Bí thư xã ở Nghệ An: 'Sau một năm về xã, lương của tôi bị giảm 4 triệu đồng'

TPO - Tại chương trình gặp mặt, đối thoại giữa Thường trực Tỉnh ủy với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp xã, các đại biểu nêu bất cập trong đào tạo, thu hút đội ngũ cán bộ cơ sở, đề xuất giữ nguyên mức phụ cấp cho người hoạt động không chuyên trách.

Ngày 4/8, Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An tổ chức Chương trình gặp mặt, đối thoại giữa Thường trực Tỉnh ủy với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Nghệ An năm 2023. Có 1.022 đại biểu là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND cấp xã tham dự hội nghị.

Các ý kiến đã trao đổi, làm rõ vấn đề về nông nghiệp, xử lý dự án chậm tiến độ, công tác xây dựng Đảng, phát triển Đảng viên, phong trào xây dựng nông thôn mới, những khó khăn, bất cập về công tác cán bộ và chính sách cho cán bộ ở cơ sở…

Bí thư xã ở Nghệ An: 'Sau một năm về xã, lương của tôi bị giảm 4 triệu đồng' ảnh 1

Quang cảnh chương trình gặp mặt, đối thoại.

Bí thư xã ở Nghệ An: 'Sau một năm về xã, lương của tôi bị giảm 4 triệu đồng' ảnh 2

Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An chủ trì Hội nghị

Đặt câu hỏi đến Thường trực Tỉnh ủy, ông Lê Anh Nga – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Diễn Lâm, huyện Diễn Châu cho rằng thực hiện chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, hiện nay đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã đang dôi dư, đồng nghĩa với cơ hội, cánh cửa để những người hoạt động không chuyên trách phấn đấu trở thành cán bộ, công chức hẹp lại. Chế độ cho lực lượng này còn nhiều bất cập, ảnh hưởng đến tư tưởng phấn đấu, dẫn đến việc thu hút, đào tạo cán bộ kế cận tại cơ sở khó khăn.

Ông Nga đề nghị tỉnh có chủ trương, quyết sách tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho cở sở xây dựng đội ngũ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên”, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày cao ở cơ sở.

Bí thư xã ở Nghệ An: 'Sau một năm về xã, lương của tôi bị giảm 4 triệu đồng' ảnh 3

Các đại biểu tham gia chương trình gặp mặt, đối thoại của Thường trực Tỉnh ủy.

Cùng quan tâm đến hoạt động không chuyên ở cơ sở, ông Lô Văn Thật – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Mậu Đức, huyện Con Cuông nêu ý kiến đề xuất tỉnh giữ nguyên mức phụ cấp cho người hoạt động không chuyên trách ở xóm, thôn, bản. Khi xã, thôn, bản ra khỏi diện địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự, nhằm động viên, khuyến khích cán bộ tiếp tục giữ vững an ninh trật tự nói riêng và trong thực hiện nhiệm vụ nói chung.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Lê Viết Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Lam, huyện Hưng Nguyên cho biết bản thân là cán bộ cấp huyện được luân chuyển, điều động về cơ sở. “Tôi là cán bộ cấp huyện, được luân chuyển, điều động về cơ sở, rất vui là vừa đi thì có Quyết định 09 của tỉnh quy định về một số nội dung về cán bộ, luân chuyển, điều động, biệt phái. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, sau một năm về xã, lương của tôi giảm từ 14 triệu xuống còn hơn 10 triệu đồng, dù không bị kỷ luật hay bị gì cả”, ông Hùng nêu băn khoăn.

Theo ông Hùng, hiện nay, tỉnh đã có Đề án về việc thực hiện luân chuyển, điều động, biệt phái cán bộ đi cơ sở, trong đó có đề cập đến chế độ, chính sách từ chế độ công tác phí, nhà công vụ… Nhưng số cán bộ thuộc khối Đảng được luân chuyển, điều động về cơ sở lại bị cắt giảm thu nhập (phụ cấp công tác Đảng không còn).

Ông Hùng kiến nghị Thường trực Tỉnh ủy nghiên cứu, đề xuất chính sách phù hợp để cán bộ thuộc diện luân chuyển, điều động về cơ sở có đủ động lực để phấn đấu, gắn bó với cơ sở.

Với vấn đề này, ông Nguyễn Viết Hưng – Giám đốc Sở Nội vụ Nghệ An khẳng định ý kiến của các đại biểu nêu tại hội nghị liên quan đến người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở là chính xác. Đồng thời chia sẻ khó khăn với đội ngũ “trăm dâu đổ đầu tằm”.

Bí thư xã ở Nghệ An: 'Sau một năm về xã, lương của tôi bị giảm 4 triệu đồng' ảnh 4

Ông Lê Anh Nga – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Diễn Lâm, huyện Diễn Châu đặt câu hỏi tại chương trình.

Ông Hưng cho biết trong giai đoạn 2019-2020, Nghệ An có 39 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện sáp nhập từ 480 xã, phường, thị trấn giảm còn 460 đơn vị. Tổng số cán bộ, công chức dôi dư do sáp nhập cộng với thực hiện Nghị định 34 của Chính phủ, thực hiện chủ trương đưa công an chính quy về xã, toàn tỉnh dôi dư hơn 460 cán bộ, công chức và đến tháng 6, toàn tỉnh đã giải quyết dôi dư, hiện còn 127 cán bộ, công chức.

Bên cạnh đó, Nghệ An có 1 đơn vị cấp huyện và 88 đơn vị cấp xã thuộc diện sáp nhập, số cán bộ, công chức qua rà soát tiếp tục dôi dư khoảng gần 2.000 người. Đây là ''gánh nặng'' rất lớn của tỉnh và các địa phương.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An cho biết thời gian qua, tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong khả năng có thể nhất để chăm lo cho đội ngũ cán bộ cấp cơ sở, trong đó có cải thiện, tăng chế độ chính sách. Tuy nhiên, ông Thông cũng thừa nhận, do khả năng ngân sách nên tỉnh tiếp tục nghiên cứu để có cơ chế, chính sách phù hợp với quy định và khả năng của tỉnh, đáp ứng mong muốn của cơ sở.

Liên quan đến đề xuất giữ nguyên chế độ cho cán bộ khi ra khỏi diện xã, thôn, bản trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự, ông Nguyễn Văn thông cảm ơn đội ngũ cán bộ cơ sở đã có nhiều nỗ lực, đóng góp để đưa địa phương ra khỏi diện phức tạp về an ninh trật tự và cần lấy đó làm niềm vui vì sự đóng góp của mình để tạo ra bước chuyển.

Cơ chế chính sách hỗ trợ được xây dựng và thực thi trên cơ sở đặc điểm từng địa bàn, phân biệt vùng khó khăn mà ở đó cán bộ phải nỗ lực, cống hiến, cố gắng hơn. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An cũng mong muốn cán bộ cơ sở chia sẻ với chính sách chung.

Tin liên quan