Bí thư TPHCM: ‘Một quận 700.000 dân, hơn 600.000 người cần hỗ trợ khó khăn’

0:00 / 0:00
0:00
Bí thư TPHCM: ‘Một quận 700.000 dân, hơn 600.000 người cần hỗ trợ khó khăn’
TPO - Theo Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên, sức chịu đựng của người dân và xã hội hiện nay đã đến mức giới hạn cũng như kinh tế thành phố đã bị tổn thương, cần phục hồi sớm.

Trưa 17/9, phát biểu tại cuộc họp về kế hoạch phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cho biết, các chuyên gia đều thống nhất quan điểm: thành phố cần sớm mở cửa nền kinh tế, sống chung với COVID-19.

Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên, qua các ý kiến có trao đổi, thảo luận, tranh luận của các chuyên gia nổi lên 5 vấn đề:

Thứ nhất, từ diễn biến và tình hình dịch bệnh, các chuyên gia đều nhìn nhận không thể loại hẳn dịch COIVID-19 ra khỏi cộng đồng.

Thứ hai, điều kiện tiếp cận y tế cho người dân đã cơ bản, dù vẫn còn những việc phải cố gắng.

Thứ ba, sức chịu đựng của xã hội tới giờ này gần như đến giới hạn, sức chịu đựng nền kinh tế cũng tổn thương rồi, cần phục hồi chứ không thể đóng mãi.

Thứ tư, các ý kiến đều thống nhất quan điểm tiếp tục giãn cách, nhưng phải từng bước mở dần đảm bảo độ an toàn, quản lý rủi ro. Hầu hết ý kiến đều khẳng định TPHCM không thể không mở cửa.

Thứ năm, các ý kiến đều đề nghị phải chuyển chiến lược sang giai đoạn bình thường mới, sống chung, sống thích nghi… trong môi trường có dịch bệnh nên cần chuẩn bị mọi điều kiện để ứng phó.

Ông Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh: "Một điểm thống nhất là sức chịu đựng của xã hội hiện nay đã đến mức giới hạn và sức chịu đựng của nền kinh tế cũng đã bị tổn thương, cần phục hồi sớm”. Ông tán đồng quan điểm đã đến lúc TPHCM phải từng bước mở cửa dần, đảm bảo an toàn, quản lý rủi ro, không chủ quan.

“Chính quyền và nhân dân đang chuẩn bị chiến lược để chuyển sang giai đoạn mới, sống trong điều kiện có SARS-CoV-2, đặc biệt là biến chủng Delta. TPHCM đã xây dựng kế hoạch với 14 chiến lược, trụ cột là y tế. Điều quan trọng thời gian tới là phải cải thiện hệ thống y tế dự phòng. Hiện nay, thành phố phải củng cố y tế cộng đồng, y tế tư nhân, bác sĩ gia đình, hệ thống nhà thuốc... để góp phần vào việc điều trị", ông Nên nói.

Theo người đứng đầu Đảng bộ TPHCM, chiến lược y tế sắp tới phải quy định rõ ràng các bước phải làm khi phát hiện F0 trong cộng đồng. Trước đây, nếu phát hiện một F0 thì cả đơn vị phải đóng cửa nhưng sắp tới phải tính lại cách ứng phó trong tình hình mới.

Điều quan trọng tiếp theo trong chiến lược y tế là chính sách cho các loại hình y tế. Theo ông, vừa qua, dù tình hình chống dịch rất khó khăn nhưng sự tham gia của khối y tế tư nhân còn hạn chế do không có động lực, điều kiện.

Bí thư TPHCM: ‘Một quận 700.000 dân, hơn 600.000 người cần hỗ trợ khó khăn’ ảnh 1

Bộ đội vận chuyển lương thực, thực phẩm thiết yếu hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn tại phường Phước Long A, TP Thủ Đức

Bí thư Thành ủy TPHCM khẳng định chính sách sắp tới của TP là huy động hết nguồn lực y tế. Ai có điều kiện thì tham gia phòng chống, điều trị, quản lý, tư vấn... Tất cả phải tính toán trong chiến lược y tế để hình thành mạng lưới đủ sức lo cho dân, không trông cậy hết vào lực lượng y tế tăng cường.

Theo ông Nguyễn Văn Nên, nếu cứ lo tập trung chống dịch thì việc chăm lo nhiều bệnh khác, nhiều đối tượng khác cũng chưa tròn. Thành phố cần có chiến lược về an sinh xã hội.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho biết giãn cách xã hội kéo dài khiến nhiều người mất việc, chịu đựng lâu dài, phát sinh nhiều vấn đề. Nhiều nơi, người dân sống trong không gian chật chội, không đảm bảo giãn cách như yêu cầu của ngành y tế Điều kiện giãn cách và vệ sinh y tế rất khó khăn.

Ngoài ra, TPHCM còn nhiều vấn đề cần quan tâm như chiến lược công nghệ, giáo dục… Tập trung lo chống dịch, ứng phó COVID-19 nhưng còn nhiều người có bệnh khác và nhiều đối tượng khác chăm lo chưa tròn.

“Chúng ta không thể tưởng tượng một quận có 700.000 dân mà danh sách đưa lên có hơn 600.000 người cần hỗ trợ. Điều đó cho thấy người dân gặp rất nhiều khó khăn, cần hỗ trợ kịp thời”, ông Nên chia sẻ.

MỚI - NÓNG