Tan chảy

Lối ra vào một cụm cảng cỏ mọc ngang hông.
Lối ra vào một cụm cảng cỏ mọc ngang hông.
TP - Chuyện làm ăn thua lỗ, hay hoạt động kém hiệu quả của nhiều doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) lại nổi lên khi báo cáo của Kiểm toán Nhà nước mới đây cho thấy bức tranh hoạt động kinh doanh và quản lý vốn tại nhiều đơn vị khá… xám màu.

Không hiếm DNNN “lắm tài, nhiều tật”. Kiểm toán Nhà nước cho biết, nhiều tập đoàn, tổng công ty quản lý nợ chưa chặt, dẫn đến thất thu, quá hạn, nợ khó đòi... Một số đơn vị xoá nợ chưa đủ điều kiện, trích lập dự phòng chưa đúng quy định, nợ tạm ứng tồn đọng nhiều năm với số tiền lớn chưa được thu hồi.

Có thể kể ra, “Vinalines” có số lỗ khủng lên tới 3.500 tỷ đồng; Công ty Vận tải Viễn dương Vinashin âm vốn chủ sở hữu tới 8.481 tỷ đồng. Đó là chưa kể, có “ông lớn” thổi bay cả khoản đầu tư ngót ngàn tỷ ngoài ngành. Bên cạnh đó, nhiều DNNN tiếng là làm ăn có lãi nhưng lại mắc kẹt trong những khoản nợ lớn khó đòi. Ngoài ra, một tính toán mới đây cũng cho thấy, khối DNNN vốn dĩ luôn “tốt vay, dày nợ”. Tính đến cuối năm 2015, Chính phủ phải bảo lãnh vay vốn hơn 26 tỷ USD cho các doanh nghiệp này.

Theo thống kê của Bộ Tài chính, DNNN vẫn là những đầu tầu đang mang lại những nguồn thu và đóng góp đáng kể cho ngân sách. So sánh với các thành phần kinh tế khác, DNNN luôn có 4 lợi thế quan trọng, đó là vốn, đất đai, lợi thế cạnh tranh và niềm tin của xã hội. Tuy nhiên, cũng cần sòng phẳng, thời gian qua, nhiều DNNN, trong đó có các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước không tận dụng được hết những lợi thế này, thậm chí còn lãng phí, đánh mất niềm tin, gây thất thoát lớn tiền Nhà nước.

Từng có đại biểu Quốc hội lên tiếng cảnh báo: 5 năm trở lại đây, dường như sự hình thành và phát triển của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước quá nhanh đã vượt quá tầm quản lý của Nhà nước!

Vốn dĩ được kỳ vọng sẽ là những “quả đấm thép” làm bệ đỡ cho các thành phần kinh tế khác nhưng đến lúc này, khó tránh khỏi cảm giác, hình như chất thép trong nhiều “quả đấm” đang tan chảy!

MỚI - NÓNG