Công Thương xem xét lại việc trong năm 2022 hàng nghìn doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu trên cả nước đều kêu cứu vì lỗ nặng, nhiều doanh nghiệp vì không còn vốn để duy trì phải chấp nhận rút giấy phép ngừng hoạt động trong khi các thương nhân phân phối và đầu mối vẫn có lãi rất lớn, đặc biệt là từ sau tháng 10/2022 khi các chi phí được Bộ Tài chính điều chỉnh.