Các tiêu chí cần thiết để TPHCM trở về trạng thái 'bình thường mới’

0:00 / 0:00
0:00
Các tiêu chí cần thiết để TPHCM trở về trạng thái 'bình thường mới’
TPO - Sau một thời gian dài thực hiện giãn cách xã hội theo nhiều cấp độ khác nhau để phòng chống dịch COVID-19, đã đến lúc TPHCM cần đánh giá tình hình kiểm soát dịch bệnh để quyết định phương thức và thời điểm nới lỏng, tiến tới gỡ bỏ giãn cách nhằm phục hồi kinh tế trong trạng thái bình thường mới.

Để phòng chống sự lây lan của virus SARS-CoV-2, đại đa số các nước trên thế giới áp dụng biện pháp giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh, trừ Thụy Điển và số ít các nước khác.

Là tâm dịch của cả nước, sau một thời gian dài TPHCM thực hiện các biện pháp giãn cách nghiêm ngặt theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, đã đến lúc cần đánh giá tình hình kiểm soát dịch bệnh để quyết định phương thức và thời điểm nới lỏng, tiến tới gỡ bỏ giãn cách nhằm phục hồi kinh tế trong trạng thái bình thường mới.

Tối 17/9, trả lời báo chí về công tác phòng chống dịch COVID-19, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Hoài Nam cho biết hiện nay các chuyên gia đang tính toán và đang họp bàn để có ý kiến về bộ tiêu chí kiểm soát dịch bệnh.

Tuy nhiên, tiếp tục giãn cách để chống dịch hay gỡ bỏ giãn cách đều có hai mặt lợi và hại. Vấn đề cần xem xét là căn cứ trên các tiêu chí khoa học nào để có thể an tâm nới lỏng và tiến tới gỡ bỏ giãn cách mà hệ lụy có thể ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng là thấp nhất.

Khi dịch bệnh mới bùng phát, tính toán mô hình lý thuyết dựa trên tốc độ lây nhiễm, hệ số lây nhiểm, chu kỳ lây nhiễm, các nhà khoa học Mỹ đã đưa ra khuyến cáo tỷ lệ người nhiễm bệnh đã khỏi bệnh cộng với người trên 18 tuổi được tiêm vắc xin chiếm hơn 60% dân số thì khu vực đó được xem là có miễn dịch cộng đồng. Cộng đồng đó có thể sống chung với dịch.

Vào thời điểm đó, những người dưới 18 tuổi hầu như miễm nhiễm với chủng virus SARS-CoV-2 nguyên thủy. Với điều kiện như vậy, virus vẫn còn lây nhiễm nhưng tỷ lệ ngày càng giảm và đi đến triệt tiêu.

Tuy nhiên, khi chủng Delta xuất hiện, với khả năng lây nhiễm cao hơn, chu kỳ lây nhiễm ngắn hơn, máy tính đưa ra con số phải có ít nhất hơn 80% dân số có miễn dịch (người tiêm vắc xin + người khỏi bệnh) thì mới có thể được coi là đủ điều kiện miễn dịch cộng đồng.

Đây là tiêu chí đầu tiên để có thể xác định có đủ điều kiện gỡ bỏ giãn cách hay không. Các tiêu chí khác như số lượng người nhiễm virus, số lượng người nhập viện, số lượng người tử vong do COVID-19… cũng là những tiêu chí cần được đưa ra để cân nhắc.

Các tiêu chí cần thiết để TPHCM trở về trạng thái 'bình thường mới’ ảnh 1

Cần đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin để đạt miễn dịch cộng đồng trước khi TPHCM trở về trạng thái bình thường mới

Mặc dù con số lý thuyết đưa ra theo mô hình số người có miễn dịch chiếm hơn 80% dân số nhưng cần hiểu là những người được tiêm chủng đã tiêm đủ liều, thời gian có hiệu lực của vắc xin còn cao. Số ca nhiễm mới mỗi ngày tuy vẫn cần quan tâm nhưng không còn quan trọng. Số những người nhập viện do có biểu hiện bệnh lý nặng và số ca tử vong mới là những con số cần quan tâm hơn.

Nhiều nước đã tiêm chủng vắc xin hơn 60% dân số và đã nới lỏng, gỡ bỏ giãn cách hiện tại vẫn có số ca nhiễm mới khá lớn. Đơn cử như tại Anh, số người nhiễm bệnh vẫn còn khoảng 30.000 ca/ngày. Tuy nhiên, tỷ lệ người chuyển nặng thấp và tỷ lệ người tử vong thấp hơn 1% (khoảng 0,3%), trong đó 98% số ca tử vong là những người chưa tiêm vắc xin, 0,9% người đã tiêm 1 mũi và 0,4% người tiêm 2 mũi (người trên 60 tuổi chiếm 91%).

Do đó, vấn đề quan trọng hiện nay mà TPHCM cần làm ngay là đẩy nhanh hơn nữa tốc độ tiêm phủ vắc xin. Đây là điểm mấu chốt quan trọng nhất mà chúng ta có thể chủ động. TPHCM cần tổ chức lại để đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng. Tiêu chí tiêm vắc xin cho 90% người dân trên 18 tuổi là mục tiêu cần đạt để từng bước nới lỏng và tiến tới bỏ giãn cảnh xã hội, khôi phục lại các hoạt động trong trạng thái bình thường mới.

TPHCM cần xác định cụ thể số người bệnh chuyển nặng, số ca tử vong mỗi ngày từ những ca bệnh mới và thông qua đó để xác định có thể giảm tải cho hệ thống y tế, giảm số ca tử vong mỗi ngày (trừ ra những người đã bị bệnh trước đây). Cần căn cứ số liệu các ca chuyển nặng mới ít hơn số người bệnh nặng được xuất viện và tỷ lệ người tử vong trên số ca nhiễm mới đạt dưới 1% làm tiêu chí để xem xét, quyết định việc nới lỏng và gỡ bỏ giãn cách xã hội.

Theo Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, tính đến ngày 16/9, TPHCM đã tiêm vắc xin mũi 1 đạt tỷ lệ 92% đối tượng theo quy định của Bộ Y tế và tiêm mũi 2 đạt 24%.

Để công tác phòng chống dịch đạt hiệu quả, TPHCM cần tăng cường số lượng cũng như chất lượng (trang thiết bị, túi thuốc, nhân sự) các tổ y tế có nhiệm vụ chăm sóc F0 tại nhà để giảm tỷ lệ chuyển nặng phải nhập viện.

TPHCM cần cấp thẻ xanh COVID cho những người tiêm hai mũi sau 1 tuần hoặc những F0 khỏi bệnh và chỉ kiểm ra thẻ ở các chốt kiểm soát ở cửa ngõ thành phố và những nơi công cộng tập trung đông người như siêu thị, cửa hàng, nhà hàng, rạp chiếu phim…

Ngoài ra, Thành phố cần tiếp tục tổ chức kiểm tra lưu động, đột xuất và không cần duy trì các chốt kiểm soát trong nội ô thành phố.

LTS: TSKH Nguyễn Quốc Bình từng là giảng viên Trường Đại học Tổng hợp TPHCM, được Chính phủ Pháp cấp học bổng chương trình thạc sỹ (2 năm) và tiến sỹ (3 năm) tại Đại học Paris 11. Sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sỹ về công nghệ sinh học, ông tiếp tục chương trình sau tiến sỹ và tham gia nghiên cứu, giảng dạy tại Đại học Laval ở Québec (Canada) trước khi trở về Việt Nam xây dựng Trung tâm công nghệ sinh học theo lời mời của lãnh đạo TPHCM và giữ chức vụ phó giám đốc trung tâm này cho đến khi nghỉ hưu.

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. 
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.