Bí thư T.Ư Đoàn nói về các hoạt động tình nguyện nhóm tự do và du học sinh

Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Lê Quốc Phong khẳng định, những hoạt động mang lại lợi ích cho cộng đồng thì không có lý gì lại không ủng hộ. Ảnh: Như Ý
Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Lê Quốc Phong khẳng định, những hoạt động mang lại lợi ích cho cộng đồng thì không có lý gì lại không ủng hộ. Ảnh: Như Ý
TPO - Trao đổi tại chương trình đối thoại với đoàn viên, thanh niên (ngày 21/3) Bí thư thứ nhất T.Ư Lê Quốc Phong đã chia sẻ quan điểm về nhiều hoạt động tình nguyện do các nhóm tình nguyện tự tổ chức; cơ chế chính sách hỗ trợ thanh niên sinh viên Việt Nam đang học tập tại nước ngoài tổ chức hoạt động tình nguyện.  

Ngày 21/3, anh Lê Quốc Phong - uỷ viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn đã tham gia đối thoại với đoàn viên thanh niên về chủ đề "Thanh niên tình nguyện vì cộng đồng". Trong nhiều vấn đề liên quan tới tình nguyện, nhiều bạn trẻ đã dành quan tâm về việc tổ chức Đoàn có khuyến khích những hoạt động tình nguyện tự phát do các nhóm tự tổ chức.

Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn khẳng định, hoàn toàn ủng hộ các hoạt động tình nguyện được triển khai theo đúng mong muốn của từng nhóm người, nhóm hoạt động. Những hoạt động mang lại lợi ích cho cộng đồng thì không có lý gì lại không ủng hộ.

Mặt khác, Đoàn muốn gửi lời tới các bạn trong các nhóm tự tổ chức hoạt động tình nguyện, trong quá trình thực hiện hoạt động có khó khăn hãy liên hệ với Đoàn để có sự chuẩn bị tốt hơn về nguồn lực, nội dung, kết nối... "Tôi tin rằng khi chúng ta đồng hành với nhau, các hoạt động được mở rộng hơn, hướng tới được nhiều đối tượng hơn. Đồng thời có thêm nhiều trải nghiệm hơn trong tổ chức các hoạt động tình nguyện", anh Phong nói.

Anh Lê Quốc Phong cũng đã chia sẻ về cơ chế, chính sách hỗ trợ thanh niên sinh viên Việt Nam đang học tập, công tác tại nước ngoài tham gia các hoạt động tình nguyện trong nước. Anh Phong cho biết, đây là vấn đề thường các bạn sinh viên ở nước ngoài đặt câu hỏi trong mỗi lần gặp. Thực tế, các bạn du học sinh Việt Nam ở nước ngoài cũng có nhiều hoạt động hướng về nước khi có tình huống khó khăn, chia sẻ với đồng bào vùng thiên tai. Để có nguồn lực các bạn vận động mời gọi trong bạn bè, người nước ngoài trong cộng đồng đang sinh sống. Những nhóm vận động xong cử đại diện về nước trực tiếp thực hiện các hoạt động.

Anh Phong cho biết thêm, ở góc độ Đoàn, Hội luôn khuyến khích và mong muốn các bạn du học sinh Việt Nam ở nước ngoài có nhiều hơn hoạt động này. Còn khi các bạn về nước, trong những kỳ nghỉ hè thì, Đoàn, Hội luôn có nhiều hoạt động tham gia. "Chúng tôi có thể giới thiệu đến các bạn những đơn vị cụ thể để tham gia. Nếu như các bạn có nguồn lực muốn triển khai tại Việt Nam thì thay vì tự kết nối, trực tiếp về nước thì chúng tôi sẽ có hỗ trợ từ kết nối, giới thiệu đến các đơn vị trương nước để phối hợp triển khai", anh Phong nói.

Thực tế không chỉ có du học sinh Việt Nam ở nước ngoài mà còn có nhiều nhóm sinh viên nước ngoài như Malaysia, các nhóm của Liên hiệp quốc cũng tìm đến Việt Nam để tổ chức các hoạt động tình nguyện mà chúng tôi đều có hỗ trợ từ giới thiệu địa chỉ, kết nối địa phương. Anh Phong nhấn mạnh, nếu các bạn có nhu cầu tình nguyện, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ và hỗ trợ để các bạn thực hiện được tốt nhất những kế hoạch của mình.

Xác định nhu cầu vận động nguồn lực
Hiện nay có rất nhiều nguồn lực trong xã hội có thể hỗ trợ được cho hoạt động tình nguyện từ cộng đồng như: quần áo, đồ chơi; sản phẩm của các đơn vị,... nhưng việc đeo bám, phương pháp để tìm và sử dụng hiệu quả nguồn lực này còn hạn chế. Đoàn có giải pháp nào để phát huy hiệu quả những nguồn lực như trên cho các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng?

Trả lời vấn đề quan tâm này của các bạn trẻ, anh Lê Quốc Phong cho rằng, sử dụng nguồn lực cho hoạt động tình nguyện là việc đơn vị tổ chức tình nguyện có trách nhiệm. Việc tổ chức hoạt động tình nguyện cần xác định rõ ràng hướng tới đối tượng nào, có nhu cầu gì và nguồn lực để việc vận động phù hợp. Đây là vấn đề quan tâm chung của các tổ chức tình nguyện.

Khi xác định được nhu cầu nguồn lực, cố gắng đáp ứng cao nhất khả năng phối hợp thông tin chặt chẽ, kỹ lưỡng để tránh tình trạng nhu cầu quá cao, nguồn lực lại quá thấp thì không đáp ứng được, dẫn tới tình nguyện không hiệu quả.

Việc xác định nhu cầu của địa bàn, đối tượng thụ hưởng cố gắng đáp ứng khả năng phối có thông tin đầy đủ, kỹ lượng tránh tình trạng nhu cầu cao nhưng khả năng đáp ứng lại quá thấp dẫn tới tình nguyện không hiệu quả.

“Tôi tin trong xã hội hiện nay có nhiều cá nhân, tổ chức mong muốn tham gia hoạt động tình nguyện, có người thích hoạt động tình nguyện về giao thông, có người thích tình nguyện về trẻ em, người thích hỗ trợ, giúp đỡ đối tượng người già... Tôi nghĩ các bạn nếu đưa thông tin cụ thể đến với cộng đồng thì sẽ thu hút được nhiều người quan tâm, đóng góp nguồn lực cho các hoạt động tình nguyện”, anh Phong gợi mở.

MỚI - NÓNG