Chuyên gia hiến kế phục hồi kinh tế TPHCM sau đại dịch thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Nhiều chuyên gia cho rằng nếu TPHCM không mở cửa đúng thời điểm, dịch bệnh có thể bùng phát trở lại và ngân sách sẽ thiệt hại rất lớn.

Sáng 17/9, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên và Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi chủ trì cuộc họp với các chuyên gia để bàn về công tác phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế.

Chuyên gia hiến kế phục hồi kinh tế TPHCM sau đại dịch thế nào? ảnh 1

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi lắng nghe các chuyên gia hiến kế

Tại cuộc họp, các chuyên gia chỉ ra nhiều vấn đề trong phòng chống dịch và phục hồi kinh tế. Nhiều ý kiến chia sẻ các góc nhìn chiến lược, đưa ra nhận định cần xem xét lại ý nghĩa và hiệu quả của công tác xét nghiệm diện rộng.

PGS.TS.BS Vũ Minh Phúc (cựu Phó khoa Y, cựu Chủ nhiệm Bộ môn Nhi, Đại học Y Dược TP.HCM) dự báo khi mở cửa trở lại, chắc chắn số ca mắc COVID-19 sẽ tăng. Hệ thống y tế cần chuẩn bị để đáp ứng được tỷ lệ tử vong và nhập viện trong ngưỡng cho phép.

Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng (Đại học Y dược TPHCM), cuộc chiến chống COVID-19 phải chuyển từ tư duy “đánh nhanh, thắng nhanh”, “tốc chiến, tốc thắng” sang “đánh chắc, thắng chắc”.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng đánh giá đây là cuộc chiến lâu dài, không thể "tốc chiến tốc thắng" vì sẽ quá tốn sức lực. Nếu chiến đấu như thể trận chiến cuối cùng thì sẽ kiệt quệ; do đó, thành phố cần xem xét các vấn đề ưu tiên.

Theo chuyên gia này, TPHCM không nên xét nghiệm diện rộng để bóc tách toàn bộ F0 mà nên tập trung vào người có triệu chứng, nguy cơ cao để điều trị. Ông cho rằng Bộ Y tế đặt chỉ tiêu phải xét nghiệm nhiều là không hiệu quả về kinh tế.

“TPHCM cần xác định tư tưởng sống chung và tính toán mở cửa kinh tế từng phần để phục hồi. Thành phố nên cho phép hoạt động một số ngành sản xuất hàng hóa, dịch vụ thiết yếu với yêu cầu đảm bảo phòng chống dịch chặt chẽ. Nếu không mạnh dạn mở cửa thì ngân sách sẽ thiệt hại rất nhiều”, ông Dũng kiến nghị.

Giám đốc Trường Chính sách công và quản lý Fulbright Vũ Thành Tự Anh nhấn mạnh: Bây giờ không thể nói mở hay không mở cửa, mà phải nói rằng không thể không mở cửa.

Theo ông Vũ Thành Tự Anh, nếu nhìn vào bài toán kinh tế, phân tích lợi ích, chi phí, phân bổ nguồn lực thì việc TPHCM xét nghiệm diện rộng cho toàn bộ người dân là rất tốn kém. Hệ lụy đối với GDP của TP không chỉ năm nay mà còn những năm tới. Cái giá mà TPHCM phải trả về kinh tế lớn.

“Doanh nghiệp bây giờ kiệt quệ, nếu không cứu thì sau này cứu cũng không kịp nữa. Sau 3 tháng rưỡi giãn cách chống dịch, người dân nghèo cũng đang kiệt quệ. Ngân sách TPHCM và ngân sách Trung ương đang gặp khó khăn”, ông Tự Anhnói và lưu ý chi phí chống dịch đa quá lớn, TPHCM không thể không mở cửa.

Chuyên gia hiến kế phục hồi kinh tế TPHCM sau đại dịch thế nào? ảnh 2

Nhiều chuyên gia cho rằng TPHCM không nên tiếp tục xét nghiệm diện rộng để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng

Về chiến lược khối phục kinh tế, chuyên gia này cho rằng việc mở cửa nên thực hiện theo từng nấc, phải có phương án dự phòng và phương án rủi ro để thích nghi với điều kiện mới.

Theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, khi kinh tế TPHCM hồi phục thì sẽ mang lại nguồn lực tài chính cho TP và cả nước. Tài chính TPHCM gặp khó khăn thì việc đóng góp cho nguồn lực quốc gia cũng gặp khó khăn.

TS Trần Du Lịch cho rằng không thể tiếp tục trận chiến cũ bằng phương pháp cũ, cụ thể là không nên tiếp tục truy vết F0. TPHCM cần phải thay đổi để sử dụng nguồn lực còn lại một cách hiệu quả nhất.

Theo ông, TPHCM phải xác định mở cửa một cách nhất quán, dứt khoát, không mở cửa giật cục. Cả TPHCM lẫn doanh nghiệp không còn nguồn lực sau nhiều tháng giãn cách.

“Doanh nghiệp đã kiệt quệ. TPHCM sắp tới sẽ đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn lao động, hệ thống cung ứng bị đứt gãy... nên cần đánh giá kỹ các tiêu chí an toàn, điều kiện hoạt động để mở cửa chứ không "đóng mở bất thường", doanh nghiệp sẽ tiếp tục chết nhiều hơn", TS Trần Du Lịch nói.

TS Lê Trường Giang, Chủ tịch Hội Y tế công cộng TPHCM cho rằng các biện pháp thực hiện giãn cách đã kìm được sự bùng nổ số ca F0 nhưng chưa đủ sức đẩy lùi dịch bệnh. Đã đến lúc TPHCM cần có biện pháp mạnh hơn hoặc thay đổi quan điểm về chống dịch để chuẩn bị khôi phục kinh tế.

Chuyên gia hiến kế phục hồi kinh tế TPHCM sau đại dịch thế nào? ảnh 3

TS Lê Trường Giang. Ảnh: Việt Dũng

Theo chuyên gia này, vắc xin và thuốc điều trị là hai vũ khí hữu hiệu để chống COVID-19. Riêng xét nghiệm cần phải áp dụng đúng mục đích thì mới đạt hiệu quả.

TS Lê Trường Giang đánh giá với tình hình dịch bệnh như hiện nay, ngưỡng chịu đựng của kinh tế TPHCM đã chạm đáy, không thể kéo dài giãn cách hơn nữa. Hiện nay TPHCM tuy chưa kiểm soát dịch theo tiêu chí của Bộ Y tế nhưng vẫn có thể tính đến việc dần mở cửa khôi phục kinh tế...

Sau khi lắng nghe các ý kiến tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cho rằng các nhà khoa học đều thống nhất một số quan điểm.

Tất cả chuyên gia nhận định không thể loại trừ dịch COVID-19 ra khỏi cộng đồng vào thời điểm này.

Bên cạnh đó, điều kiện chuẩn bị để phòng chống dịch đến nay tương đối đảm bảo, như đã có thuốc, vắc xin; người dân được tiếp cận y tế. Người dân đã chấp hành, ủng hộ, đồng cam cộng khổ, "thắt lưng buộc bụng" cùng thành phố vượt qua giai đoạn khó khăn.

"Một điểm thống nhất là sức chịu đựng của xã hội nay đã đến hạn và sức chịu đựng của nền kinh tế cũng đã bị tổn thương, cần phục hồi sớm", Bí thư Nên nhận định.

Nguyên viện trưởng Viện Y tế cộng đồng TP.HCM Lê Hoàng Ninh khẳng định chiến lược của TPHCM là phải có vắc xin, không thể tiếp tục phong tỏa, đóng cửa.

MỚI - NÓNG