Bị tấn công, chúng ta làm gì?

TP - Tin tặc quốc tế vừa cấp tập tấn công vào hệ thống mạng thông tin của Hàng không Việt Nam tại các sân bay trọng yếu Nội Bài, Tân Sơn Nhất. Thông điệp chúng đưa ra trong chiến dịch lần này rất rõ ràng: dọa nạt, kích động, xuyên tạc trắng trợn về biển Đông!

Tin tặc nước ngoài “mưa gió” tại Việt Nam không hiếm. Nhưng rất bất thường, khi đây là lần đầu tiên hacker hướng chủ đích vào vấn đề chính trị là biển Đông.

Đề tài vốn đang rất nóng, sau phán quyết vụ của Tòa trọng tài thường trực The Hague. 

Có trùng hợp gì không, khi Trung Quốc vừa bỏ rất nhiều tiền thuê biển quảng cáo ngoài trời lớn nhất thế giới tại quảng trường Thời Đại (New York, Mỹ) để chạy đoạn video tuyên truyền sai lệch về biển Đông? Cũng như đang ráo riết xuất bản ấn phẩm về biển Đông để phát trên các phương tiện truyền thông có tầm ảnh hưởng nhất cùng lúc tại 30 quốc gia?

Không khó để thấy rằng Trung Quốc đang “tấn công biển Đông” trên quy mô toàn cầu, và phát tán qua truyền thông đại chúng.  

Bị tấn công, chúng ta làm gì?

Phản ứng đầu tiên, ngoài việc vào cuộc của lực lượng an ninh quốc gia, thì tại các sân bay, chúng ta lặng lẽ xếp hàng, nhường nhịn nhau từng chỗ đứng chỗ ngồi, thông cảm với nhân viên về sự chậm trễ khi mọi thủ tục phải làm bằng tay. Nhiều bài báo đã ca ngợi điều này. Chúng ta đã không hoảng loạn, như mong muốn của những tên khủng bố mạng.

Và sau hơn 12 tiếng, chúng ta cơ bản khắc phục hệ thống làm thủ tục tại sân bay cũng như các giao dịch, thanh toán qua mạng.

Nhưng như thế đã đủ chưa? Đã đủ chưa nếu lại tiếp tục xảy ra những vụ tấn công tương tự, vào những lĩnh vực nhạy cảm, hiểm yếu dễ gây hoang mang, xáo trộn?

Chúng ta không thể cứ mãi im lặng, lầm lũi xếp hàng chờ làm thủ tục bằng tay.

Truyền thông chúng ta đã bớt thời lượng cho những cuộc tranh cãi vô bổ quanh cái phóng sự du lịch về cuộc chiến tranh ở đâu đó chưa? Bớt những sô truyền hình thực tế lòe loẹt hết ngày dài lại đêm thâu để quan tâm đến chuyện sống còn của chính bờ cõi chúng ta không?

Các nghệ sĩ của chúng ta có thôi cắn móng tay hết bảo vệ tê giác, đến bảo vệ tê tê, mà dành chút thời gian nói với hàng triệu fan của mình về biển đảo, về vận nước an nguy, về sự sẻ chia, đoàn kết? 

Học trò đã được học đều khắp về biển đảo Tổ quốc mình chưa? Các doanh nghiệp, bộ ngành liên tiếp “sa bẫy” đầu tư từ Trung Quốc rút ra được bài học gì chưa, hay vẫn lại  nhắm mắt vay liều? 

Người Trung Quốc đang hô hào tẩy chay hàng hóa của các “đối thủ” biển Đông. Còn chúng ta, xuất khẩu khoáng sản qua Trung Quốc đạt kim ngạch đến 5 tỷ USD, mà “hải quan không biết, không thống kê”, như phát hiện của chuyên gia kinh tế mà Tiền Phong vừa đăng hôm qua? 

Để có đối sách ứng phó thích hợp và thích đáng với những cuộc tấn công, chúng ta cần nhìn lại chính mình một cách nghiêm khắc hơn nhiều.

MỚI - NÓNG